Trung Quốc có gì trong tay để chấp nhận chiến tranh thương mại?

Thùy Dung - 16:05, 07/07/2018

TheLEADERCó thể không lợi thế bằng Mỹ trong áp dụng thuế quan, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng đối đầu thương mại vì những khía cạnh khác.

Trung Quốc có gì trong tay để chấp nhận chiến tranh thương mại?
Mỹ có khả năng phải chịu nhiều tổn thương vì cuộc chiến do chính mình khởi động. Ảnh: AP

Những phát súng đầu tiên trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã được cả hai bên bắn ra, không chỉ gây tổn thương cho bản thân hai nền kinh tế mà còn tạo ra ảnh hưởng lan tỏa tới thế giới.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump 'bỏ ngoài tai' những lời cảnh báo về căng thẳng thương mại với các đối tác lớn như Trung Quốc có thể gây hại cho chính nền kinh tế này, Bắc Kinh được đánh giá sở hữu nhiều vũ khí khác ngoài thuế quan để sử dụng trong cuộc chiến này.

Nhà phân tích châu Á Louis Kuijs tại Oxford Economics cho biết phim của Tom Cruise, cà phê Starbucks, iPhone X và xe ô tô Buick đều là những cái tên bán chạy nhất tại thị trường Trung Quốc và các nhà chức trách nước này có thể tìm cách gây khó dễ đối với những thương hiệu này.

Ông Kuijs đánh giá "Trung Quốc có ít lợi thế hơn trong việc áp đặt thuế quan nhưng lịch sử cho thấy quốc gia này còn nhiều biện pháp khác có thể gây ra tổn thương với các doanh nghiệp Mỹ', bao gồm như kiểm tra an toàn, sức khỏe và thuế thu nhập trên quy mô lớn, gây trì hoãn hoặc thậm chí dừng nhập khẩu hàng từ Mỹ.

Các quan chức tại cảng của Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường việc kiểm tra thịt lợn và xe hơi, gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng.

General Motors hiện đang có danh số tại Trung Quốc nhiều hơn tại Mỹ và nhiều thương hiệu lớn khác của Trung Quốc cũng đạt được phần lớn doanh thu từ thị trường đang phát triển nhanh này.

Trung Quốc có thể thắt chặt hoạt động của các công ty Mỹ bằng việc thắt chặt giấy tờ hoặc kêu gọi tẩy chay từ người tiêu dùng nội địa. Mark Williams, giám đốc kinh tế châu Á tại Capital Economics, cho rằng Bắc Kinh có thể tạo ra một chiến dịch tuyên truyền cũng như tạo ra sự gián đoạn trong bán hàng từ giới quan chức.

Trên thực tế, những điều này đã xảy ra, chứng tỏ cả sự hiệu quả lẫn tốc độ nhanh chóng. Các chiến dịch tương tự chống lại Hàn Quốc và Nhật Bản tại thời điểm căng thẳng chính trị đã dẫn tới việc sụt giảm tới 50% doanh số bán xe của những công ty đến từ 2 quốc gia trên chỉ trong 1 tháng.

Năm ngoái, người tiêu dùng Trung Quốc đột nhiên quay lưng lại với nhà bán lẻ Hàn Quốc Lotte, buộc thương hiệu này phải đóng cửa 3/4 số cửa hàng tại đây sau động thái cung cấp đất cho chính phủ triển khai tên lửa của Lotte bị Bắc Kinh phản đối.

Ngoài ra, Trung Quốc có thể tạo ra hạn chế số lượng khách du lịch và khoảng 350.000 sinh viên tới Mỹ mỗi năm, gây áp lực lên thị trường Mỹ.

Ông Williams cho biết: "Chi tiêu của Trung Quốc cho du lịch và giáo dục tại Mỹ cũng tương đương với hai thương vụ lớn nhất là đậu tương và máy bay Mỹ". Trước đây quốc gia này cũng đã hạn chế các nhóm du lịch nhằm gây áp lực lên Đài Loan và Hàn Quốc.

Với trữ lượng tiền tệ khổng lồ, Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và việc mua đang trùng lại hoặc ngừng hẳn. Điều này được xem là lợi thế để Bắc Kinh thương lượng với Washington.

Một vũ khí khác mà Trung Quốc sở hữu chính là đồng Nhân dân tệ được kiểm soát chặt chẽ bởi ngân hàng trung ương và có thể được giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu.