Ứng dụng gọi xe của Phương Trang tốt, nhưng liệu có đủ lực cho cuộc đua giá cước?

Việt Hưng - 11:26, 03/04/2018

TheLEADER"Người Việt quan tâm nhiều nhất về giá. Nếu VATO cạnh tranh được về giá trong đường dài, thì mới có cửa thắng", ông Trần Anh Dũng - CEO MOG đánh giá về ứng dụng VATO - nhận đầu tư 2.200 tỷ đồng từ Phương Trang.

Trước làn sóng công nghệ mà Uber và Grab đưa vào Việt Nam, Phương Trang mới đây đã quyết định chi ra 2.200 tỷ đồng cho một hệ sinh thái tương lai. Đó là việc mua lại ứng dụng gọi xe Vivu và đổi tên thành VATO.

Ban đầu, dự kiến VATO sẽ ra mắt vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, việc Uber Đông Nam Á bị Grab thâu tóm và nhanh chóng rút lui khỏi thị trường Việt Nam - khiến VATO quyết định ra mắt sớm hơn 1 tháng.

Ngay sau khi thông tin hợp tác với Phương Trang được công bố, VATO đã nhận được sự quan tâm đông đảo từ người dùng trong nước. Tính cho đến thời điểm hiện tại, VATO đã có hơn 50.000 lượt tải về từ kho ứng dụng Play Store của Google.

Đánh giá về ứng dụng VATO, ông Trần Anh Dũng - CEO MOG cho biết: "Ban đầu khi nghe tên và số tiền đầu tư vào VATO, tôi thấy đây là con số rất khó tin".

Thế nhưng, khi tải về và trải nghiệm thử, ông Dũng đánh giá: "Có vẻ tôi sai! Tôi thực sự bất ngờ khi cài ứng dụng của VATO, nó thực sự được làm vô cùng tốt (ít nhất ở trải nghiệm ban đầu)".

Theo ông Dũng, VATO của nhà sáng lập Trần Thành Nam có lợi thế của người đi sau, đó là học hỏi kinh nghiệm, cũng như khai thác được triệt để các điểm hay của ứng dụng Uber trước đây:

"Mới dùng qua ứng dụng, tôi đánh giá nhóm phát triển sản phẩm VATO thực sự không phải tay mơ, mà thực sự có đủ tâm và tầm. Giao diện thân thiện, dễ nhìn, dễ sử dụng là một điểm cộng".

Ứng dụng VATO nhận đầu tư 2.200 tỷ đồng từ Phương Trang: Mới chưa chắc đã mơ
Giao diện của ứng dụng gọi xe VATO - nhận đầu tư 2.200 tỷ đồng từ Phương Trang

CEO MOG cho rằng, việc VATO học hỏi cái hay từ những "tay chơi lớn" chẳng có gì đáng xấu hổ. Minh chứng là nhìn từ sự thành công của Zalo - một sản phẩm mang trí tuệ Việt đã đánh bật các đối thủ đến từ thị trường nước ngoài.

Ông Trần Anh Dũng tin tưởng, những ai hiểu được việc làm sản phẩm phải tỉ mỉ và chi tiết đến mức hoàn hảo như vậy thì mới hi vọng cạnh tranh được với các tay chơi lớn trên thị trường.

"Bước đầu như vậy là ổn. Ứng dụng được làm tỉ mỉ, từ việc rất nhỏ như tìm địa chỉ đích, đến việc địa chỉ lịch sử được lưu lại ngay trong list gợi ý tìm kiếm, điều hướng khoa học, biểu tượng gợi hiểu biết, hiệu ứng mượt mà", ông Dũng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào các tính năng bên trong của ứng dụng VATO, CEO MOG cũng đã đặt ra không ít câu hỏi:

"Không biết khả năng mở rộng của VATO trong tương lai sẽ thế nào? Và cũng chưa biết hệ thống vận hành có được thiết kế thông minh tương tự các tay chơi lớn không? Cũng không biết hệ thống điều hướng có được như Uber, Grab không? Cũng không biết VATO có đủ tiền để đi đường trường không?".

Ông Dũng cho rằng, mặc dù ứng dụng rất tốt nhưng cần nhiều yếu tố để có thể tham gia "cuộc chiến" trước mắt. Theo ông, đây là lúc VATO cần bung sức và tận dụng cơ hội các tài xế Uber đang cần một bến đỗ mới, nhất là sau khi Uber Đông Nam Á về tay Grab.

Điều quan trọng theo ông Dũng là cuộc chiến ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam sẽ còn cần rất nhiều tiền, mà cụ thể là "cuộc chiến" về giá:

"Người Việt quan tâm nhiều nhất về giá. Nếu VATO cạnh tranh được về giá trong đường dài, thì mới có cửa thắng. Còn ứng dụng gọi xe hiện tại theo tôi chỉ là cảm nhận ban đầu. Muốn tiến xa, VATO cần sự ổn định, mở rộng được, vận hành tự động tốt và hơn hết là cần tiền để trợ giá".

Vì thế, ứng dụng tốt chỉ đóng vai trò gia tăng lợi thế cạnh tranh ở quy mô và tốc độ. "6 tháng nữa là khoảng thời gian đủ để VATO có được câu trả lời", CEO này đưa ra dự đoán.

Ứng dụng VATO nhận đầu tư 2.200 tỷ đồng từ Phương Trang: Mới chưa chắc đã mơ 1
VATO trước đây là ứng dụng gọi xe Vivu, do ông Trần Thành Nam sáng lập

Đầu tư vào công nghệ được xem là khoản đầu tư mạo hiểm bởi công nghệ thành công có thể làm thay đổi hoàn toàn một ngành, nhưng lại có nhược điểm là chi phí lớn, thời gian đầu tư dài và tỉ lệ thất bại cao. Uber, startup được rót hàng chục tỷ USD, cũng không tránh khỏi thất bại khi gia nhập nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, việc một doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đầu tư một khoản tiền lớn cho công nghệ được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp Việt đang dần bắt kịp với những xu thế toàn cầu.

Trước mắt thị trường ứng dụng gọi xe chắc chắn sẽ trở nên hấp dẫn hơn với sự gia nhập của tân binh VATO. Để thu hút người dùng lẫn tài xế, VATO đang chuẩn bị nguồn lực để khuyến mãi. Dự kiến, năm đầu tiên startup này sẽ cần khoảng 100 tỷ đồng.

Giá cước của VATO hiện ở mức 8.500 đồng/km, tương tự như GrabCar nhưng phần chiết khẩu là 20%, thấp hơn mức 25% của Grab hiện tại. Hiện ứng dụng mới có khoảng 2.000 xe đăng ký và hoạt động chỉ khoảng 500 xe.

"Nếu có thể tạo ra ứng dụng đủ tốt, tôi mong người Việt sẽ ủng hộ sản phẩm Việt, do người Việt làm ra", nhà sáng lập Trần Thành Nam từng chia sẻ.