TTC tái cấu trúc mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững ngay trong đại dịch

Kim Yến - 09:17, 05/07/2020

TheLEADERTừ 5 ngành chủ đạo, TTC đã tái cấu trúc lại, bỏ bớt những gì không phải là thế mạnh và tập trung vào năng lực lõi của mình là mía đường và năng lượng.

TTC tái cấu trúc mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững ngay trong đại dịch
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC

Sức nóng cạnh tranh, việc thực thi cam kết các hiệp định thương mại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên toàn cầu đang đặt doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức. 

Bằng bản lĩnh vững vàng và những chiến lược đã chuẩn bị kỹ lưỡng, TTC tự tin biến thách thức thành cơ hội, đưa sản phẩm đường sạch ra thế giới và đặt nền móng vững chắc cho ngành năng lượng sạch, trở thành đơn vị tiên phong, dẫn đầu cả nước.

Công cuộc tái cấu trúc liên tục để vượt lên, đảm nhiệm vai trò doanh nghiệp đầu ngành của TTC là nhờ tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất thế giới, không ngừng đổi mới và sáng tạo trong nghiên cứu sản phẩm, quyết liệt cải tổ đội ngũ bằng những chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, để phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngành năng lượng sạch

Đại dịch cũng là dịp để các doanh nghiệp tự nhìn lại mình, xác định rõ đâu là thế mạnh cốt lõi, đâu là ngành cần phải kiên quyết cắt bỏ, tránh đầu tư dàn trải, tối ưu chi phí. Nhiều tập đoàn thế giới đã đưa ra quyết định vô tiền khoáng hậu, từ bỏ hẳn ngành nghề cũ đã đem lại danh tiếng của mình để chuyển hướng sang ngành nghề mới, chiến lược cũng ứng biến hết sức linh hoạt.

Với TTC, đây cũng là dịp để nâng cao sức cạnh tranh cho chính mình, tạo nên dòng tiền mới với biên độ thị trường mở rộng hơn. Từ 5 ngành chủ đạo, TTC đã tái cấu trúc lại, bỏ bớt những gì không phải là thế mạnh và tập trung vào năng lực lõi của mình là mía đường và năng lượng.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC cho biết, “Năm nay, TTC kết thúc chiến lược năm 2016 - 2020, lại rơi vào tình huống Covid-19, cái khó ló cái khôn, khiến mình trưởng thành hơn. Tôi yêu cầu các “Tư lệnh ngành” có ý tưởng phù hợp với thay đổi ngẫu nhiên này. May mắn với TTC là nhờ đó có thể xây dựng bức tranh 2020-2026 khác đi.

Riêng TTC giai đoạn 2016 - 2020 đã tập trung thay đổi cơ cấu, từ tập đoàn với 5 ngành chủ đạo là mía đường, bất động sản, năng lượng, du lịch, giáo dục, chuyển dịch thành 4 ngành cơ bản, trong đó 2 ngành chủ lực là mía đường và năng lượng. Ngành mía đường hiện vẫn đóng góp rất lớn trong doanh thu”.

Chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược khi tấn công vào lĩnh vực năng lượng sạch, một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, ông Đặng Văn Thành cho biết, “Cách đây khoảng 6 năm, tôi với anh Phạm Hồng Dương và phu nhân tôi cũng đã làm việc với các lãnh đạo ngành và đã phân tích, đánh giá về nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió…

Lúc đó công nghệ của chúng ta cũng chưa tiệm cận được với thế giới, giá còn hơi cao. Nhưng xét điều kiện của Việt Nam là một trong những quốc gia nằm gần đường xích đạo, bức xạ mạnh và 3.600 km đường biển đầy đủ điều kiện để chúng ta tiếp cận nguồn năng lượng sạch, thay thế nguồn năng lượng hoá thạch.

