Thép không gỉ từ Trung Quốc bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá thêm 5 năm
Hạ Vũ
Thứ năm, 24/10/2019 - 13:18
Bộ Công Thương đã quyết định gia hạn thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan thêm 5 năm, kể từ ngày 26/10/2019.
Cụ thể, thép do Công ty Shanxi Taigang Stainless Steel Co., Ltd. sản xuất/xuất khẩu; Tisco Stainless Steel (H.K.) Limited của Trung Quốc phân phối bị áp thuế 17,94%. Thép do các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác của Trung Quốc bị áp thuế 31,85%.
Đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập từ Malaysia, mức thuế bị áp lần lượt là 11,09% và 22,69% với thép do Công ty Bahru Stainless Sdn.Bhd sản xuất/xuất khẩu, công ty thương mại Acerinox SC Malaysia Sdn. Bhd phân phối và các nhà sản xuất/ xuất khẩu khác.
Tương tự, thép do Công ty PT. Jindal Stainless Indonesia sản xuất/ xuất khẩu bị áp thuế 10,91% và sản phẩm của các nhà sản xuất/phân phối khác bị áp thuế đến 25,06%.
Thép nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan bị áp thuế cao nhất, đến 37,29%.
Về nguyên nhân kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá, Bộ Công Thương cho biết các kết quả điều tra cho thấy sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá (từ tháng 10/2014 đến nay), ngành sản xuất trong nước đã dần khắc phục được thiệt hại đáng kể trước đó nhưng mức tăng trưởng không ổn định và có chiều hướng chững hoặc suy giảm nhẹ.
Cụ thể, công suất cao nhất chỉ đạt 69,4%, tốc độ tăng sản lượng chỉ tăng 1% và lượng bán hàng giảm 5% trong giai đoạn rà soát cuối kỳ 2018 – 2019, thị phần của ngành sản xuất trong nước giảm trong cùng giai đoạn trên và giữ ở mức 42,8%; trong khi thị phần hàng nhập khẩu là 57,2%.
Thêm nữa, doanh thu của ngành sản xuất trong nước đang chững lại và đến giai đoạn rà soát cuối kỳ 2018 - 2019 tăng trưởng doanh thu chỉ còn 4,69%. Xét về lợi nhuận, ngành sản xuất trong nước có lãi trong giai đoạn rà soát cuối kỳ với tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức rất thấp là 0,64%.
Do đó, Bộ Công thương cho rằng “vẫn còn tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp nước ngoài”.
Theo kết luận của Bộ, tình trạng bán phá giá của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tái diễn và ngành sản xuất trong nước có thể bị thiệt hại đáng kể (hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể) nếu chấm dứt biện pháp áp thuế.
Ngoài ra, có mối quan hệ nhân quả giữa việc ngành sản xuất trong nước có thể bị thiệt hại đáng kể/đe dọa bị thiệt hại đáng kể với việc tiếp tục/tái diễn hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu.
Hàng năm, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu nước ngoài.
Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong quý 3, tập đoàn đạt 15.350 tỷ đồng doanh thu và 1.794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng trưởng 7% nhưng lợi nhuận giảm đến 25%.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khẳng định, không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó “độc quyền” trong sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.
Hội thảo “Hạnh phúc trong Giáo dục” 2024 là cơ hội để nhà lãnh đạo giáo dục, giáo viên, và phụ huynh cùng thảo luận, khám phá những giải pháp xây dựng môi trường học đường tích cực, bền vững.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông và tạo cú hích lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng tham gia của nhà thầu xây dựng trong nước.
Xây dựng môi trường làm việc đa dạng và hòa nhập không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho tất cả mà còn tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.