Khởi nghiệp
Tế bào gốc cho khởi nghiệp
Ông Trần Thanh Hải, nhà sáng lập và CEO Be Group mông muồn tài xế công nghệ được công nhận là một nghề như chiến lược được ứng dụng Be theo đuổi từ ngày đầu thành lập là luôn lấy con người làm gốc.
Quy mô thị trường gọi xe công nghệ đã lên tới 1,1 tỷ USD và có thể lên tới 4 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo e-Conomy SEA 2019. Trong khi Malaysia đã có Grab, Indonesia tự hào với Go-Jek, thì dường như Việt Nam chưa có được cái tên nào sáng giá. Nhiều chuyên gia nghi ngại không đơn thuần là việc Grab, Go-Jek sẽ chiếm lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam, mà những ngành nghề khác cũng rất dễ nối đuôi nhau rơi vào tay các công ty ngoại.
Trước bài toán đó, ông Trần Thanh Hải, nhà sáng lập & CEO Be Group - đơn vị hiện vận hành ứng dụng gọi xe be tỏ ra lạc quan: “Vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe Việt Nam. Tuy nhiên, để nói về vị thế trên thị trường, thị phần số 1, số 2, hay số 3, thì còn phải xem quyết tâm, cũng như chiến lược của các startup tham vọng tới đâu”.
Trên thực tế, Be Group đang có những bước tiến thần tốc. Theo báo cáo của ABI Research, sau khoảng 10 tháng ra mắt, ứng dụng gọi xe Be đang đứng thứ 2 thị trường về số lượng cuốc xe hoàn thành. Be Group chỉ đứng sau Grab và hiện đã vượt qua Go-Viet. Trung bình, mỗi ngày Be đáp ứng khoảng 300.000 chuyến xe, cùng đội ngũ 40.000 tài xế, trong bối cảnh thị trường gọi xe đang cạnh tranh gay gắt.
Chào ông Hải. Rất nhiều người từng tò mò về hoàn cảnh ra đời của ứng dụng Be. Mong ông chia sẻ?
Ông Trần Thanh Hải: Để nói về ứng dụng gọi xe be, tôi nghĩ chỉ hoàn cảnh thôi là chưa đủ. Tôi cho rằng, việc Be ra đời có lẽ phải bao gồm 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thú thật, kể từ khi Be bắt đầu hình thành ý tưởng cho tới lúc ra mắt sản phẩm là cực kì nhanh chóng.
Cá nhân tôi khi mới biết đến lĩnh vực gọi xe công nghệ đã được truyền rất nhiều cảm hứng từ Go-Jek. Ở họ, tôi nhìn thấy niềm tự hào dân tộc cực kì lớn. Tôi được biết, ông chủ thương hiệu này vốn là con nhà binh, đồng thời gia đình họ có truyền thống yêu nước nồng nàn. Thực tế, Go-Jek đã tạo ra rất nhiều việc làm cho tầng lớp xe ôm đông đảo tại Indonesia. 70% các tài xế được hỏi đều cho biết, họ tham gia Go-Jek vì đó là công ty của Indonesia. Từ đó, tôi trộm nghĩ, Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy tại sao Việt Nam không?
Vào thời điểm tháng 4/2018, đúng lúc Uber rút khỏi Việt Nam, chúng tôi bắt đầu ngồi phân tích, thị trường Việt Nam đã đủ lớn để có nhiều tay chơi cùng cạnh tranh, thay vì chỉ một thương hiệu độc quyền, thao túng và làm giá. Đặt vào hoàn cảnh này, quyết tâm đưa ứng dụng be ra mắt thị trường càng mạnh mẽ hơn.
Thời điểm đó, liệu ông đã lường trước được thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sẽ có lúc nóng như đổ lửa hiện nay?
Ông Trần Thanh Hải: Không riêng gì lĩnh vực gọi xe công nghệ, mà ngành nghề nào cũng vậy, có cạnh tranh thì mới có phát triển. Hơn nữa, trong thị trường 100 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe nội như be.
Từ thành lập tới nay, chúng tôi đã xác định, việc tập trung vào phục vụ khách hàng sẽ là phương châm chủ đạo của Be Group. Thực tế, cách làm việc của tôi vốn không lo ngó tới “hàng xóm”, mà chính là tin vào việc mình làm. Khi lập kế hoạch thì nó phải đúng đắn, tùy biến và khôn ngoan.
Dĩ nhiên, tay chơi nào cũng muốn thị phần của mình càng lớn càng tốt. Nhưng tôi nghĩ, thị trường này đủ lớn để 2 - 3 đơn vị cùng cạnh tranh. Cá nhân tôi kỳ vọng thị trường này sẽ cạnh tranh lành mạnh, lớn hơn về quy mô để ai cũng có một chỗ đứng. Cuối cùng, khung pháp lý sẽ hoàn thiện để bảo đảm quyền lợi và công bằng cho tất cả các bên tham gia.
Vậy theo ông, cơ hội dành cho các ứng dụng gọi xe công nghệ Việt Nam gia nhập thị trường như Be là gì?