Theo kế hoạch phát triển nguồn năng lượng, để đáp ứng thị trường và nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng, nhu cầu về năng lượng rất lớn. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục theo kiểu cũ, sử dụng năng lượng hoá thạch, chủ yếu là dùng than sẽ gây ô nhiễm rất lớn và không thể đáp ứng nhu cầu.

May mắn cho đất nước mình, do nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên rất lớn và công nghệ ngày càng hiện đại sẽ giúp chúng ta tái cấu trúc lại ngành năng lượng. Với TTC, đến thời điểm này, năng lượng từ bã mía đạt 200 MW, năng lượng mặt trời cũng đang ở vị trí tiên phong. Thực sự tôi rất hào hứng với vai trò tiên phong của mình.

Tôi vẫn còn nhớ, cách đây khoảng 2 năm ở Huế, từ Bộ Công thương đến ngành điện lực cũng cử đoàn xuống để chứng kiến sự kiện TTC đóng điện từ năng lượng mặt trời thế nào cho hai nhà máy TTC Phong Điền năng suất 48MWp. Với sự đầu tư trải dài ở những vùng đất có tiềm năng nhất như Long An, Bình Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Tiền Giang, Cà Mau… khó khăn lớn nhất là việc truyền tải điện. Nhưng đến giờ phút này, chúng tôi đã đạt công suất trên 400 MW.

Kế hoạch tới 2025 chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các dự án mới, nếu không có gì thay đổi, giữa tháng sau chúng tôi sẽ triển khai dự án năng lượng gió ở Bến Tre, mở rộng khai thác ở Tiền Giang, Cà Mau… với kế hoạch trên 1.000 MW.

Chúng tôi còn đang triển khai hết sức khẩn trương điện mái nhà để theo kịp nhu cầu của thị trường. Công nghệ này cạnh tranh ngày càng ác liệt, giá thành rất tốt cho nhu cầu nhà đầu tư cũng như từng hộ dân để sử dụng nguồn năng lượng vô tận này. Hy vọng đến năm 2025 ngành năng lượng của TTC sẽ dẫn vị trí đầu bảng tạo ra dòng tiền…”

Năm 2019, với sự đóng góp vượt kế hoạch của 5 nhà máy điện mặt trời 260MWp cùng việc đa dạng hoá các loại hình năng lượng tái tạo với sự phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời, doanh thu thuần của GEC (thuộc CTCP Điện Gia Lai) đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 107% so cùng kỳ và đạt 114% kế hoạch.

Còn GEG (thuộc CTCP Điện Gia Lai) đã giảm sự phụ thuộc gần như 80% vào thuỷ điện năm 2018, tăng tỷ trọng điện mặt trời lên 58%. Dự kiến năm 2020, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của GEC đạt 1.531 tỷ đồng và 320 tỷ đồng. Công ty cũng đang tích cực hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thông qua hợp tác đầu tư, hỗ trợ tài chính kết hợp thi công tổng thầu, mở rộng và tối ưu hạn mức tín dụng nhà thầu để triển khai thi công các dự án điện gió.

Năm 2019, đội ngũ kỹ thuật chế tạo những thiết bị mới, hệ thống mới để tối ưu hoá sản lượng như hệ thống giá đỡ xoay một trục với công nghệ cảm ứng thông minh nhằm tối ưu hoá hoạt động của các dự án điện mặt trời khi đưa tấm pin xoay theo ánh sáng mặt trời chiếu để tận dụng nguồn năng lượng tối đa trong ngày.

GEC cũng đã nghiệm thu đề tài lắp đặt hệ phao nổi năng lượng mặt trời. Nhờ vào diện tích và môi trường trao đổi nhiệt tốt hơn, hiệu suất tấm pin lắp trên phao nổi năng lượng mặt trời đạt được tăng 10%- 20% so với lắp đặt trên khung cố định, mở ra hướng phát triển mới cho năng lượng tái tạo.

