Thêm 6 dự án điện gió xin vào Lạng Sơn

Nguyễn Cảnh - 08:45, 23/01/2022

TheLEADERSát Tết Nguyên đán, dồn dập 6 dự án điện gió với tổng giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng được các nhà đầu tư đề xuất thực hiện tại tỉnh Lạng Sơn.

Thêm 6 dự án điện gió xin vào Lạng Sơn
3 huyện tại Lạng Sơn (gồm Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập) đang đứng trước cơ hội đón nhận hàng loạt dự án điện gió quy mô lớn (ảnh minh họa)

Cụ thể, Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (TRE) đề nghị thực hiện 3 dự án gồm: Điện gió Hữu Lũng (quy mô khảo sát khoảng 1.000ha tại 3 xã thuộc huyện Hữu Lũng) có quy mô 80-100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.500-4.500 tỷ đồng; điện gió Chi Lăng (1.450ha tại 3 xã thuộc huyện Chi Lăng và Lộc Bình) công suất từ 120-150MW, tổng mức đầu tư 5.500-7.000 tỷ đồng; điện gió Ái Quốc (3.800ha tại huyện Lộc Bình, Đình Lập), công suất khoảng 180-230MW, tổng mức đầu tư 8.000-10.000 tỷ đồng.

Cũng tại địa bàn huyện Lộc Bình, Đình Lập và Chi Lăng, liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Sài Gòn – Hà Nội với Công ty CP Đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn việc đầu tư 3 dự án điện gió trên địa bàn.

Các dự án đề xuất  bao gồm: Điện gió Thăng Long 1 (khoảng 2.917ha tại huyện Lộc Bình, công suất khoảng 100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.200-4.000 tỷ đồng); điện gió Thăng Long 2 (khoảng 3.130ha tại huyện Đình Lập, công suất 100MW, tổng mức đầu tư khoảng 3.200-4.000 tỷ đồng; điện gió Thăng Long 3 (khoảng 1.493ha tại huyện Chi Lăng, quy mô 100MW, tổng mức đầu tư khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng.

Liên danh này, từng được biết đến là các mảnh ghép trong hệ sinh thái doanh nghiệp của doanh nhân Đỗ Lê Quân với vai trò chủ đầu tư hàng loạt các dự án điện gió.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Cơ điện Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Năng lượng Hưng Bắc, Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển nhà Sài Gòn – Hà Nội và Công ty CP Đầu tư thương mại và kinh doanh bất động sản Thăng Long lần lượt kết hợp để hình thành các liên danh nhà đầu tư nhằm thực hiện các dự án điện gió nhiều năm qua như: Nhà máy điện gió Tam Giang Tây công suất 200 MW tại Cà Mau (khoảng 8.000 tỷ đồng), Nhà máy điện gió Hưng Bắc ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (khoảng 3.500 tỷ đồng)….

Về phía mình, Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (TRE) cũng khá nổi tiếng với việc sở hữu 2 doanh nghiệp chủ đầu tư (nắm giữ 2 dự án điện gió trị giá hơn 7.000 tỷ đồng tại Gia Lai thời gian qua).

Năm 2020, TRE thành lập một loạt pháp nhân trong lĩnh vực điện tái tạo với quy mô vốn rất lớn, như Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Tây Nguyên (vốn 980 tỷ đồng), Công ty CP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Hà Tĩnh (vốn 450 tỷ đồng), Công ty CP Phong điện Tân Yang Đak Pơ (vốn 636 tỷ đồng)...

Không dừng lại, TRE cũng hướng chú ý tới lĩnh vực bất động sản khi trong năm 2021 vừa qua đã đề xuất với tỉnh Bắc Giang việc đầu tư dự án Bắc Giang River Park có diện tích lên tới 285ha tại xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang.