Thứ trưởng Bộ Giao thông: Xây dựng đề án cấm xe máy là cần thiết

An Chi - 14:03, 29/03/2019

TheLEADERVề đề xuất cấm xe máy tại Hà Nội và TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông: Xây dựng đề án cấm xe máy là cần thiết
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông.

Tại buổi họp báo quý I/2019 của Bộ Giao thông vận tải về tình hình triển khai nhiệm vụ ba tháng đầu năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ quý II và cả năm 2019, liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và TP. HCM, ông Đông cho rằng, việc Chính phủ giao Hà Nội và TP. HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng nhằm đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội đang trong quá trình xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, quan điểm của Bộ Giao thông vận tải là phải có lộ trình rõ ràng, song song với việc tổ chức giao thông tốt, đảm bảo người dân đi lại thuận lợi.

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) Trần Bảo Ngọc cũng cho rằng, việc hạn chế xe máy, thậm chí là cấm hoạt động đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới. Đây được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, giải pháp này phải đi kèm việc đáp ứng khả năng của vận tải công cộng, kết nối tốt các loại hình vận tải trong đô thị, có không gian giao thông tĩnh để đi bộ, bãi đỗ xe để gửi xe cá nhân đi phương tiện công cộng, ông Ngọc cho hay.

Trước đó, Hà Nội và TP. HCM đã bắt tay nghiên cứu các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân, cấm xe máy tại một số khu vực, đặc biệt là khu vực nội đô. Thông tin này ngay lập tức đã ngay những phản ứng trái chiều trong dư luận.

Tại Hà Nội, theo đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”, Sở Giao thông Vận tải đã chia lộ trình hạn chế xe máy làm ba giai đoạn: 2019 - 2025, 2026 - 2030 và sau năm 2030. 

Cụ thể, từ nay đến năm 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên hai tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố gồm: Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ nút giao vành đai 3 đến đường Láng) sẽ thí điểm cấm xe máy vào năm 2019 - 2020; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy sẽ cấm xe máy sau năm 2020 khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động. 

Ngoài ra, Hà Nội sẽ nghiên cứu hạn chế xe máy trên bốn trục đường lớn xuyên tâm khác gồm: Đường Giải Phóng (đoạn từ nút giao vành đai 3 đến phố Đại Cồ Việt), Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), Lê Văn Lương (đoạn từ nút giao vành đai 3 đến đường Láng), Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. 

Riêng khu vực bảo tồn cấp I trong Trung tâm thành phố, gồm các tuyến đường: Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Hàng Đậu, Lê Duẩn, Phùng Hưng có thể cấm xe máy từ 19 giờ thứ 6 đến 24 giờ chủ nhật hàng tuần. 

Giai đoạn 2025 - 2030, tiến hành hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 1 gồm bốn quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Giai đoạn sau năm 2030, hạn chế xe máy trong khu vực vành đai 3 và mở rộng ra các khu vực khác. 

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong rất nhiều tiêu chí, điều kiện để hạn chế xe máy hoạt động trên các tuyến đường có hai tiêu chí quan trọng nhất là không thực hiện cấm xe máy trên các tuyến đường độc đạo và trên các tuyến đường cấm xe máy, vận tải công cộng phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.