Sau khi chuyển sàn HOSE vào tháng 9/2019, thanh khoản cổ phiếu GEG cũng cải thiện đáng kể với trung bình 571.000 cổ phiếu/phiên, với giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày khoảng 16 tỷ đồng. Tiềm năng và mức độ hấp dẫn của cổ phiếu GEG đối với nhà đầu tư nước ngoài được thị trường đánh giá khả quan khi giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với GEG chỉ còn khoảng 13%.

Trong khi nhiều nhà đầu tư năng lượng còn loay hoay khi mức giá chính phủ mới ban hành sẽ mang lại lợi nhuận ít hơn kỳ vọng, khi chi phí đầu tư quá lớn, ông Đặng Văn Thành cho rằng mức giá này hoàn toàn phù hợp với công nghệ hiện đại, và đã có lộ trình cho nhà đầu tư hoàn toàn an tâm.

“Giá càng thấp chừng nào thì càng tốt cho nhà đầu tư, các hộ kinh doanh nhỏ và người tiêu dùng, không ảnh hưởng gì đến các đơn vị kinh doanh cả. Doanh nghiệp làm năng lượng ở Việt Nam hoàn toàn có lợi thế về đất đai, hơn nữa, công nghệ cũ về điện gió công suất chỉ khoảng 1-1,5 MW/hecta, công nghệ mới bây giờ là 4-5 MW, thậm chí đến 8 MW/hecta, nên quỹ đất phục vụ cho nó cũng khác…”

Tái cấu trúc năng lực lõi hướng tới phát triển bền vững cho ngành mía đường

Khác với năng lượng, mía đường lại là thế mạnh cốt lõi của TTC. Là người sáng lập và xây dựng “đế chế mía đường” của Tập đoàn TTC, với 40 năm kinh nghiệm và đặc biệt là niềm đam mê với cây mía, bà Huỳnh Bích Ngọc, phu nhân của ông Đặng Văn Thành được xem là người phụ nữ quyền lực bậc nhất trong ngành mía đường Việt Nam.

Những ngày đầu khởi nghiệp, bà Ngọc cùng chồng là doanh nhân Đặng Văn Thành rong ruổi ngược xuôi các tỉnh miền Tây Nam bộ để thu mua mật rỉ về nấu cồn. Giai đoạn ông Thành xây dựng Sacombank lớn mạnh, bà Ngọc chính là người đã chèo lái, phát triển, đưa mảng mía đường của TTC khẳng định vị trí như hôm nay.

TTC tái cấu trúc mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững ngay trong đại dịch
Bà Huỳnh Bích Ngọc, phu nhân của ông Đặng Văn Thành.

Với vai trò dẫn dắt TTC Sugar bước vào thời kỳ hội nhập, thực thi các cam kết tại Hiệp định ATIGA, bà Ngọc đã chuẩn bị kỹ lưỡng và chu đáo các bước đi cụ thể cho doanh nghiệp, nỗ lực vì mục tiêu chung của ngành mía đường trong nước.

TTC Sugar đang huy động tổng lực trong quá trình tái cơ cấu ngành mía đường, tập trung xây dựng vùng nguyên liệu diện tích 65.000ha tại Tây Ninh, Ninh Hòa, Phan Rang và cả Lào, Campuchia. Công ty sẽ phát triển vùng nguyên liệu mía có quy mô diện tích phù hợp, thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa và thực hiện các giải pháp trồng mía thâm canh, đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên.

Bà Ngọc chia sẻ, việc mở rộng vùng nguyên liệu tại các nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) cũng là tạo thế kiềng ba chân, phát triển bền vững của TTC Sugar, phục vụ kế hoạch phát triển 26.000ha mía theo tiêu chuẩn quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó 15.000ha mía cho sản xuất đường Organic. Theo đó, TTC Sugar sẽ phát triển vùng nguyên liệu gắn với việc xây dựng phương án quản lý vùng nguyên liệu mía, đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục, bền vững.

