Tập đoàn Nhật Bản đề xuất mua Công ty tài chính Handico

Trần Anh - 17:14, 25/02/2019

TheLEADERCông ty dịch vụ tài chính Aeon (AFS), thuộc tập đoàn Aeon Nhật Bản muốn mua một công ty tài chính nhằm mở rộng đầu tư và tăng cường sức mạnh tổng hợp các hoạt động tại Việt Nam

Trong cuộc gặp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sáng 25/2, ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Aeon (AFS), thuộc tập đoàn Aeon Nhật Bản cho biết, tập đoàn này sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua mua lại các công ty tài chính của nước ngoài hoặc các công ty tài chính có cổ phần của nhà nước.

Việc mua lại một công ty tài chính sẽ giúp Aeon tăng cường sức mạnh tổng hợp hoạt động tại Việt Nam. Hiện nay, Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm của tập đoàn này tại Đông Nam Á với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Một nguồn tin cho biết, công tài chính mà AFS đang tiếp cận là HAFIC – Công ty tài chính Handico, được thành lập từ năm 2005 bởi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội.

HAFIC sau đó được cổ phần hóa và có thêm các cổ đông khác. Tuy nhiên do hoạt động kém hiệu quả công ty đã thua lỗ hàng trăm tỷ đồng và bị NHNN áp đặt kiểm soát đặc biệt từ năm 2015.

Trước khi bị kiểm soát công ty có vốn điều lệ 550 tỷ đồng do Handico nắm giữ hơn 12%, số cổ phần còn lại do các thành viên ban lãnh đạo và cổ đông cá nhân khác nắm giữ.

Dù tình trạng tài chính xấu, HAFIC vẫn nhận được sự quan tâm của các tổ chức tài chính gồm cả ngân hàng trong nước như TP Bank và tập đoàn nước ngoài như KB Kookmin Card hay JB Financial Holdings. Tuy vậy, các thương vụ này đều vấp phải khó khăn khi lên phương án xử lý khối tài sản xấu của HAFIC.

Nếu được chấp thuận mua lại phần lớn cổ phần của HAFIC, AFS cũng sẽ phải đối mặt với bài toán tương tự. Ngoài ra, có thể AFS còn phải trả một mức giá tối thiểu 10.000 đồng/ cổ phần cho số cổ phần mà Handico đang nắm giữ nhằm tránh đưa cổ đông nhà nước này vào tình trạnh thua lỗ khi thoái vốn.

Trước khi tìm mua một công ty tài chính, tập đoàn Aeon đã thành lập tại Việt Nam một công ty mua, bán hàng trả chậm với thương hiệu ACS Việt Nam. Hoạt động từ năm 2008, ACS Việt Nam đã hợp tác với Aeon Mall và một loạt siêu thị điện máy để cung cấp dịch vụ thanh toán trả góp cho các khách hàng.

Sự kết hợp giữa HAFIC và nền tảng hoạt động hiện tại của ACS Việt Nam sẽ nhanh chóng đưa mảng cho vay tiêu dùng của Aeon tại Việt Nam phát triển với quy mô lớn hơn. Mảng dịch vụ tài chính của Aeon đang hiện diện rộng khắp ở Châu Á từ Nhật Bản đến Hongkong, Đài Loan và các quốc gia Asean với tổng tài sản 88 tỷ USD và doanh thu 74 tỷ USD

Năm ngoái, một tập đoàn khác là Lotte thông qua Lotte Card đã mua lại công ty tài chính của Techcombank. Giá trị của giao dịch này được cho là gần 1.700 tỷ đồng. Tương tự như Aeon, Lotte cũng đang đầu tư lớn tại Việt Nam với hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi fastfood, rạp chiếu phim và các dự án bất động sản gồm khách sạn và văn phòng cho thuê.