Tương lai cho người thu gom phế liệu

08:57, 08/03/2024

Những lao động thu gom phế liệu, đa phần là phụ nữ, đang đóng góp tích cực cho bức tranh quản lý chất thải rắn hướng đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, chính họ cũng là đối tượng có thể bị tổn thương bởi chưa được quan tâm đúng mức khi thiết kế chính sách kinh tế tuần hoàn.

Từ Việt Nam

Chúng tôi bắt gặp bà Lan khi bà đang dùng đôi tay trần để moi ra những chai, lọ nhựa có thể tái chế từ một thùng rác trên đường phố TP.HCM. Bà Lan cho biết, hai vợ chồng bà làm công việc thu lượm đồng nát, ve chai để mưu sinh suốt khoảng chục năm nay, để đổi lấy mức thu nhập ít ỏi.

Chị Hiền, người gốc Bắc, vào Nam hành nghề ve chai cũng đã được hơn chục năm. Có lẽ vì sức trẻ, chị Hiền có thu nhập cao hơn so với bà Lan, chừng 6 triệu đồng mỗi tháng nhưng có lẽ vẫn là quá ít cho một cuộc sống ổn định ở Sài Gòn hoa lệ.

Bà Lan, chị Hiền chỉ là hai trong số hàng triệu lao động đồng nát, ve chai trên khắp đất nước, tập trung ở các thành phố, đô thị lớn. Đa phần họ là những người phụ nữ, nhiều lứa tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, bị dòng đời xô đẩy nên chọn nghề nhặt nhạnh những thứ bị người đời bỏ đi, đem về bán lại lấy thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Nghề đồng nát, ve chai đã tồn tại ở Việt Nam hàng chục, hoặc thậm chí là hàng trăm năm, trở thành mắt xích quan trọng trong dòng chảy phế liệu tại Việt Nam. Những người đồng nát, ve chai giúp cho nhôm, đồng, sắt, nhựa hay nhiều loại phế liệu khác, thay vì kết thúc vòng đời ở lò đốt, bãi chôn lấp, thì được đưa về các làng nghề để tái chế ra các sản phẩm, tiếp tục được phân phối, lưu thông ra thị trường.

Tương lai cho người thu gom phế liệu
Bà Lan dùng đôi tay trần để nhặt nhạnh những phế liệu có thể bán được từ thùng rác. Ảnh: VZWA

Nhìn ra thế giới

Người thu gom rác trong khu vực phi chính thức không phải là hình ảnh đặc trưng của riêng Việt Nam. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia, nhóm lao động này đóng vai trò rất quan trọng trong bức tranh quản lý chất thải rắn, khi hệ thống thu gom, phân loại, xử lý rác thải chưa được kiện toàn.

Theo ước tính, có khoảng bốn đến năm triệu người nhặt rác phi chính thức tại đất nước Ấn Độ, trong đó, gần 80% là phụ nữ. Họ có mức thu nhập rất thấp dù phải làm việc trong điều kiện vất vả, độc hại. 

Hay tại Philippines, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 100 nghìn người làm việc trong khu vực rác thải phi chính thức. WB nhận định, lực lượng này thuộc nhóm “người nghèo nhất trong số những người nghèo”, bao gồm những người không có điều kiện đi học, không có kỹ năng, người già, phụ nữ, người khuyết tật và lao động di cư. 

Nguy cơ

Người thu gom phế liệu phải làm việc vất vả trong điều kiện ô nhiễm, độc hại. Nhiều trong số họ, như bà Lan mà tôi đề cập đến ở đầu bài viết, sử dụng đôi tay trần để nhặt rác, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm bệnh, tai nạn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Vất vả là vậy nhưng họ lại có mức thu nhập thấp và bấp bênh. Thu nhập của người đồng nát, ve chai phụ thuộc nhiều vào giá bán phế liệu. Trong những giai đoạn khi giá vật liệu nguyên sinh hạ thấp, vật liệu thứ cấp khó bán được hàng, người đồng nát, ve chai cũng phải chấp nhận giảm đáng kể thu nhập.

Một điểm nữa là những lao động này mang tính phi chính thức, không được hưởng các quyền lợi về an sinh, xã hội như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay trợ cấp thất nghiệp. Thu nhập thấp, lại không được hệ thống an sinh bảo vệ, chẳng may gặp lúc ốm đau, có lẽ họ chỉ biết than trời.

Gần đây, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, ban hành và áp dụng khung pháp lý hướng tới thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các nước đang phát triển khác cũng đang có những chính sách tương tự.

Đây là một tín hiệu tốt bởi kinh tế tuần hoàn là mô hình tối ưu hướng tới phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, người nhặt rác trong khu vực phi chính thức chủ yếu vẫn nằm ngoài những thiết kế chính sách.

Người nhặt rác trong khu vực phi chính thức chủ yếu vẫn nằm ngoài những thiết kế chính sách.