Bên cạnh định hướng ưu tiên xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, TTC Sugar còn tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm, mở rộng thị trường; tăng vốn; hợp tác quốc tế để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đây là nhiệm vụ không hề dễ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN từ đầu năm 2020 theo cam kết ATIGA, đòi hỏi người “thuyền trưởng” phải có bản lĩnh vững vàng và tầm nhìn chiến lược.

Trong buổi gặp gỡ báo chí nhân ngày 21/6, bà Huỳnh Bích Ngọc đích thân giới thiệu sản phẩm rất mới mẻ của mình cho từng nhà báo là dầu dừa Organic bằng công nghệ ép lạnh với bao bì bắt mắt, hiện đại, rất tốt cho chị em phụ nữ trong việc làm đẹp và chăm sóc da. Hơn ai hết, bà Ngọc có một đam mê cháy bỏng với nghiên cứu sáng tạo để mang lại những sản phẩm có lợi cho sức khoẻ, nhất là trong thời buổi dịch bệnh, tạo nên sức hút mới, chinh phục cả những thị trường khó tính nhất của thế giới.

TTC Sugar đang khai thác tốt thị trường nội địa có quy mô gần 100 triệu dân bằng việc áp dụng giải pháp đầu tư nghiên cứu, phát triển, tạo ra sản phẩm giá trị và khác biệt để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam hiệu quả nhất. Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, công ty đã cung cấp cho người tiêu dùng trong nước sản phẩm đường sạch Cô Ba và đường Organic.

Đường sạch Cô Ba có vị ngọt tinh khiết, thiết kế thân thiện và gần gũi với bao bì màu xanh lá, xanh dương, thể hiện mong muốn vượng tài lộc, vượng sự nghiệp cho người tiêu dùng, gợi nhớ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

TTC Sugar còn đưa sản phẩm đường Organic được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu (EU) tham gia thị trường trong nước, với 2 loại bao bì giấy kraft và chai thủy tinh, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm giữ được màu sắc tự nhiên, mùi vị thơm ngon, đặc trưng của mía, không chỉ làm tăng vị thơm ngon cho các món ăn, thức uống, mà còn chứa nhiều khoáng chất, siêu sạch, an toàn cho sức khỏe.

Với sản phẩm đường sạch sản xuất từ 100% mía đường tinh khiết, không tạp chất, không hóa chất tẩy trắng, không chứa chất gây biến đổi gen, TTC Sugar hướng đến tôn chỉ: “Đường sạch vì sức khỏe cộng đồng, dân tộc Việt Nam và tương lai nhân loại”.

“Đây cũng chính là hướng đi để khẳng định vị trí tiên phong của TTC Sugar trong ngành mía đường Việt Nam và uy tín thương hiệu ngang tầm khu vực và quốc tế”, bà Ngọc bày tỏ.

Theo đó, chỉ riêng trong phân khúc đường Organic, TTC Sugar đã đầu tư vùng nguyên liệu mía tại Lào, đầu tư nhà máy theo quy trình tự nhiên, không sử dụng hóa chất từ khâu chuẩn bị đất trồng, giống mía, kỹ thuật canh tác, phương pháp bón phân, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh, tưới tiêu, thu hoạch đến khâu sản xuất. Tất cả đều được thực hiện trong điều kiện đảm bảo và cách ly theo đúng chuẩn.

Đặc biệt, đất trồng không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vòng 3 năm trở lên, có ranh giới, khoảng cách xác định và vùng đệm (hàng rào, hàng cây xanh…) để làm bờ chắn ngăn chặn sự phát tán của các chất độc hại ở các vùng lân cận vào ruộng mía.

Chủ tịch TTC Sugar cho biết, để cung cấp sản phẩm đường Organic cho thị trường trong nước, góp phần làm phong phú sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có những bước đi chủ động vào mảng đường Organic trong suốt nhiều năm qua, từ việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại vào quy trình trồng trọt, tinh luyện khép kín với tầm nhìn “từ nông trường đến bàn ăn”.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản phẩm đạt chuẩn Organic phải tuân thủ đủ tiêu chí “3 không”: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không biến đổi gen. Với việc sản xuất đường Organic, TTC Sugar tạo ra những sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng về tính chuyên biệt, đặc biệt là thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế đang bị chiếm lĩnh bởi các “ông vua” mía đường như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ. Đây được xem là bước đi chiến lược của TTC Sugar để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trên thị trường quốc tế và ngay trên sân nhà.

