Ứng dụng gọi xe tìm cách giữ chân tài xế

Việt Hưng - 20:30, 19/06/2022

TheLEADERTrong bối cảnh giá xăng liên tục tăng cao, các hãng gọi xe đã bắt đầu áp dụng một hoặc cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ tài xế.

Những ngày qua, tình trạng người tiêu dùng khó đặt xe qua các ứng dụng gọi xe tại các thành phố lớn ở Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Bắt nguồn từ việc giá xăng tăng cao, nhiều tài xế cho biết thu nhập của họ bị giảm đáng kể.

Điều này dẫn tới nhiều tài xế chủ động tắt ứng dụng, hoặc tạm nghỉ việc, vì cho rằng càng chạy thì tài xế càng lỗ. Họ chờ đợi thêm hỗ trợ từ phía ứng dụng gọi xe để phần nào bù đắp được giá xăng tăng.

Trong bối cảnh đó, các hãng gọi xe đã bắt đầu áp dụng một hoặc cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ tài xế.

Tại Việt Nam, Grab tuyên bố sử dụng 6,3 tỉ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ tài xế trên cả nước. Từ nay đến ngày 10-7, Grab sẽ tặng phiếu xăng miễn phí và hỗ trợ gói bảo hiểm PTI trong mục GrabBenefits.

Bên cạnh đó, Grab hợp tác cùng Saigon Petro ưu đãi giảm giá thay nhớt không giới hạn cho toàn bộ đối tác tài xế tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hòa...

Ứng dụng gọi xe tìm cách giữ chân tài xế
Ứng dụng gọi xe tìm cách giữ chân tài xế

Về phía Be Group, ứng dụng này quyết định giảm chiết khấu với các tài xế thân thiết chạy dịch vụ BeCar từ tháng 3. Đến hiện tại, hãng tiếp tục duy trì giữ mức giảm chiết khấu 10% tại TP. HCM, Bình Dương và Đồng Nai đến khi có thông báo mới.

Trong khi đó, đại diện Gojek cho biết, hãng đang áp dụng chương trình tăng doanh thu thêm tối đa 7% cho tài xế, dựa trên hiệu suất chạy của tài xế trong 1 tuần. Đồng thời, hãng này hỗ trợ chi phí xăng dầu cho các đối tác tài xế có hiệu suất hoạt động tốt là một trong những gói phúc lợi thuộc chương trình GoCaptain của Gojek, nhằm hỗ trợ tài xế an tâm hơn khi hoạt động.

Đại diện Gojek cho biết, tổng số lượng đối tác tài xế hoạt động trên nền tảng Gojek tăng gần 10% trong tháng 5 - đà tăng này được duy trì trong suốt thời gian kể từ sau Tết. 

Về phía người dùng, Gojek cũng ghi nhận nhu cầu đi lại và đặt đồ ăn trực tuyến của người dùng từ sau Tết đến nay liên tục tăng, đặc biệt sau khi Hà Nội và TP. HCM mở cửa các hoạt động kinh doanh và hành chính trong giai đoạn bình thường mới.

Tính riêng số lượng đơn hàng hoàn thành trên Gojek, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi tháng của từng dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, giao nhận hàng hóa đều ở mức 2 con số.

"Lượng nhu cầu của khách hàng tăng cao đột biến vào một số khung giờ nhất định không tránh khỏi dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu cục bộ, chưa kể sự mất cân bằng cung - cầu tại những điểm nóng về giao thông, hoặc trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi. Tổng hợp yếu tố xăng tăng giá và mất cân bằng cung cầu cục bộ, Gojek thời gian qua đã liên tục đưa ra các điều chỉnh trong chính sách giá và chính sách ưu đãi và tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ đối tác tài xế, nhằm đảm bảo thu nhập cho các tài xế, đồng thời ổn định nguồn cung để phục vụ người tiêu dùng", đại diện Gojek chia sẻ.