Điều này tiềm ẩn những nguy cơ lớn. Lấy ví dụ như đối với chính sách phân loại rác tại nguồn được Việt Nam áp dụng bắt buộc kể từ năm 2025, sẽ tách riêng phần rác tái chế, rác hữu cơ ra khỏi những loại rác thải khác.

Như vậy, một vấn đề đặt ra là đơn vị, tổ chức hay lực lượng nào sẽ đảm nhiệm việc thu gom phần rác tái chế đã được phân loại? Nếu đó là một doanh nghiệp hay một đơn vị công lập, những người lao động đồng nát, ve chai sẽ ra sao?

Kịch bản tốt là những người nhặt rác phi chính thức sẽ được các đơn vị, doanh nghiệp đưa vào hệ thống để trở thành lao động chính thức, được hưởng đầy đủ quyền lợi, chế độ. Tuy nhiên, phần nhiều trong số họ đã đến tuổi trung niên hoặc lão niên, không còn sức trẻ như thanh niên nên không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển.

Một công cụ chính sách được đánh giá cao khác là trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế đối với phần rác thải phát sinh từ sản phẩm do doanh nghiệp đó sản xuất hoặc nhập khẩu.

Khu vực phi chính thức không được đề cập tới trong công cụ này. Hiện nay, một số doanh nghiệp và đơn vị tái chế có tổ chức hoạt động hỗ trợ người thu gom ve chai, đồng nát để thực thi hiệu quả EPR hơn nhưng khó có thể thể hỗ trợ hết cho một lực lượng lên đến hàng triệu người.

Giải pháp

Tại Ấn Độ, Liên minh người nhặt rác quốc gia (AIW) đã được thành lập cách đây hàng thập kỷ, là tổ chức đại diện cho hơn 100 nghìn lao động thu lượm phế liệu trên khắp đất nước Nam Á này.

Liên minh này đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người nhặt rác, từ việc phát thẻ cho mỗi người để tiện thu gom ở các hộ gia đình, phân phát đồ bảo hộ lao động, cung cấp học phí cho con em, cho đến đề xuất các chính sách quản lý chất thải quốc gia.

Tại Philippines, bên cạnh Hiệp hội Công nhân xử lý chất thải quốc gia (National Waste Worker Association, nhiều nơi đã thành lập hiệp hội người nhặt rác cấp thành phố. Hàng năm, một số tổ chức phi chính phủ phối hợp với các hiệp hội này triển khai các hoạt động tôn vinh người nhặt rác cũng như tham gia vận động chính sách, đòi hỏi quyền lợi cơ bản cho nhóm lao động này.

Các giải pháp tương tự cũng đang manh nha tại Việt Nam, tiêu biểu như hệ sinh thái tuần hoàn XanhNét của anh Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty CP VietCycle. Anh Vượng gọi người đồng nát, ve chai là những “chiến binh xanh”, đưa họ vào hệ thống để được cung cấp thông tin, được hỗ trợ về vật chất và đóng bảo hiểm y tế, xã hội.

Thành lập những tổ chức như vậy sẽ giúp tạo ra tiếng nói đủ lớn, đủ mạnh để các nhà hoạch định chính sách phải lưu tâm. Xa hơn nữa, tiếng nói có thể được gửi đến các thảo luận toàn cầu, hướng tới mục tiêu “chuyển đổi công bằng”, tức là không để ai bị tổn thương, bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về dài hạn, có thể tiến đến công nhận việc thu gom rác là một nghề chính thức, được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động.

Về phần mình, tôi mong các tỉnh thực hiện nghiêm chính sách phân loại rác tại nguồn như trong luật đã quy định, đồng thời đầu tư để chuẩn hóa hệ thống thu gom chất thải và tích hợp sự tham gia của khu vực phi chính thức vào hệ thống. Về dài hạn, có thể tiến đến công nhận việc thu gom rác là một nghề chính thức, được hưởng các quyền lợi cơ bản của người lao động.

Còn trong ngắn hạn, cần rất nhiều sự chung tay từ phía chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan để đưa ra nhiều chương trình, sáng kiến như hỗ trợ bảo hiểm y tế, ổn định giá cả phế liệu, hỗ trợ phương tiện thu gom, đồ bảo hộ lao động hay cấp học bổng cho con em của những hộ nghèo trong lực lượng thu gom phế liệu.

Tôi đánh giá rất cao những sáng kiến của một số doanh nghiệp như VietCycle, Coca Cola, Evergreen Labs… thời gian qua khi đã hình thành được mạng lưới ve chai/đồng nát ở một số thành phố. Hy vọng sẽ có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục triển khai hoạt động tương tự để hỗ trợ cho những người hùng môi trường thầm lặng này.

Sau cùng, nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, xin chúc các chị, các cô đang hành nghề đồng nát, ve chai luôn mạnh khỏe, may mắn, luôn là những tấm gương, luôn giữ vững niềm tin và niềm tự hào về công việc cao quý của mình!

Bài viết thể hiện quan điểm của bà Quách Thị Xuân, Trưởng đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE), Điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA).