Thiết kế sinh thái để hướng tới kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 17:10, 11/02/2022

TheLEADERTheo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, nền kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa cần có định hướng ngay từ đầu, tức là sản phẩm, bao bì phải được thiết kế phù hợp với mục tiêu thu gom, tái chế, xử lý có hiệu quả thay vì chỉ hô hào ở công đoạn thu gom, xử lý.

Thiết kế sinh thái để hướng tới kinh tế tuần hoàn
La Vie cùng một số thành viên PRO Việt Nam loại bỏ màng co nắp chai để hạn chế rác thải khó thu gom ra môi trường.

Năm 2022, Luật bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, với những nội dung quan trọng về kinh tế tuần hoàn, công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), được cộng đồng làm nghề tái chế đánh giá cao, được ví như “những viên gạch đầu tiên” để xây dựng ngành tái chế hiện đại và hiệu quả.

Bày tỏ sự vui mừng trước những đổi mới về tư duy của người Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường trong quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, tuy nhiên, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh vẫn không tránh khỏi nỗi băn khoăn.

Bởi lẽ, có nhiều năm đồng hành cùng ngành tái chế, ông Vượng hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng. Những vướng mắc này nếu không được giải quyết sẽ gây cản trở cho việc thực thi luật mới, chưa nói đến việc không thể “cởi trói” cho ngành tái chế phát triển.

Thiết kế sinh thái

Khi còn trong quá trình tham vấn cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường cho biết, công cụ EPR đặt ra mức phí đóng góp bắt buộc cao hơn so với chi phí doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, xử lý, tái chế rác thải.

Song song với đó, chỉ tiêu thu gom, tái chế bắt buộc cũng được thiết kế phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Fausto Tazzi, Phó chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), thành viên ban cố vấn nhóm ngành hàng bao bì, mức phí này tạo ra động lực khả thi để doanh nghiệp tự tổ chức thu gom, tái chế.

Như vậy, hàm ý của công cụ EPR là tạo ra động lực cho các doanh nghiệp thay đổi quy trình sản xuất, bán hàng sao cho thuận tiện nhất với hoạt động thu gom, tái chế, xử lý rác thải. Cách làm này vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đóng góp, vừa tạo ra lợi ích bền vững, lâu dài.

Tuy nhiên, đây cũng đang là mắt xích còn rất yếu đối với công tác quản lý rác thải tại Việt Nam, khi vẫn chưa có quy định về thiết kế sản phẩm, thiết kế bao bì theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường.

Lấy ví dụ, nhiều nước phát triển có quy định về tỷ lệ tem, mác giới thiệu sản phẩm trên bao bì, quy định mực in không chứa chất độc hại…

Những quy định đó không có ở Việt Nam, dẫn đến việc doanh nghiệp in tem, dán nhãn vô tội vạ, có những sản phẩm đồ uống đóng chai có tem, nhãn chiếm đến 90% chai nước, rất lãng phí tài nguyên và gây khó khăn cho hoạt động tái chế.

Hay như quy định về keo dùng để dán nhãn sản phẩm. Ở các nước, keo này phải tan được dễ dàng trong nước để có thể tách nhãn dán ra khỏi bao bì. Còn ở Việt Nam, nhãn được dán bằng những loại keo dính chắc, rẻ tiền. Đây cũng là nguyên nhân hoạt động tái chế khó mở rộng quy mô, bởi “chỉ có làm thủ công, tách từng nhãn ra khỏi chai nước mới làm được”.

Một vấn đề nữa là nhiều doanh nghiệp đang quan niệm giảm khối lượng của bao bì, thông qua việc làm các chai, hộp, túi nhựa mỏng đi để giảm khối lượng rác thải nhựa. Tuy nhiên, cách làm này cũng gây khó khăn cho công tác thu gom, tái chế, bởi giảm khối lượng cũng đồng nghĩa với giảm đi giá trị.

“Bảo vệ môi trường phải dùng cơ chế thị trường”, ông Vượng khẳng định. Nếu giảm khối lượng chai nhựa đi một nửa, cũng là khiến người đồng nát phải “cúi xuống số lần gấp đôi” để thu gom được lượng chai nhựa đảm bảo thu nhập mỗi ngày.

Nếu cứ để tình trạng diễn ra như vậy, kinh tế tuần hoàn sẽ chỉ “nằm ở trên giấy”. “Nói tuần hoàn ai làm cứ làm, ai sản xuất cứ sản xuất, không có định hướng ngay từ đầu thì chẳng thể nào thực hiện được”, ông Vượng nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, đại diện ngành tái chế cho biết, thiết kế sinh thái không phải là điều đơn giản. Để có được thiết kế sinh thái chuẩn cho sản phẩm, bao bì, cần có sự trao đổi thông tin giữa nhà tái chế và doanh nghiệp.

Trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu của nhau, doanh nghiệp mới có thể thiết kế ra sản phẩm, bao bì đảm bảo tính tuần hoàn nhưng cũng đảm bảo tiêu chí về cung cấp thông tin và quảng bá sản phẩm.

Một yêu cầu khác là có quy định rõ ràng, chặt chẽ từ phía Nhà nước. Tại một diễn đàn về doanh nghiệp phát triển bền vững tổ chức cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan điểm rất sẵn sàng thay đổi thiết kế bao bì, sản phẩm theo hướng bền vững.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành những cải tiến đối với sản phẩm theo hướng sinh thái, có thể kể đến như chai nước khoáng sử dụng nhựa tái sinh của La Vie; một số thành viên PRO Việt Nam như La Vie, Pepsico, Coca Cola... loại bỏ màng co nắp chai...

Tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn chưa dám thực hiện những thay đổi lớn hơn, có ý nghĩa hơn, do sợ đội chi phí, dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh.

Theo ông Vượng, nếu có một quy định chung, tất cả “người chơi” đều phải tuân thủ, như vậy sẽ đảm bảo không để cho những doanh nghiệp thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm lại được hưởng lợi.

Một nội dung được xem là tiến bộ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quy trách nhiệm, thẩm quyền bảo vệ môi trường về Bộ Tài nguyên và môi trường thay vì phân tán ra các bộ, ngành khác. Đây là yếu tố rất thuận lợi để đặt ra những quy định chung, điều hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường.