TP.HCM khan hiếm đất công nghiệp

Hứa Phương - 11:30, 09/01/2022

TheLEADERTP.HCM chỉ còn khoảng 300 ha đất trong các khu công nghiệp có thể cho thuê, khai thác.

Được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước, lâu nay TP.HCM là trung tâm sản xuất, luôn nằm trong top đầu các địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

TP.HCM khan hiếm quỹ đất công nghiệp
TP.HCM chỉ còn khoảng 300 ha đất trong các khu công nghiệp có thể cho thuê, khai thác.

Tuy nhiên tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 8/1, ông Hứa Quốc Hưng trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) lại cho biết, đã lâu rồi, Thành phố không có khu công nghiệp, khu chế xuất nào thành lập mới.

Theo ông Hưng, giai đoạn 2010-2015, TP.HCM dẫn đầu cả nước về các chỉ số công nghiệp và dẫn đầu trong nhóm các tỉnh, thành có khu công nghiệp và đất công nghiệp.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, quỹ đất công nghiệp của thành phố ngày càng hạn chế. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM chỉ còn khoảng 300 ha đất có thể cho thuê, khai thác được. Hiện nay thành phố có 3 khu chế xuất, 16 khu công nghiệp và quy hoạch đất công nghiệp của thành phố là 5.800 ha.

Trong khi một số địa phương lân cận có chỉ số thu hút công nghiệp bắt đầu vượt TP.HCM và quỹ đất công nghiệp cũng vượt trội như Tây Ninh có 11.000 ha (5 khu công nghiệp), Bình Dương là 18.000 ha (32 khu công nghiệp), Đồng Nai có 28 khu công nghiệp.

Ông Hưng cho biết, TP.HCM có sẵn quỹ đất nhưng bị vướng về pháp lý nên chưa thể triển khai. Chính vì vậy trong thời gian tới Hepza sẽ tham mưu cho thành phố tìm quỹ đất, mở khu công nghiệp mới để thu hút đầu tư trong giai đoạn tới.

Còn nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Hepza là tập trung tham mưu cho thành phố để kiến nghị Chính phủ thành lập khu công nghiệp Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), có quy mô 668 ha và 90 ha là khu dân cư liền kề, nhà trọ, nhà ở cho công nhân.

Khu công nghiệp Phạm Văn Hai dự kiến hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, ngành công nghiệp hỗ trợ không thâm dụng lao động.

Năm 2017, TP.HCM đã đưa ba khu công nghiệp là Bàu Đưng (175ha), Phước Hiệp (200), Xuân Thới Thượng (300ha) ra khỏi quy hoạch, đồng thời TP.HCM bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (668 ha).

Trong khi đó, theo C&W Việt Nam, quý 4/2021 giá chào thuê bất động sản công nghiệp tại TP.HCM tiếp tục tăng. Trung bình là 4,3 triệu đồng/m2/chu kỳ, tăng 1% so với quý trước đó và 3% so với năm 2020.

Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do nguồn cung tại TP.HCM hạn chế, trong khi nhu cầu gia tăng. Giá thuê tại TP.HCM cao nhất cả nước, cao hơn 31% so với Hà Nội, 35% so với Long An, 72% so với Bình Dương, 79% so với Đồng Nai và gấp đôi so với Bà Rịa-Vũng Tàu.