Suy thoái là cơ hội vàng để khởi nghiệp

Việt Hưng - 15:16, 24/06/2020

TheLEADEREric Ries, tác giả cuốn sách The Lean Startup nhận định sự yếu kém của các mô hình kinh doanh cũ đang là "cơ hội" mở ra các mô hình mới - những startup tiềm năng trong tương lai.

Suy thoái và cơ hội

Doanh nhân người Mỹ Eric Ries - tác giả cuốn sách bán chạy The Lean Startup, một trong những người tiên phong cho phong trào khởi nghiệp tinh gọn nhận định, Covid-19 mang đến một giai đoạn bất ổn kéo dài và có thể đe doạ công việc của nhiều người, đồng thời làm đảo lộn hầu hết cuộc sống thường ngày. Nhưng mặt khác, cuộc khủng hoảng gây ra bởi đại dịch cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các startup.

"Thời điểm tốt nhất để trở thành một doanh nhân là khi mọi người cố gắng tìm lối thoát. Thế nên, thời điểm tuyệt vời để khởi sự kinh doanh đã sắp đến", tác giả của The Lean Startup chia sẻ.

Trả lời CNBC, Ries cho rằng, nhiều trong số những công ty vĩ đại nhất trên thực tế đều sinh ra trong thời khủng hoảng. Đơn cử, những tên tuổi lớn như General Motors, IBM, Disney, Toyota và HP đều ra đời trong hoặc ngay trước thời kỳ suy thoái kinh tế của cuộc Đại Suy thoái (1930) hay Thế chiến thứ II. Hay như UberAirbnb đều được ra đời vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chưa trôi qua hết.

Một phần nguyên nhân đến từ việc các yếu tố đầu vào, mà cụ thể là chi phí tạo ra sản phẩm, dịch vụ, đều ở mức thấp trong thời gian suy thoái, nhờ đó mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, con người thường có khuynh hướng tìm kiếm sự thay đổi sau thời gian khủng hoảng; và điều này đặc biệt có ý nghĩa ở thời điểm hiện tại, khi nhiều tổ chức giữ vai trò lãnh đạo đã thất bại trong công tác ứng phó với dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sự yếu kém này của các mô hình cũ cũng là "cơ hội hết sức tuyệt vời" mở ra các mô hình mới - những startup tiềm năng trong tương lai.

Sắc xanh tại Việt Nam

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, Covid-19 sẽ tạo ra một cuộc đại suy thoái trên toàn cầu, xuất hiện ở mọi lĩnh vực. Thực tế tại Việt Nam, giới kinh doanh và khởi nghiệp nói chung đã và đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực trong khoảng 4 tháng trở lại đây. WeFit tuyên bố phá sản, Soya Garden thu hẹp quy mô là những minh chứng rõ nhất.

Tuy nhiên, bức tranh chung của giới khởi nghiệp Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu tích cực. Các startup trong lĩnh vực tuyển dụng như: JobHop, JobsGO nhận vốn đầu tư trong nước. TopCV và Chatbot Việt Nam nhận đầu tư của quỹ Next100.

Công ty tuyển dụng trực tuyến Siêu Việt ghi nhận mức đầu tư khủng lên tới 34 triệu USD từ Affirma Capital. Sapo, nền tảng hỗ trợ quản lí và bán hàng đa kênh hoàn tất vòng gọi vốn trên 1 triệu USD. JupViec gọi vốn thành công lần 3 từ STI Holdings.

Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, bức tranh khởi nghiệp Việt Nam đón nhận nhiều tin vui. Startup BuyMed nhận được đầu tư 2,5 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A. eDoctor được rót vốn 1,2 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Genesia Ventures, Bon Angels và Nextrans.

Startup y tế Doctor Anywhere - đơn vị có cơ sở tại Việt Nam cũng công bố gọi vốn thành công 27 triệu USD. Còn như chuỗi nhà thuốc hàng đầu là Pharmacity cũng gọi vốn thành công gần 32 triệu USD (khoảng 730 tỉ đồng) trong vòng Series C.

Nhìn về mục tiêu lớn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 760 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; khoảng trên 7 triệu hộ kinh doanh. Trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%.

Mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020, Việt Nam đạt khoảng 1 triệu doanh nghiệp. Đây là mục tiêu có sở khoa học, bởi môi trường kinh doanh Việt Nam liên tục được cải thiện, nhiều cơ chế, chính sách khuyễn khích đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với hàng triệu hộ kinh doanh có đủ điều kiện nâng lên thành doanh nghiệp… 

Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.

Công bố của Trường Đại học Technische Universitat Munchen, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumfors cho thấy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp. Thế nhưng, Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ có khoảng 3% được gọi là thành công.

Trong đó, hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mới hỗ trợ vòng ngoài là nhiều.

Cùng với những vướng mắc về cơ chế chính sách, công ty khởi nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế, điển hình như: Hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển. Chưa nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến các startup thất bại.