Ông Trần Thanh Hải: Đầu tiên, tôi khẳng định, tiềm năng về vận tải ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, 93% con số dự báo chủ yếu đến từ 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Như vậy, tất cả các tỉnh, thành phố khác chỉ chiếm khoảng 7%. Tôi tin rằng, con số thực tế lớn hơn 7% rất nhiều. Do đó, có thể nói thị trường gọi xe công nghệ vẫn chưa được khai phá hết.
Chúng ta đều biết, giao thông vận tải là điều thiết yếu của cuộc sống. Ở đâu chúng ta cũng có nhu cầu đi lại, vận chuyển. Cơ hội dành cho be chính là việc luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng trên các chuyến đi, và nhu cầu giao vận cũng vậy. Bên cạnh đó, với việc thị trường gọi xe công nghệ được dự báo tăng lên khoảng 4 tỷ USD vào năm 2025, tôi tin rằng, cơ hội của be cũng chính là cơ hội chung của toàn thị trường.
Đúng như ông chia sẻ, cuộc đua trên thị trường công nghệ tới đây sẽ rất khốc liệt. Chắc hẳn ông đã chuẩn bị cho Be những chiến lược đặc biệt?
Ông Trần Thanh Hải: Ở bất kì ngành nghề nào cũng vậy, tôi tin chất lượng sẽ luôn là yếu tố quyết định việc giữ chân khách hàng. Bởi khi những chương trình khuyến mãi đi qua, khách hàng vẫn tự nguyện chi tiền để sử dụng dịch vụ của mình, thì đó mới là điều quan trọng mà Be hướng tới.
Tôi không phủ nhận, Be vẫn có khá mới và không tránh khỏi những bất cập trong quá trình vận hành. Mặc dù cộng đồng ít nhiều cũng ưu ái và thấu hiểu cho chúng tôi, nhưng Be sẽ không vì thế mà ý lại việc “người Việt dùng hàng Việt” để kêu gọi sự cảm thông. Chúng tôi với nỗ lực không ngừng nghỉ đang từng bước nâng cao chất lượng để khiến các khách hàng hài lòng.
Một trong những chiến lược quan trọng của chúng tôi, đó là lấy tài xế làm gốc. Với quan niệm, được lòng khách là do tài xế, mà mất khách cũng do tài xế, be đã vàng đang hướng tới mô hình kinh doanh mà bản thân tài xế phải ổn định được về cuộc sống. Qua đó, chúng tôi sẽ có một lực lượng tài xế ổn định, gắn bó và đồng hành cùng be mở rộng thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tôi tin, khi quyền lợi của tài xế gắn liền với sự phát triển của be, gắn liền với các tiêu chí chất lượng, thì họ cũng phải có những hành vi, ứng xử đúng mực, để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Cụ thể, Be sẽ hiện thực hóa những chiến lược đó thế nào, thưa ông?
Ông Trần Thanh Hải: Để hiện thực hóa chiến lược này, chúng tôi đã cho ra mắt Học viện Đào tạo Đối tác Tài xế - beAcademy cùng Cộng đồng Đối tác Tài xế - beCommunity. Học viện được kì vọng trở thành mô hình đào tạo uy tín, có chất lượng hàng đầu dành cho đối tác tài xế ở Việt Nam.
Còn gần đây nhất, Be Group đã trao đổi và tiến đến ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để từng bước công nhận, đánh giá và nâng cao kỹ năng nghề tài xế công nghệ, đồng thời tôn vinh những đóng góp cho xã hội của lực lượng lao động này.
Với định hướng tập trung vào sự phát triển toàn diện của đối tác tài xế, chúng tôi tập trung đào tạo, nâng cao kiến thức, năng lực cho đối tác trong ngắn hạn. Còn trong dài hạn, công ty sẽ cung cấp các hoạt động đào tạo mở rộng, cho cả đối tác tài xế của be và cộng đồng tài xế chưa tham gia vào Be.
Ông hẳn rất trăn trở về nghề tài xế công nghệ?
Ông Trần Thanh Hải: Những năm trở lại đây, nghề tài xế công nghệ đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Ước tính có đến hơn 300.000 tài xế phục vụ trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe, 380 cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe nhưng chưa có nơi nào cung cấp kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho tài xế công nghệ.
Chưa kể, việc nghề tài xế công nghệ chưa nhận được nhiều sự cảm thông và tôn trọng của đại bộ phận cộng đồng, cũng gây nên những hệ quả không đáng có trong quá trình thực hiện chuyến đi.
Rõ ràng, vấn đề chuẩn hóa, công nhận và tôn vinh nghề tài xế công nghệ chưa bao giờ quan trọng và cần thiết như bây giờ. Là ứng dụng gọi xe thuần Việt với tầm nhìn về một xã hội phát triển bền vững, chúng tôi luôn thấu hiểu những trăn trở về thực trạng và nhu cầu lao động tài xế công nghệ.
Do đó, chúng tôi là muốn xã hội công nhận tài xế công nghệ là một nghề bởi họ cũng lao động khoảng 6-12 tiếng/ngày. Đã là nghề thì họ phải được cộng đồng tôn trọng, được bảo vệ bởi pháp luật, chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước, Luật Lao động
Đó là với các đối tác lái xe, vậy còn những con người khác ở Be, ông có bí quyết gì để thu hút họ?
