Tham vọng trở thành 'Vinamilk trong ngành thịt' của Masan MEATlife

Trần Anh - 08:18, 09/12/2019

TheLEADERMasan MEATlife tin rằng mô hình hàng tiêu dùng nhanh sẽ thay đổi thị trường thịt, giống như Vinamilk đã làm với thị trường sữa. Thị trường thịt heo hiện nay lớn gấp 4 lần ngành sữa nhưng chưa có người dẫn đầu và 99% sản phẩm không có thương hiệu.

Sáng nay cổ phiếu của Công ty CP Masan MEATLife sẽ chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với mã MML. Hơn 322,33 triệu cổ phiếu MML chào sàn với giá 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với việc định giá công ty vào khoảng 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).

Masan MEATlife, công ty đổi tên từ Masan Nutri-Science, là doanh nghiệp chuyên về kinh doanh thức ăn chăn nuôi và cung cấp sản phẩm thịt mát theo chu trình khép kín "từ trang trại tới bàn ăn". Công ty này đưa ra thị trường thương hiệu thịt mát MeatDeli vào cuối năm 2018 với tầm nhìn ngay từ đầu cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam sản phẩm thịt ngon, an toàn, giá cả hợp lý mọi lúc mọi nơi.

Masan MEATLife không giấu giếm tham vọng trở thành một “Vinamilk trong ngành thịt”, gặt hái thành công tương tự những gì Masan Consumer đã giành được trong ngành gia vị, nước chấm.

Tham vọng với thị trường thịt 10 tỷ USD

Thống kê cho thấy, Việt Nam là quốc gia có lượng tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó 63% lượng tiêu thụ đạm động vật tươi tại Việt Nam là thịt lợn, 30% là thịt bò và 7% là gia cầm.

Năm 2017, lượng tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người của Việt Nam đạt 29kg/người, cao hơn cả Hàn Quốc, Mỹ, và Úc. Thịt lợn cũng là loại đạm động vật được người tiêu dùng Việt Nam đi chợ mua thường xuyên nhất, với tần suất trung bình 2,9 lần/tuần, cao hơn nhiều so với cá, gia cầm, thịt bò và các loại thịt khác.

So sánh với thị trường Mỹ, sức mua tương đương của Mỹ gấp 9 lần Việt Nam, dù giá lợn hơi trung bình tại Việt Nam lại cao gấp 1,4 lần Mỹ. Dù giá thịt lợn đang ở mức cao, dự báo giai đoạn 2019 – 2025, sản lượng thịt lợn tại Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng thêm 20%, tỷ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế.

Khi nhu cầu tăng trưởng ở mức cao, đi cùng với đó là mối quan tâm lớn về an toàn thực phẩm. 88% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm thịt an toàn. Trong 2 năm qua, ngành chăn nuôi heo đã chịu ảnh hưởng lớn từ dịch lở mồm long móng và dịch tả theo Châu phi.

Theo Masan, Việt Nam hiện nay chưa có mô hình phân phối thịt quy mô lớn hợp vệ sinh, 98% ra chợ truyền thống và đa phần là thịt nóng. Đặc điểm của thịt nóng có thời gian sử dụng ngắn (4 giờ ngoài nhiệt độ thường) và có nguy cơ hỏng nhanh dưới điều kiện bảo quản tại chợ. Trong khi thịt mát có hạn sử dụng từ 7-11 ngày.

Với những ưu điểm của thịt mát, việc chuyển dịch sang sử dụng thịt mát và thịt chế biến trong tương lai gần tại Việt Nam là tất yếu. Điều này tương tự với những gì đã diễn ra tại thị trường Trung Quốc, khi lượng tiêu thụ thịt nóng đã giảm 20% từ năm 2010 đến 2015 do người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm thịt mát.

Masan đánh giá, thị trường thịt heo Việt Nam rất giống với thị trường sữa giai đoạn 15 – 20 năm trước, nhưng quy mô lớn gấp 2,5 lần. Ước tính, thị trường thịt heo hiện có giá trị khoảng 10 tỷ USD, và mục tiêu của Masan MEATtLife đến năm 2022 sẽ trở thành thương hiệu thịt mát đóng gói số 1 tại Việt Nam, phân phối 10% thị phần thịt heo toàn quốc với doanh đạt 1,5-3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế từ 200-450 triệu USD.

Để thực hiện được mục tiêu tham vọng này, Masan tự tách mình ra khỏi các công ty nông nghiệp truyền thống như CP hay Cargill và xếp mình vào nhóm những công ty tiêu dùng nhanh như Vinamilk. Các công ty làm nông nghiệp đơn thuần bị dẫn dắt bởi năng suất, không tham gia chuỗi giá trị sâu vì rất ít sản phẩm tiêu dùng, hệ thống phân phối B2B và gần như không có thương hiệu.

Chẳng hạn, CP là mô hình một nhà chăn nuôi điển hình, với sản phẩm tập trung vào trang trại heo hơi, hoạt động chủ yếu trong thị trường thịt tươi sống, thịt nóng hạn sử dụng ngắn ngày và không có hoạt động marketing thương hiệu nào.

