Thập niên của sự thay đổi không ngừng và phát triển bền vững

TS. Ngô Công Trường - 09:00, 28/01/2020

TheLEADERTrong suốt thập kỷ vừa qua, khi tất cả phương tiện truyền thông đều nói về nền kinh tế 4.0 thì thay vào đó, thập niên mới là thập niên của phát triển bền vững với rất nhiều sự thay đổi về tư duy, lối sống của cá nhân cũng như xã hội.

Thập niên của sự thay đổi không ngừng và phát triển bền vững
TS. Ngô Công Trường - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty cổ phần Tư vấn và giáo dục John&Partners

Đầu năm 2020, Diễn đàn kinh tế thế giới đã chọn chủ đề “Thế giới bền vững” để tổ chức tại Davos, Thuỵ Sĩ. Đây cũng chính là chủ đề xuyên suốt trong thập kỷ mới cho cả cá nhân, doanh nghiệp và phạm vi quốc gia. 

Thoạt nghĩ chủ đề bài viết này tưởng chừng không liên quan, thậm chí còn đối lập nhau, nhưng thực sự trong thập niên tới nó lại rất liên quan. Phát triển bền vững trước đây được hiểu là những giá trị không thay đổi theo thời gian, được giữ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển. 

Tuy nhiên phát triển bền vững trong thời đại hiện nay được hiểu là chúng ta luôn thích nghi với sự thay đổi không ngừng xung quanh, thậm chí phát triển bền vững được hiểu rộng ra là không có hại với môi trường, với thiên nhiên hay tất cả những gì xung quanh chúng ta đang sinh sống.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, khi tất cả phương tiện truyền thông đều nói về nền kinh tế 4.0 thì thay vào đó, thập niên mới là thập niên của phát triển bền vững với rất nhiều sự thay đổi về tư duy, lối sống của cá nhân cũng như xã hội.

Từ sự thay đổi của cá nhân

Trong cộng đồng, người ta đã nhắc nhiều về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, hay các trào lưu sử dụng đồ thân thiện với môi trường. Chính vì việc này mà nhận thức của cả xã hội đã được nâng lên tầm cao mới. Khái niệm “eco-friendly" này đã đi vào sâu trong đời sống hàng ngày, từ chuyện ăn, uống, mặc, ở, đi lại, sinh hoạt. Đi đâu trong sống hàng ngày, việc sử dụng ly thuỷ tinh, ống hút bằng giấy, inox, tre… đã không còn gì quá mới mẻ, đặc biệt là xu hướng tiêu dùng của người trẻ. 

Việc người trẻ ra đường với bình nước thuỷ tinh hay inox trên tay là điều thường thấy trong xã hội ngày nay. Ngay cả trong một số doanh nghiệp F&B cũng đã khởi đầu cho xu hướng này, điển hình như Highlands, McDonalds, Phúc Long,… Đến các chuyện lớn hơn như đi phương tiện công cộng, xe điện, sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời, sử dụng pin mặt trời, áo quần bằng nguyên vật liệu tự nhiên,... ngày càng nhiều và được ưa chuộng. Và rất nhiều người ngạc nhiên khi một số siêu thị tại Việt Nam đã bắt đầu hạn chế sử dụng túi nilon miễn phí, thay vào đó khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi dệt sử dụng nhiều lần.

...đến sự thay đổi của gia đình và xã hội trong dịp Tết

Tết năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Việc đi thăm ông bà, tổ tiên, hay khái niệm về quê cũng đã dần thay đổi rất rõ rệt. Các gia đình trẻ đã bắt đầu đón Tết xa quê, để tận dụng những kỳ nghỉ dài ngày để đi du lịch, tận hưởng thời gian cùng nhau và đặc biệt về với thiên nhiên. 

Tết là thời gian đoàn tụ, sum vầy, chia sẻ cùng nhau; chính vì vậy ở đâu đáp ứng được tiêu chí này nghĩa là chúng ta cùng nhau đón Tết rồi. Trong hơn nhiều năm vừa qua, cá nhân tôi và gia đình đã không còn khái niệm “về quê ăn Tết” nữa, mà thay vào đó là chúng ta có thể về quê bất cứ lúc nào chúng ta muốn, và không nhất thiết phải là dịp Tết. 

Chúng tôi đã sử dụng thời gian quý báu dịp Tết để đi những nơi thật xa và dài ngày để đủ thời gian và không gian khám phá điều mới mẻ bên ngoài thế giới. Chúng ta không quá khó để bắt gặp rất nhiều bạn dùng dịp Tết để tập gym, để chạy bộ, để bơi và tập trung nhiều cho vấn đề sức khoẻ, hơn là việc ngồi lại bia rượu, chúc tụng nhau ngày Tết. Các ông bà đã được con cháu đưa ra nước ngoài để tận hưởng dịp Tết ngày càng nhiều, hơn là chỉ ở nhà lo đón khách. 

Mâm cơm ngày Tết ngày càng ít lại, thay vào đó là chất lượng bữa ăn được chăm chút hơn, với nhiều món đặc sắc, ngon hơn, bổ dưỡng hơn. Đây là một số dấu hiệu cho thấy Tết của người Việt đã thay đổi so với trước đây, khi có sự xuất hiện của công nghệ và các quan niệm sống, tư duy sống đã thay đổi.