TTC tái cấu trúc mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững ngay trong đại dịch 1
Nông trường mía của TTC.

Để mở rộng thị trường nước ngoài, TTC Sugar đã xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược ở địa phương, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ nhanh chóng tham gia chuỗi giá trị sản xuất, thương mại khu vực và thế giới. TTC Sugar đã ký kết hợp tác chiến lược với ED&F Man Sugar (Anh) về bao tiêu sản phẩm đường organic sản xuất tại Lào trong 5 năm kể từ năm 2018.

Bà Huỳnh Bích Ngọc thuộc tuýp người giản dị và thân thiện. Những ai có dịp tiếp xúc chắc chắn đều có cảm nhận rằng, tâm huyết của bà dành cho ngành mía đường và các lĩnh vực kinh doanh của TTC rất lớn.

Ý nghĩa lớn nhất trong cuộc sống của bà là một gia đình đầm ấm. Đây cũng là lý do chưa bao giờ người ta thấy bà “đứng một mình” dưới ánh hào quang của sự thành công và viên mãn. Bà luôn chọn cho mình vai trò là hậu phương vững chắc cho chồng và các con.

Quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế

Theo khảo sát quan điểm các nhà đầu tư toàn cầu về quản trị công ty của Mckinsey năm 2002, được kiểm chứng thông qua phương pháp phỏng vấn, gần 80% nhà đầu tư từ tất cả các châu lục sẵn sàng đầu tư thêm cho các doanh nghiệp có quản trị công ty tốt. Riêng đối với châu Á, nghiên cứu còn chỉ ra rằng mức đầu tư thêm bình quân là 20%.

Kết quả cho thấy, quản trị công ty là một yếu tố then chốt để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản lý rủi ro của doanh nghiệp, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, từ đó doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn tốt hơn, giá trị công ty được nâng tầm cao hơn, góp phần đẩy mạnh hiệu quả của thị trường chứng khoán và phát triển kinh tế chung của đất nước.

Để hiện thực hoá những tham vọng của mình, đòi hỏi quản trị tập đoàn phải theo chuẩn mực quốc tế hiện nay, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tính minh bạch của doanh nghiệp, tạo cơ hội giúp doanh nghiệp có được niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn, đặc biệt là thị trường vốn quốc tế. Là người đam mê công tác quản trị, vừa dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, vừa biết đúc kết thành những bài học lý luận dễ hiểu, dễ nhớ, đi sâu vào lòng người, ông Đặng Văn Thành là nhà quản trị tài ba đã trở thành nguồn cảm hứng cho toàn đội ngũ. Đích thân ông Thành trở thành vị giáo sư “không giảng đường”, đào tạo cho TTC đội ngũ kế thừa chuẩn mực và đầy nhiệt huyết.

TTC đã thay đổi từ một công ty gia đình trở thành công ty đại chúng, quản trị theo chuẩn quốc tế, thông qua việc chủ động áp dụng các nguyên tắc của bộ tiêu chuẩn quản trị quốc tế - Corporate Goverance của IFC và thẻ điểm quản trị công ty của khu vực Asean - Asean Scorecard.

Đề cao kiểm soát trong mọi khâu của tổ chức, từ năm 2018, TTC là một trong những công ty đi tiên phong trong việc thành lập Tiểu ban Kiểm toán trực thuộc HĐQT thay thế mô hình ban kiểm soát đã lỗi thời, trong đó các thành viên HĐQT không điều hành và độc lập đóng vai trò quản lý Tiểu ban Kiểm toán để thực hiện giám sát HĐQT một cách độc lập.

