Làm thật quyết liệt để ’20 năm nữa có một Việt Nam sạch’

Phạm Sơn - 13:27, 30/01/2022

TheLEADERLuật Bảo vệ môi trường 2020 là những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp tái chế hiện đại. Phải làm thật tốt, thật quyết liệt, làm sao để 20 năm tới, chúng ta sẽ có một Việt Nam xanh, sạch, đẹp.

Năm 2022 đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức đi vào hiệu lực. Với nhiều nội dung đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được kỳ vọng sẽ mở đường cho kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế không đánh đổi lấy môi trường.

Làm tái chế suốt hàng chục năm, cũng đồng hành cùng với Bộ Tài nguyên và môi trường từ những ngày đầu tiên soạn thảo luật cũng như nghị định hướng dẫn luật, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty Vietcycle, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh có lẽ là người hiểu rõ nhất những đột phá của luật mới.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, TheLEADER đã có buổi trò chuyện với ông Vượng để hiểu thêm những ý nghĩa, những kỳ vọng, khát khao của đội ngũ xây dựng chính sách với Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Làm thật quyết liệt để ’20 năm nữa có một Việt Nam sạch’
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch VietCycle, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh.

Bao nhiêu năm đồng hành cùng ngành tái chế, cùng chính sách môi trường, cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Ông Hoàng Đức Vượng: Cảm nhận của tôi lúc này thực sự là rất thành công. Luật mới thể hiện sự đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và môi trường, qua một số nội dung trọng tâm.

Đầu tiên, việc quản lý chất thải không còn phân tán ở các bộ, ngành khác nữa mà được đưa về cho Bộ Tài nguyên môi trường. Với vai trò là đầu mối, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ có sức mạnh lớn hơn, từ đó tiếp tục kiện toàn chính sách, xây dựng luật, nghị định phù hợp cho từng giai đoạn.

Thứ hai là vấn đề về quản lý chất thải rắn, đặc biệt đã đưa kinh tế tuần hoàn vào luật, cùng với công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Đây là những điều hết sức tiến bộ.

Tôi đồng hành và đóng góp nhiều cho ngành tái chế, vì vậy rất có sự đồng cảm và thấu hiểu. EPR như là viên gạch đầu tiên cho ngành tái chế hiện đại, viên gạch đầu tiên thôi nhưng nếu không có thì chẳng bao giờ dựng nổi ngôi nhà. Có thể nói, từ giờ, ngành tái chế đã tìm được con đường để đi.

Thứ ba là những nội dung về biến đổi khí hậu và tín chỉ carbon. Nghị định về biến đổi khí hậu và xây dựng thị trường carbon cũng mới được ban hành, theo đó đến năm 2025 chúng ta sẽ có thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Với ai phát thải nhiều phải đóng tiền nhiều, ai phát thải ít, không phát thải hay thậm chí thu hồi carbon thì có thêm nguồn lực. Như vậy là những ngành như năng lượng sạch, trồng rừng, hay là cả ngành tái chế cũng được hưởng lợi. Đây chính là cơ chế thị trường.

Đến tận bây giờ chúng ta mới đưa kinh tế tuần hoàn vào luật. Liệu có hơi muộn so với thế giới và so với thực trạng ô nhiễm của Việt Nam, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Vượng: Cũng... hơi muộn. Tuy nhiên, cần phải hiểu Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nguồn lực không đủ, vì vậy không thể yêu cầu “tốt ngay từ đầu” được.

Nhiều năm nay Việt Nam tập trung phát triển kinh tế mà hơi có phần lơ là về vấn đề môi trường. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt vì điều đó.

Rồi câu chuyện ô nhiễm không khí, ô nhiễm từ các làng nghề… phải tốn có lẽ hàng tỷ USD để xử lý. Bắt buộc phải xử lý vì cuối cùng những thứ ô nhiễm đó, những độc hại đó quay lại ảnh hưởng đến chính sức khỏe của chúng ta và con cháu chúng ta. Đó là chưa kể đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…

Thế nên muộn cũng được nhưng phải tập trung làm thật tốt, thật tích cực và quyết liệt. Nếu thực sự làm tốt, tôi tin rằng 5 – 10 năm nữa sẽ bắt đầu “khá” lên, bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Hy vọng 20 năm nữa chúng ta sẽ có một Việt Nam sạch.

Việt Nam mới đi những bước đầu tiên của tiến trình tuần hoàn hóa nền kinh tế. Còn rất nhiều việc phải thực hiện chứ không chỉ đơn giản là tái chế, tái sử dụng sản phẩm.

Một nền kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa cần phải “khép kín vòng tròn”, tạo ra sự thông suốt. Muốn được như vậy phải có thiết kế sinh thái, thiết kế tuần hoàn ngay từ đầu, có sự thống nhất giữa nhà sản xuất và nhà tái chế.