Ông Trần Thanh Hải: Thú thật, tôi không có bí quyết gì. Nhưng tôi nghĩ có 2 thứ mà Be đã làm được. Đầu tiên là sự trung thực trong câu chuyện mình nói về sứ mệnh của doanh nghiệp và nó phải đủ lớn để thu hút tài năng. Thứ hai là bạn phải chứng minh được bạn đang sống chết với lý tưởng đấy. Thể hiện tốt được 2 điều đó sẽ thuyết phục được nhân tài về đầu quân.
Tất cả mọi người làm việc với tôi đều biết, những gì mà tôi trao đổi với các bạn trong buổi phỏng vấn, như chân lý - trách nhiệm - mục tiêu của tôi, cho tới thời điểm này chưa bao giờ thay đổi, luôn trước sau như một. Hãy trung thực và khiêm tốn, nhưng phải có hoài bão lớn. Nếu ước mơ của bạn quá nhỏ sẽ không bao giờ kêu gọi được người tài, bởi vì người ta sẽ chẳng bao giờ theo bạn để làm một việc cỏn con.
Nhân đây, ông có thể chia sẻ về “hoài bão lớn” của ứng dụng gọi xe công nghệ Be?
Ông Trần Thanh Hải: Chúng tôi luôn mơ ước be không chỉ thành công ở Việt Nam, mà còn là vươn tầm ra khu vực. Tuy nhiên, dù ước mơ có lớn tới đâu, thì trước mắt be vẫn là mục tiêu tập trung vào sản phẩm, cũng như làm tốt việc của mình tại thị trường trong nước. Với tôi, đã mơ thì phải mơ lớn, nhưng đã làm thì phải làm thực tế.
Cảm ơn ông. Chúc ông thành công với những dự định của mình!
CEO Be Group: Cần công nhận tài xế công nghệ là một nghề
Be Group muốn 30% thị phần giao vận toàn quốc
Be Group mới đây đã chính thức ra mắt 2 dịch vụ giao nhận là beExpress và beDelivery tại Hà Nội, TP. HCM, và sắp tới là Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ...
Be Group bắt tay VPBank cung cấp dịch vụ tài chính trên ứng dụng gọi xe
Ông Trần Thanh Hải - CEO Be Group khẳng định: "beFinancial, nằm trong các cam kết của Be Group, sau khi triển khai dịch vụ vận tải, là các sản phẩm tài chính số".
Be Group trong cuộc đua công nghệ với Grab
CEO Be Group Trần Thanh Hải kêu gọi các doanh nghiệp Việt chung tay xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt, khẳng định vị thế trong nước và chủ động vươn ra thị trường quốc tế.
CEO Be Group: Malaysia có Grab, Indonesia có Go-Jek, vậy Việt Nam có gì?
Trao đổi với TheLEADER, ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group - đơn vị vận hành ứng dụng gọi xe be tỏ ra lạc quan: “Vẫn luôn có chỗ cho các ứng dụng gọi xe Việt Nam”. Tuy nhiên, để nói về vị thế trên thị trường, thị phần số 1, số 2, hay số 3, thì còn phải xem quyết tâm, cũng như chiến lược của các startup tham vọng tới đâu.
Khai doanh trí, chấn doanh khí cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nền văn hóa kinh thương Việt Nam 2045 được cấu thành bởi một thế hệ doanh nhân mới với doanh trí mới và doanh khí mới, và một nền quản trị mới với khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu.
Dịch vụ là văn hoá
Dịch vụ không chỉ gói gọn trong công nghệ hay bí mật thương mại, mà cốt lõi chính là văn hóa con người.
Nắm lấy những cơ hội chuyển mình
Trong suốt 28 năm qua, ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam) đã luôn nắm bắt những cơ hội thay đổi, chuyển mình để trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp tiên phong và thành công nhất Việt Nam.
Cách những thương hiệu tỷ đô gia tăng giá trị
Những câu chuyện giàu cảm xúc, có tính lan toả giúp người tiêu dùng hiểu được bối cảnh và tham vọng sẽ giúp doanh nghiệp định vị, gia tăng giá trị thương hiệu.
Vun vén nguồn nhân lực cho nền kinh tế số
Nhân lực được xem là bài toán cấp bách trong tiến trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế số, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.
Doanh nhân trẻ: Tiên phong và kiến tạo
Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ là hành trình tái tạo và kiến tạo không ngừng nghỉ. Sự gắn kết cùng tinh thần dám nghĩ dám làm đã đưa họ từ những ngày đầu khó khăn đến một tương lai mới, nơi mà những người trẻ đang tiếp tục kế thừa và phát huy hệ gen giá trị.
Mở lối cho du lịch
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang bùng nổ, có một thực tế không thể phủ nhận rằng nếu không có những doanh nghiệp dám đi trước, những người tiên phong trong việc khai thác tiềm năng du lịch, sẽ không có những điểm đến nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.