TS. Ngô Trí Long: "Lý do Bộ Tài chính tăng thuế GTGT chưa thuyết phục"

Thu Phương (thực hiện) - 11:25, 27/08/2017

TheLEADERTheo PGS.TS Ngô Trí Long, lý do cần phải tăng thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính đưa ra chưa hợp lý và chưa thuyết phục.

TS. Ngô Trí Long: "Lý do Bộ Tài chính tăng thuế GTGT chưa thuyết phục"
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) lên 12% thay vì mức 10% như hiện tại là đề xuất của Bộ Tài chính tại bản Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên. 

TheLEADER đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) xung quanh đề xuất này. 

Mới đây, Bộ Tài chính đã có đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) phổ thông từ 10% lên 12% vào năm 2019, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Lý do chính để đề xuất tăng VAT được Bộ Tài chính đưa ra là vì xu hướng thế giới đều tăng loại thuế đánh vào tiêu dùng để bù cho việc thuế nhập khẩu giảm đáng kể khi các quốc gia tham gia các hiệp định tự do thương mại. Đồng thời, tăng VAT sẽ làm giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cho biết, khoản 3 Điều 8 Luật thuế GTGT hiện hành quy định mức thuế suất thông thường là 10%. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong bối cảnh nợ công tăng cao tại các quốc gia kể cả các nước đã phát triển, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu. 

Cụ thể, để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập, các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng. Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, 166 nước năm 2016.

Bộ Tài chính dẫn thông tin từ Ngân hàng Thế giới, qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%. Philippines có mức thuế suất 15%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra vấn đề về bội chi ngân sách, nợ công tăng, nguồn thu của Nhà nước bị hụt. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư mới tăng cao, do đó, đòi hỏi tăng thuế VAT để bù đắp những khoản chi của ngân sách.

Về vấn đề này, tôi cho rằng cách nhìn nhận của Bộ Tài chính là chưa toàn diện vì thực chất, bội chi ngân sách và nợ công cao không phải do mức thuế của Việt Nam quá thấp mà do đầu tư lãng phí, thất thoát do tham nhũng. Theo Bộ Tài chính cho rằng, thuế GTGT của Việt Nam hiện đang thấp hơn các nước khác trên thế giới, tuy nhiên, chúng ta phải tính toán lại rằng, nguồn thu thuế GTGT của Việt Nam so với tổng nguồn thu ngân sách lớn hơn các nước khác.

Do đó, phải xử lý những vấn đề còn tồn đọng như chống tham nhũng, chống lãng phí. Muốn cải cách thiện ngân sách Nhà nước đòi hỏi phải cải cách cả thu lẫn chi, nếu chỉ cải cách thu mà không cải cách chi không thể đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thu ngân sách là do Bộ Tài chính, trong khi đó, việc “chi” lại do Bộ Kế hoạch và đầu tư. Chính vì vậy, vai trò của Bộ Tài chính là phải kiểm soát nguồn vốn ngân sách một cách có hiệu quả.

Một vấn đề khác là nguồn ngân sách hiện nay đang sử dụng kém hiệu quả, làm người dân không yên tâm đóng thuế. Tôi lấy ví dụ, ở các nước khác thuế VAT thu được sẽ phục vụ cho an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Chế độ bảo hiểm y tế ở nhiều nước phát triển được thực hiện rất tốt, người dân khi bị bệnh có thể hoàn toàn yên tâm khi vào bệnh viện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, dù có bảo hiểm ý tế nhưng khi vào viện, việc thanh toán cũng gặp rất khó khăn, nhiều trường hợp người dân phải đi khám theo hình thức tự nguyện. 

Hay như về giáo dục, các nước như ở Nhật phổ cập giáo dục cấp 1, cấp 2, nhưng tại Việt Nam hiện mới phổ cập đến cấp 1.

Từ các dẫn chứng trên, tôi cho rằng việc Bộ Tài chính cho rằng cần phải tăng thuế GTGT là chưa hợp lý, chưa thuyết phục.

Theo ông việc tăng thuế VAT sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế?

PGS.TS Ngô Trí Long: VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Tăng thuế VAT sẽ gây ra những tác động lớn đến toàn xã hội, đặc biệt là tạo áp lực với người có thu nhập thấp, người chịu ảnh hưởng nhất là người nghèo.

Đồng thời, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm dẫn đến sức mua trên thị trường chắc chắn sẽ giảm sút. Sản xuất khó tiêu thụ. Từ đó ảnh hưởng đến sản xuất, tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi và suy giảm tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Bên cạnh đó, mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát. Trong khi đó, thuế là yếu tố cấu thành lên giá, giá tăng thì lạm phát cũng tăng. Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc.

Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất tăng thuế nên xem thật kỹ những tác động của nó tới từng trường hợp cụ thể. Tác động đó sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào và giải pháp giải quyết hệ lụy ra sao, thời điểm này đã nên tăng thuế hay chưa…

Đối với việc tăng thuế GTGT, Bộ Tài chính cần hết sức thận trọng vì đây là một chính sách lớn tác động đến toàn xã hội. Do đó, phải làm sao tạo được sự đồng thuận của cả xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bộ Tài chính đã có đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên; trong đó có đề xuất tăng thuế GTGT.

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với thông lệ và xu hướng cải cách thuế GTGT quốc tế, đề nghị nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án sau:

Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.
Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Tăng thuế VAT - VÌ AI THẾ?