Sự thay đổi càng rõ rệt hơn trong quá trình các gia đình Việt trang trí Tết với các vật dụng hướng về thiên nhiên nhiều hơn, hoặc sử dụng các vật liệu tái sử dụng được. Các giỏ quà cá nhân hay biếu tặng nhau ngày Tết cũng chứa đầy các món quà gần gũi với thiên nhiên, môi trường, thậm chí ngay cái giỏ quà hay bao bì bên ngoài cũng được làm bằng các vật liệu tự nhiên như mây tre nứa…

Đây là một trong những ví dụ nhỏ để thể hiện việc xã hội luôn thay đổi không ngừng và hướng đến điều tốt đẹp hơn, và chính chúng ta đã góp phần xây dựng điều đó. Chính vì thế chúng ta phải chủ động trong việc quản trị sự thay đổi và ứng dụng tư duy phát triển bền vững để góp phần xây dựng một nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững và ngày càng tốt đẹp hơn.

...đến sự thay đổi của doanh nhân, doanh nghiệp và nền kinh tế

Bên cạnh đó, trong thập kỷ mới, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững chắc chắn sẽ càng ngày càng nở rộ. Chính vì vậy các doanh nghiệp cũng hẳn phải thay đổi từ tư duy, chiến lược, cách làm ra sản phẩm cũng như cách thức kinh doanh. “Ngon bổ rẻ” có thể không đi cùng nhau trong thời gian tới, đặc biệt là trong phần đông suy nghĩ của người Việt. 

Khi giới trẻ 8X, 9X dần trở thành trụ cột chính trong gia đình và quyết định hầu hết việc chi tiêu trong nhà, và tầng lớp trung lưu trong xã hội Việt Nam ngày càng tăng lên thì chuyển dịch về tiêu dùng ưu tiên hàng đầu chắc chắn không phải là “giá rẻ” nữa, thậm chí có nhiều tư duy vì chính hàng rẻ quá mà không dám dùng. 

Xu hướng thực phẩm xanh, sạch, organic (hữu cơ) ngày càng được ưa dùng, đi kèm đó chất lượng phải cao vì người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Thế giới ngày càng phẳng, nên sự tương tác ngày càng dễ, do đó để tìm được các sản phẩm hay giải pháp “ngon bổ nhưng không rẻ” không quá khó với người Việt, đặc biệt là các ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. 

Ngoài ra các giải pháp cho cá nhân, gia đình hay doanh nghiệp nếu hướng về sự thân thiện, tiện dụng, bảo vệ môi trường sẽ được nâng cao hơn nữa, do chính xu hướng mua sắm và trải nghiệm của người tiêu dùng đã thay đổi. Các sản phẩm không thân thiện với môi trường sẽ sớm bị thay thế và loại bỏ.

Hơn thế nữa, trong 5 xu hướng kinh doanh hàng đầu trong năm 2020 do Tạp chí Inc ở Mỹ bình chọn, thì xu hướng người tiêu dùng sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có sản phẩm xanh và phát triển bền vững. 

Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hợp Quốc đã đẩy mạnh chương trình phát triển bền vững của mình (SDGs) với 17 tiêu chí rất rõ ràng dành cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Nike, Walmarts, Unilever, P&G… luôn xem trọng mục tiêu này, và họ luôn xem là ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển và tăng trưởng của mình, chứ không phải là mục tiêu doanh thu hay lợi nhuận. 

Ở những quốc gia phát triển, nếu các sản phẩm hay dịch vụ của những doanh nghiệp bị vi phạm các nội dung về phát triển bền vững, thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay ngay lập tức. Đâu đó vẫn còn hạn chế trong việc triển khai vì các doanh nghiệp phải cân bằng bài toán lợi ích và chi phí, tuy nhiên điều chắc chắn rằng nhận thức của người dân đã được nâng lên tầm đáng kể.

Trong xu thế ấy, các doanh nghiệp và đặc biệt là các chủ doanh nghiệp, phải bắt đầu thay đổi tư duy trước. Tức tư duy xây dựng và phát triển doanh nghiệp phải bền vững, sản phẩm phải thân thiện môi trường, phải xanh và chính từ đó cộng đồng doanh nghiệp mới thực sự bền vững được. Các chiến lược doanh nghiệp phải thay đổi, và phải tập trung vào người dùng, đặc biệt là trải nghiệm của người dùng. 

Xu hướng áp dụng trải nghiệm người dùng (Customer Experiment - CX) đã bắt đầu ở Việt Nam, từ Thế Giới Di Động, Vua Nệm, Golden Gates… và ngày càng lan toả nhiều hơn, và CX sẽ là từ khoá trong 10 năm tới khi đâu đâu cũng có sản phẩm mà khách hàng cần, chất lượng sản phẩm tương tự nhau thì chất lượng dịch vụ là từ khoá. 

Nền kinh tế tri thức, dịch vụ, công nghệ sẽ quyết định nhiều điều cho doanh nghiệp trong 10 năm tới. Việt Nam đang có rất nhiều ưu thế về việc này, khi chúng ta là những nước đi sau về thời kỳ công nghiệp hoá, nhưng thế mạnh về tri thức sẽ giúp Việt Nam cất cánh trong 10 năm tới.

Thế giới đã thay đổi, Việt Nam đã và đang thay đổi, còn bạn thì sao?

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của TS. Ngô Công Trường - Sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty cổ phần Tư vấn và giáo dục John&Partners