Tiếp thêm nhiên liệu cho phục hồi du lịch bền vững

Phương Anh - 12:30, 19/12/2021

TheLEADERQuỹ Du lịch bền vững Đông Nam Á sẽ giúp các quốc gia xác định và chuẩn bị các dự án du lịch bền vững về môi trường, xúc tác nguồn tài chính tư nhân để hỗ trợ các dự án đó.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây thông báo đã thành lập một quỹ hỗ trợ kỹ thuật trị giá 1,7 triệu USD nhằm tăng tốc quá trình phục hồi du lịch của Đông Nam Á sau đại dịch Covid-19. 

Cùng với đó, quỹ sẽ thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững trong ngành, và giúp các chủ doanh nghiệp du lịch địa phương, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên, áp dụng các nền tảng kỹ thuật số để phát triển doanh nghiệp của mình.

Quỹ này bao gồm khoản viện trợ 500.000USD từ Quỹ đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật của ADB.

Ngoài ra, ADB cũng sẽ quản lý khoản đóng góp viện trợ 225.000USD từ quỹ tín thác cải thiện tính sẵn sàng của dự án do Quỹ phát triển Bắc Âu tài trợ, 500.000USD từ Quỹ đối tác tri thức và châu Á điện tử của Hàn Quốc, 500.000USD từ Quỹ hợp tác Tây Ban Nha cho hỗ trợ kỹ thuật.

Quỹ Du lịch bền vững Đông Nam Á sẽ giúp các quốc gia xác định và chuẩn bị các dự án du lịch bền vững về môi trường, xúc tác nguồn tài chính tư nhân để hỗ trợ các dự án đó. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vận hành tốt hơn các cơ sở du lịch và dịch vụ du lịch kỹ thuật số.

Quỹ cũng sẽ giúp các nhà hoạch định xây dựng chính sách về thị thực, cho thuê ngắn hạn trực tuyến, cùng các giải pháp khác để thu hút du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Ngoài ra, còn hướng tới thu hút người lao động từ xa, cho phép có thêm nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ vận hành hợp pháp dịch vụ lưu trú và tăng nguồn thu thuế từ du lịch.

Ông Steven Schipani, chuyên gia chính về du lịch của ADB, cho biết quỹ hỗ trợ mới nhằm giúp các quốc gia thành viên đang phát triển tại Đông Nam Á hồi sinh ngành du lịch – vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Quỹ sẽ giúp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị xanh, thích ứng ở các đô thị loại hai nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành du lịch, từ đó tạo việc làm, bảo vệ môi trường và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện.

Năm 2019, du lịch và lữ hành chiếm hơn 12% GDP của Đông Nam Á, và sử dụng 42 triệu lao động, chủ yếu là phụ nữ làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách quốc tế đến trong năm 2020 giảm hơn 80% so với năm 2019, trong khi du lịch nội địa vẫn bị kiềm chế do những hạn chế đi lại và hoạt động kinh tế suy giảm.

Đóng góp của ngành du lịch vào GDP khu vực đã giảm 53% vào năm 2020, đẩy thêm nhiều người vào tình trạng nghèo.

Ngay cả trước Covid-19, Đông Nam Á đã tụt hậu so với các tiêu chuẩn năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu về cơ sở hạ tầng mặt đất, bến cảng và đô thị; sự sẵn sàng của công nghệ thông tin và truyền thông; cũng như tính bền vững về môi trường.

Các chính phủ hy vọng sẽ giải quyết những thách thức này song song với nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Quỹ mới của ADB sẽ hỗ trợ các ưu tiên chủ chốt liên quan đến du lịch được ASEAN và các chiến lược du lịch tiểu vùng ở Đông Nam Á đề ra.