Ở mặt ngược lại, Vinamilk là công ty sữa lớn nhất Việt Nam nhờ có sức mạnh của thương hiệu. So với các công ty nông nghiệp đơn thuần, tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của Vinamilk trong thời gian qua vượt trội hơn hẳn. Vinamilk đang chiếm hơn 50% của thị trường sữa 4 tỷ USD.

Tham vọng trở thành 'Vinamilk trong ngành thịt' quy mô 10 tỷ USD của Masan MEATlife
MEATDeli được bày bán tại siêu thị tại Hà Nội

Masan MEATlife sẽ đi theo mô hình giống với Vinamik. Công ty tin rằng mô hình hàng tiêu dùng (FMCG) sẽ thay đổi thị trường thịt, giống như Vinamilk đã làm với thị trường sữa. Thị trường thịt heo hiện nay lớn gấp 4 lần ngành sữa nhưng chưa có người dẫn đầu và 99% sản phẩm không có thương hiệu.

Masan MEATlife có những ưu thế khi lựa chọn chiến lược phát triển này. Masan MEATLife hiện nắm trong tay chuỗi giá trị hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi với sản lượng 230.000 con/năm và một tổ hợp chế biến thịt công suất 1,4 triệu con/năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn châu Âu.

Lợi thế sau khi Masan thâu tóm Vinmart

Theo bản cáo bạch niêm yết doanh nghiệp công bố, Masan MEATLife hiện có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2019, công ty có tổng tài sản và nguồn vốn đạt hơn 13.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ 2.162 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.415 tỷ đồng.

Năm 2018, Masan MEATLife ghi nhận 13.977 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 25% so với năm trước. Doanh thu giảm do thời điểm đó, hoạt động chủ lực của Masan MEATlife vẫn là bán thức ăn chăn nuôi, và hoạt động này bị ảnh hưởng lớn do hộ chăn nuôi heo tái đàn sau dịch bệnh chậm hơn dự kiến.

Nửa đầu năm nay, Masan MEATLife ghi nhận 6.741 tỷ doanh thu thuần, tương đương cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 234 tỷ đồng, tăng 29%.

Mặc dù vậy, với việc dịch chuyển mảng kinh doanh lõi, từ tập trung bán thưc ăn chăn nuôi sang bán lẻ thịt mát, báo cáo tài chính giai đoạn trước khó phản ánh đúng tầm nhìn của Masan MEATlife. Trong thời gian tới, công ty tập trung vào việc mở rộng quy mô, đẩy mạnh phát triển thương hiệu.

Từ nửa cuối năm 2019 đến nay, thương hiệu thịt mát MeatDeli tăng đã tốc mở rộng cửa hàng, dự kiến cuối năm nay sẽ sở hữu hơn 60 cửa hàng MeatDeli, hơn 100 điểm bán tại siêu thị, hơn 400 đại lý, doanh thu 640-670 triệu USD trong đó 10% đóng góp từ thịt.

Đến cuối tháng 11, công ty đang sở hữu 28 cửa hàng trực tiếp, sản phẩm có mặt tại 77 siêu thị và 311 điểm bán. Dự kiến đến cuối năm sẽ nâng lên con số 45 cửa hàng, 130 siêu thị và 375 điểm bán. Đến năm 2022, công ty sẽ sở hữu khoảng 5.000 điểm bán lẻ mát và 200.000 điểm bán truyền thống.

Trong kế hoạch phát triển số điểm bán, khi nâng số lượng cửa hàng lên 200 điểm, Masan MEATLife ước tính doanh thu mỗi cửa hàng sẽ vào khoảng 400.000-500.000 USD trong khi chi phí đầu tư ban đầu khoảng 25.000-40.000/cửa hàng và chi phí vận hành 5.000 USD/tháng.

Với 260 điểm bán trong siêu thị, công ty chỉ tốn chi phí hoạt động 1.000 USD/tháng và ghi nhận doanh thu khoảng 150.000-200.000 USD/cửa hàng. Còn 1.200 đại lý nhượng quyền sẽ mang về cho công ty 80.000-100.000 USD/cửa hàng dù công ty không tốn chi phí hoạt động nào.

Riêng năm 2019, công ty ước tính EBITDA sẽ đạt khoảng 65 triệu USD và sẽ tăng lên 100 triệu USD vào năm 2022.

Kế hoạch mở rộng chuỗi và tăng độ nhận diện thương hiệu MeatDeli được củng cố mạnh mẽ sau thương vụ Masan thâu tóm lại chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+.

Nắm quyền kiểm soát hệ thống VinMart, Masan hoàn toàn có quyền lựa chọn sản phẩm nào, thương hiệu nào được xuất hiện trong chuỗi siêu thị này. Với quy mô hơn 2.600 điểm bán lẻ, hiện diện ở hầu hết tỉnh, thành, lợi thế cạnh tranh mang lại sẽ rất lớn. Chưa kể, tính "độc quyền" của hệ thống VinMart trong những khu đô thị lớn của Vingroup cũng giúp sản phẩm Masan tiếp cận được một lượng khách hàng lớn.