Bộ trưởng Giao thông: Công tác thiết kế hạ tầng giao thông còn rất lạc hậu

Quỳnh Chi - 00:08, 21/01/2018

TheLEADERBộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ vào thiết kế hạ tầng giao thông vận tải mới có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí.

Bộ trưởng Giao thông: Công tác thiết kế hạ tầng giao thông còn rất lạc hậu
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại lễ kỷ niệm

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Việt Nam và tổng kết công tác hội năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, tuy nhiên ngành giao thông vận tải trong một chừng mực nào đó vẫn chưa kịp xoay chuyển để đáp ứng được tình hình.

Do đó, các phương pháp tính toán, quá trình di tu, sửa chữa vẫn còn lạc hậu; công nghệ mới vẫn chưa thực sự đột phá trong toàn ngành dẫn đến việc ứng dụng khoa học công nghệ còn miễn cưỡng.

Ông Thể cho rằng nếu hạn chế ứng dụng khoa học công nghệ thì giá thành sẽ cao trong khi các đợt di tu và sửa chữa hạ tầng giao thông thường diễn ra với quy mô lớn, gây nên lãng phí.

“Khoa học công nghệ sẽ không ngừng phát triển và nếu ngành giao thông vận tải vẫn tiếp tục ứng xử như trong thời gian vừa qua thì chắc chắn sẽ không bao giờ đáp ứng được yêu cầu”, Bộ trưởng phát biểu.

Do đó, ông Thể đề nghị Hội KHKT Cầu đường trong thời gian tới phối hợp với Bộ GTVT thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đưa ra một chiến lược hợp tác cụ thể, mang tính định hướng lớn, cố gắng ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí giá thành, nâng cao chất lượng hiệu quả thay vì thực hiện một cách manh mún.

Chẳng hạn, đơn giá định mức hiện nay của Việt Nam vẫn còn vô cùng lạc hậu, lạc hậu đến mức có những định mức được đưa ra cách đây 10 - 15 năm vẫn còn sử dụng trong khi các thiết bị công nghệ mới thay đổi hàng ngày, hàng giờ.

Hiện nay việc định mức dự toán thi công nhiều hạng mục công trình như thi công cọc cát và giếng cát đã được thực hiện rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn làm theo cảm tính, không có một căn cơ nào cả, lấy chỗ này lắp vào chỗ nọ từ đó gây ra lãng phí rất lớn.

Trong lĩnh vực này, ông Thể đề nghị Tổng cục Đường bộ cùng với Hội KHKT Cầu đường Việt Nam tham mưu nghiên cứu cập nhật và ứng dụng toàn bộ công nghệ mới vào công tác định mức để khi triển khai đảm bảo đúng quy định của pháp luật và mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, ông Thể cho rằng khoa học công nghệ trong thời gian vừa qua được ứng dụng tốt nhưng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cầu, hầm, cảng, trong khi nhiều lĩnh vực khác cũng rất cần cần thiết, chẳng hạn như công tác thiết kế áo đường.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang thiết kế áo đường theo quy trình của Liên Xô và vận dụng một số quy trình của Hiệp hội Quan chức Giao thông và Xa lộ Tiểu bang Mỹ (AASHTO), kết cấu mặt đường tại Việt Nam hiện nay là 70 - 80 phân hoặc thậm chí là một mét tùy theo yêu cầu. Trong khi tại các nước phát triển, thiết kế mặt đường chỉ có 30 - 40 phân nhưng chất lượng tốt hơn rất nhiều nhờ ứng dụng khoa học công nghệ.

“Chúng ta vẫn mãi trung thành với truyền thống, từ khi đất nước hòa bình đến nay đã mấy chục năm mà vẫn thế, vẫn chưa có gì thay đổi và vẫn chưa có ứng dụng gì đột phá về công nghệ”, vị tư lệnh ngành giao thông đánh giá.

Ông Thể đề nghị Hội KHKT Cầu đường đề xuất một số loại hình vật liệu, tập trung vào thiết kế áo đường vì chất lượng của mặt đường đóng một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả tuyến đường.

Nếu ứng dụng được vật liệu mới cho kết cấu mặt đường đảm bảo chất lượng, chắc chắn hiệu quả kinh tế xã hội sẽ rất cao, giảm được việc sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng, giảm chi phí giá thành và quá trình di tu về sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.