Với vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định, định hướng chiến lược và giám sát hoạt động của ban điều hành, HĐQT của TTC đều là những thành viên có kiến thức chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế, am hiểu sâu sắc hoạt động từng ngành. Việc duy trì tỷ lệ cơ cấu thành viên HĐQT độc lập/không độc lập, thành viên HĐQT tham gia điều hành/không điều hành, thành viên HĐQT nam/nữ, cơ cấu theo chuyên môn,... đều được chú trọng thực hiện.

Để tăng cường trách nhiệm của HĐQT, TTC cũng đã thành lập các Tiểu ban Kiểm toán, Tiểu ban Chiến lược, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Môi trường và xã hội,… từng tiểu ban đều có quy chế hoạt động riêng, hoạt động hướng đến sự quản trị hiệu quả của công ty. Trong bối cảnh hội nhập, TTC cũng đã chủ động mời các chuyên gia tư vấn của Deloitte, E&Y để cùng đồng hành trong quá trình quản trị, xây dựng chiến lược, nhận diện rủi ro.

Trong những năm gần đây, HĐQT đã nghiêm túc cải thiện mô hình quản trị theo chuẩn mực cao hơn, tái cấu trúc bộ máy để tối ưu hóa hoạt động giám sát và quản trị rủi ro, đảm bảo đạo đức kinh doanh để tạo niềm tin cho thị trường, chính là nền tảng trong việc cạnh tranh thu hút vốn trên thị trường vốn quốc tế, từ đó có thêm tiềm lực để tái cơ cấu hệ thống tài chính.

TTC đã ban hành nhiều bộ quy chế như quy chế nội bộ về quản trị công ty, quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo với những quy định rõ ràng, cụ thể nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ. Ngoài ra, bộ quy tắc ứng xử hướng dẫn hơn 4.000 cán bộ nhân viên tuân thủ và cam kết về đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về nhiệm vụ và trách nhiệm của từng thành viên.

Bên cạnh việc chú trọng xây dựng hoạt động quản trị công ty vì một nền tảng bền vững, chắc chắn cho những định hướng lâu dài, các tiêu chuẩn phi tài chính khác liên quan đến quản trị như chuẩn mực về công bố thông tin, các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững theo Liên Hợp Quốc đều được hướng tới với mục tiêu đồng hành cùng phát triển cộng đồng xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu chung “Doanh nghiệp là trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".

TTC cũng đặc biệt quan tâm và coi các hoạt động quản trị rủi ro, coi đó là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững, ổn định. Ngày 16/5/2018, SBT đã chính thức ban hành quyết định về quy trình quản trị rủi ro dựa trên những thông lệ quốc tế để kịp thời nhận diện rủi ro và khai thác các cơ hội, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, phân định trách nhiệm rõ ràng nhằm hướng dẫn việc quản trị rủi ro một cách phù hợp và toàn diện, các thủ tục giúp cung cấp thông tin về cách xác định, phân tích, đánh giá và xử lý rủi ro.

Không dừng tại đó, để tăng cường quản trị rủi ro tốt hơn, từ tháng 9/2019 SBT cũng đã tiến hành các công việc để chuẩn hóa nền tảng quản trị doanh nghiệp với mục tiêu đồng nhất các hoạt động quản trị rủi ro doanh nghiệp trên toàn hệ thống, song song với việc tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp cho toàn thể cán bộ nhân viên, và đang từng bước hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức thực hiện quản trị rủi ro doanh nghiệp dựa trên nền tảng “3 vòng bảo vệ” theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này…

Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, những nỗ lực trong việc tái cơ cấu đầy tham vọng bằng các bước đi chiến lược hướng đến phát triển bền vững, tích cực hoàn thiện năng lực quản trị, hoàn thiện các cam kết liên quan đến môi trường - xã hội, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các nhà đầu tư quốc tế khi quyết định rót vốn, TTC đã và đang góp phần mang lại triển vọng lớn cho ngành đường và ngành năng lượng sạch của Việt Nam trong dài hạn.