Một số mô hình rất hay ở nước ngoài, ví dụ như mô hình khu công nghiệp cộng sinh. Trong khu công nghiệp đó, các nhà máy tận dụng phát thải của nhau để làm đầu vào. Những thứ không thể tái sử dụng cũng được xử lý triệt để ngay trong chính khu công nghiệp đó. Những mô hình như thế mới “chuẩn” nhưng để áp dụng ở Việt Nam thì còn một chặng đường dài.

Sang bên nước ngoài, nhìn thấy công tác bảo vệ môi trường của họ, tôi “mê” lắm, cứ nghĩ làm sao Việt Nam cũng làm được như họ. Đến giờ thì có luật mới rồi, có “con đường để đi rồi”, giờ phải làm sao để thực hiện thật tốt.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải có những người lãnh đạo có tâm và có tầm. May mắn hiện nay tôi thấy Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo Nhà nước khác đều đang rất tích cực với vấn đề môi trường. Hy vọng những thế hệ lãnh đạo tiếp theo vẫn duy trì được sự tích cực ấy.

Một điểm mới đáng lưu ý là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, với công cụ thu phí rác thải theo khối lượng và phân loại rác thải bắt buộc tại hộ gia đình. Công cụ này sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Hoàng Đức Vượng: Trước đây đã có nghị định xử phạt việc không phân loại rác thải nhưng chưa thực hiện được. Chúng ta chưa thể bắt người dân phân loại rác thải nếu rác đem ra bãi rác lại cứ đổ chung hết vào với nhau.

Quy định phân loại rác thải và thu phí rác thải theo khối lượng sẽ được thực hiện thông qua việc bán những chiếc túi rác có màu khác nhau để đựng những loại rác thải khác nhau, cụ thể là 3 loại, bao gồm rác có khả năng tái chế, rác hữu cơ và rác thải khác.

Trong đó chỉ có túi đựng rác thải khác là phải trả tiền, những túi rác kia được dùng miễn phí. Giả dụ túi rác có giá 1.000 đồng thì bán lên thành 5.000 – 10.000 đồng, coi như chi phí cho thu gom và xử lý rác thải. Như vậy, nếu không phân loại rác mà cứ đổ chung vào, người dân sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Bộ Tài nguyên và môi trường giao cho chính quyền các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho thực hiện các công cụ này, thời hạn là năm 2024. Những cơ sở hạ tầng cần chuẩn bị là xe thu gom rác, địa điểm thu gom rác và cả cơ sở xử lý, tái chế chất thải hữu cơ.

Thời hạn đến năm 2024 là tương đối gấp rút vì rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi chúng ta thực sự quyết liệt. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng sẽ tham vấn thêm ý kiến từ chuyên gia, doanh nghiệp và cả người dân để triển khai phù hợp, hiệu quả.

Việc đổ rác nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra lại hết sức nhạy cảm. Việc thay đổi trong hành vi đổ rác của người dân liệu có khả thi?

Ông Hoàng Đức Vượng: Trước đây, không có quy định chặt chẽ nên người dân cứ đổ rác bừa bãi. Nếu có quy định và kiểm soát chặt chẽ, người dân buộc phải làm theo. Dân trí hiện nay cũng ngày càng được nâng cao, họ thấy có lợi cho chính họ thì sẽ thực hiện thôi.

Người Việt Nam thực tế cũng rất có ý thức. Như ngày trước, đưa ra quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cũng nhiều người nghĩ không làm được nhưng rồi cũng đâu vào đấy.
Ông Hoàng Đức Vượng
Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh

Ví dụ như việc tách riêng, thu gom riêng rác thải hữu cơ, chắc chắn sẽ giúp giảm hẳn mùi khó chịu từ những bãi rác. Tiếp theo đó, rác có khả năng tái chế được thu gom riêng, theo tôi sẽ giảm đến khoảng 50% khối lượng rác ở các bãi tập kết. Như vậy, người dân chắc chắn được hưởng không gian sống sạch sẽ, trong lành hơn.

Người Việt Nam thực tế cũng rất có ý thức. Như ngày trước, đưa ra quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, cũng nhiều người nghĩ không làm được nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Hay như việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mới đây thôi, ở nước ngoài vẫn có nhiều người phản đối nhưng Việt Nam đã đạt tỷ lệ phủ vaccine cao hàng đầu thế giới.

Nói chung, vừa có lợi, vừa có quy định chặt chẽ thì dần dần người dân phải thay đổi thói quen. Cả những quốc gia “sạch” như Nhật hay ở châu Âu cũng phải trải qua quá trình thay đổi thói quen này.

Tôi đi sang Nhật, thấy người dân phân loại rác thải rất tốt. Người ta kể rằng, ở mỗi tòa nhà, giả sử xuất hiện một túi rác không được phân loại, ban quản lý tòa nhà sẽ đi đến từng căn hộ có người mới chuyển đến để hỏi xem có phải của họ không, rồi nhắc nhở về việc giữ gìn quy định chung và sẽ phạt thật nặng nếu làm trái quy định.

