TP.HCM áp dụng hải quan tự động: Cắt bớt thủ tục cho doanh nghiệp

Trâm Anh - 08:30, 05/01/2018

TheLEADERCục Hải quan TP.HCM vừa triển khai thí điểm Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động ở cảng Lotus và cảng SP-ITC.

TP.HCM áp dụng hải quan tự động: Cắt bớt thủ tục cho doanh nghiệp
Các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ.

Đa số các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi đều cho rằng với hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động sẽ giúp tiết kiệm thời gian. 

Việc giám sát được điện tử hóa, trách nhiệm các bên liên quan được quy định rõ tại từng khâu, các khâu sẽ được đơn giản hoá, hài hòa thủ tục hải quan với thủ tục của doanh nghiệp.

Áp dụng 4.0 vào quản lý hải quan

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, việc áp dụng hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ giảm thiểu được hồ sơ giấy trao đổi với hãng vận tải cũng như cơ quan hải quan. Nhờ đó, giảm được gánh nặng trong khai báo thủ tục, đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí.

Đối với cơ quan hải quan, hệ thống sẽ theo dõi quản lý chặt chẽ, kịp thời tình trạng di chuyển, biến động của hàng hóa từ khi vào đến khi ra và vận chuyển qua lại giữa các điểm chịu sự giám sát hải quan; rút ngắn chi phí và thời gian làm thủ tục cho người khai hải quan.

Qua đó, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát, nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, đồng thời ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu và bảo đảm an ninh quốc gia.

Được biết, theo Quyết định số 2722 của Bộ Tài chính về việc áp dụng thí điểm quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng biển, cảng hàng không thì sẽ có 4 đơn vị tại TP.HCM được chọn triển khai thí điểm Quản lý, giám sát tự động đối với hàng hóa tại cảng biển, cảng hàng không. 

Các cảng được thí điểm bao gồm cảng Lotus và cảng SP-ITC. Tiếp sau đó sẽ thực hiện ở cảng ICD Phước Long 1 và kho hàng không SCSC (sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh kho bãi ủng hộ

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, quy trình thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng biển trước đây được thực hiện độc lập giữa cơ quan hải quan, các doanh nghiệp giao nhận, kinh doanh cảng, kho, bãi… nên mất khá nhiều thời gian làm việc giữa các đơn vị này.

Ông Phạm Huy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Bông Sen - đơn vị quản lý cảng Lotus, cho biết hệ thống quản lý hải quan tự động không chỉ tác động đến chính cơ quan hải quan và các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi mà còn tác động mạnh mẽ đến các hãng tàu, hãng hàng không, đại lý vận chuyển, đại lý giao nhận. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cả các cơ quan quản lý chuyên ngành. 

Chính vì thế, triển khai thành công chương trình này sẽ có tác động rất lớn trong việc thực hiện Chính phủ điện tử thông qua cơ chế một cửa quốc gia.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh kho bãi tại cảng SP-ITC chia sẻ: “Theo đánh giá của chúng tôi với hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động, thông tin hàng hóa sẽ được cung cấp cho cơ quan hải quan trước khi tàu đến. Chính vì thế mà sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc làm thủ tục thủ công như trước đây.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ nắm được số lượng container ra vào cảng, nắm được số container hàng tồn đọng một cách thuận lợi, giảm được khối lượng, áp lực công việc cho bộ phận giám sát cổng cảng. Mà doanh nghiệp chúng tôi cũng đỡ mất thời gian báo cáo”.

Dự kiến đến quý II/2018, hình thức quản lý trên sẽ thực hiện đại trà tại tất cả các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM.