Trung Quốc 'làm thân' với EU giữa căng thẳng thương mại leo thang

Hương Vũ - 09:45, 10/07/2018

TheLEADERTrong bối cảnh thương mại ngày càng căng thẳng với nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang tìm đến Liên minh châu Âu (EU) như 'người bạn thân nhất'.

Trung Quốc 'làm thân' với EU giữa căng thẳng thương mại leo thang
Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Ảnh: IndustryWeek

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo phía Đông và Trung Âu tại Sofia, Bulgaria hồi cuối tuần trước và cam kết nỗ lực mở cửa nền kinh tế Trung Quốc tiến tới thế giới rộng lớn hơn. Ông Khắc Cường cũng đang có chuyến thăm tới Đức trong lần gặp mặt Thủ tướng Angela Merkel và theo kế hoạch, hội nghị thượng định Trung Quốc - EU sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tuần tới.

"Việc mở cửa là một động lực chính trong chương trình cải cách của Trung Quốc, vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hơn với thế giới, bao gồm việc nới rộng tiếp cận thị trường cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các quốc gia luôn được hoan nghênh tới Trung Quốc để chia sẻ cơ hội phát triển", CNBC dẫn lời vị thủ tướng.

Nền kinh tế lớn thứ hai này đã đổ hàng tỷ USD vào đường bộ, đường sắt, cảng và các dự án cơ sở hạ tầng khác tại các quốc gia Đông và Trung Âu.

Về mặt thương mại, Trung Quốc hiện là nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khối này. Trung bình mỗi ngày, giá trị trao đổi thương mại giữa hai bên đạt hơn 1,18 tỷ USD.

Theo thông tin được đưa bởi CNBC, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cho biết Trung Quốc và EU đang tiến hành những bước tiếp theo để kí kết một thỏa thuận đầu tư và dự kiến sẽ diễn ra trong hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Việc Trung Quốc tìm kiếm và đẩy mạnh những đối tác kinh tế lớn khác ngoài Mỹ là điều dễ hiểu trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang hơn bao giờ hết.

Ngày 6/7 vừa qua theo giờ Mỹ, chính quyền Mỹ đã chính thức áp mức thuế 25% lên hơn 800 sản phẩm từ Trung Quốc như máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, phụ tùng ô tô với tổng giá trị nhập khẩu 34 tỷ USD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn nhấn mạnh rằng, thuế quan là điều cần thiết để buộc Trung Quốc phải từ bỏ hành động không công bằng trong thương mại như lấy cắp tài sản trí tuệ và buộc công ty Mỹ bàn giao công nghệ có giá trị.

Bắc Kinh sau đó đã tuyên bố áp thuế suất tương tự đối với 545 sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, bao gồm nông sản, xe và hải sản với tổng giá trị nhập khẩu vào Mỹ hàng năm khoảng 34 tỷ USD.

Trong tuyên bố mới đây được dẫn lời bởi Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc buộc phải tấn công lại để bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân”. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cáo buộc hành động của Mỹ là “bắt nạt thương mại”.