Túi rác đó có thể sẽ chẳng ai nhận nhưng chính người không phân loại rác sẽ có ý thức hơn. Phần vì sợ bị phạt, phần vì cảm thấy “ngại” nếu mình làm ảnh hưởng đến người khác.

Ở Việt Nam, quá trình thay đổi thói quen cũng sẽ như vậy thôi. 1 – 2 năm đầu có thể chưa đâu vào đâu nhưng 3 – 5 năm sau dần dần tốt lên. Phân loại rác dần sẽ trở thành thói quen, ai không thực hiện thì sẽ thấy “xấu hổ” với mọi người xung quanh, chưa nói đến việc bị xử lý theo quy định.

Làm thật quyết liệt để ’20 năm nữa có một Việt Nam sạch’ 3
Một số buổi tham vấn cho dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Phân loại rác thải sẽ giúp ích thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Vượng: Tách riêng rác thải tái chế, rác thải hữu cơ và rác thải khác, như đã nói, sẽ giúp giảm khối lượng rác ở các bãi tập kết, giảm cả mùi hôi thối khó chịu.

Thực tế những bãi rác bốc mùi chủ yếu đến từ rác hữu cơ. Cứ thử tưởng tượng những thứ thực phẩm thừa như sữa, thịt cá cho đến cả mắm tôm, nước mắm… để ở trong nhà đã có mùi khó chịu như thế nào, mà lại để ở bãi rác 2 – 3 ngày. Mùi bốc lên bay đi hàng cây số, như trong TP.HCM, dân ở Phú Mỹ Hưng nhiều khi phải ngửi mùi rác từ bãi rác cách đó rất xa.

Tách riêng rác thải hữu cơ là bước đầu để tái chế chúng, tạo ra nguồn lợi có thể lên đến hàng tỷ USD. Rác đó làm phân vi sinh, làm thức ăn chăn nuôi phục vụ cho nông nghiệp vừa tốt vừa sạch. Thay vì tích mùi hôi thối, tích chất độc hại, tích vi khuẩn vào người thì chúng lại tạo ra dinh dưỡng cho con người, đó chính là tuần hoàn.

Đối với những rác như giấy, nhựa… việc phân loại giúp tăng khả năng và chất lượng tái chế. Kinh nghiệm nhiều năm làm tái chế nhựa, tôi biết được rằng khi dính những chất thải hữu cơ vào, nhựa rất khó để làm sạch. Mùi hôi thối ám vào nhựa, rửa bao nhiêu cũng không hết được nên nhiều khi chẳng bán được cho ai.

Ví dụ như hộp sữa chua được làm từ nhựa rất tốt nhưng chẳng ai tái chế chúng cả vì mùi sữa chua phân hủy rất là “kinh”. Châu Âu hiện có công nghệ để khử mùi nhưng chắc sang đến Việt Nam cũng phải chào thua nếu không phân loại rác.

Những năm trước, tái chế nhựa tạo ra mùi khó chịu, rồi xả ra dòng nước đen kịt, chính là vì những thứ tạp chất lẫn vào nhựa. Nhưng chẳng ai hiểu, rồi người dân bức xúc, báo chí lên án. Thực chất tái chế nhựa thải ra rất ít khí thải, chỉ có những thứ bốc mùi hay đen kịt như thế là do chính người dân chưa phân loại rác.

Rồi những loại rác hiện nay chưa tái chế được như túi nilon, vỏ gói bánh, gói kẹo. Nếu được làm sạch, tôi tin dần dần sẽ tái chế được những rác thải ấy, có thể không phải để sản xuất ra bao bì mà để sản xuất dầu chẳng hạn.

Việc đốt rác phát điện cũng thuận lợi hơn nhiều vì rác khô hơn, dễ cháy hơn, không còn ẩm, không chứa những thứ khó cháy nữa.

Phân loại rác đã là rất tốt với thực trạng hiện tại ở Việt Nam rồi, tuy nhiên chúng tôi, những nhà tái chế còn mong đợi nhiều hơn thế. Tôi hy vọng một điều, nói ra bây giờ thì có vẻ “dở hơi”, là từng chiếc vỏ chai, vỏ hộp đều được rửa sạch rồi mới bỏ vào thùng rác phân loại.

Hành động “dở hơi” ấy giúp ích rất nhiều cho ngành tái chế, tối ưu hóa chất lượng và tối giản hóa chi phí xử lý. Đến ngày mỗi người dân có ý thức làm được như vậy, chúng ta mới có được môi trường sạch, đẹp đúng nghĩa.

Xin chân thành cảm ơn ông và chúc ông một năm mới an khang, thịnh vượng!