Vai trò của ngân hàng bị thu hẹp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tuệ Minh - 10:21, 23/03/2022

TheLEADERSự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Một báo cáo phân tích thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2021 của SSI Research cho thấy, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,3% tổng lượng TPDN phát hànhvà tăng 73% so với năm 2020.

Đến cuối năm ngoái, tổng trái phiếu các ngân hàng đang lưu hành khoảng 540 nghìn tỷ đồng, chiếm 39% quy mô thị trườngTPDN – thấp hơn rất nhiều so với mức 48% tại cuối năm 2018. 

Tỷ trọng trái phiếu ngân hàng giảm do quy mô thị trường TPDN phi ngân hàng đang tăng nhanh, ước khoảng 854 nghìn tỷ đồng tạicuối 2021- gấp 3,4 lần cuối 2018. Trong đó, riêng các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tộng cộng 318,2 nghìn tỷ trong năm 2021

Không chỉ suy giảm trong vai trò nhà phát hành trái phiếu, vai trò nhà đầu tư (người mua) trái phiếu của các ngân hàng cũng đang bị thu hẹp. 

Trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373 nghìn tỷđồng – chiếm 52% tổng TPDN phát hành năm 2021. Trong đó, 2 nhóm nhà đầu tư này mua 154 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng phát hành và 153 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS phát hành.

Xét riêng các TPDN phi ngân hàng, dù số dư trái phiếu mà các ngân hàng thương mại nắm giữ vẫn tăng lên nhưng tốc độ tăng thấphơn nhiều quy mô thị trường trái phiếu nên tỷ trọng TPDN nắm giữ bởi các ngân hàng liên tục giảm từ 71% (2018) xuống25% (2021).

Báo cáo của SSI Research dự báo vai trò của các ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới. Nguyên nhân được cho là đến từ Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã chính thức có hiệu lực từ 15/1.

Trong đó, một số quy định siết chặt hơn như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán hoặc) trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.

"Theo định hướng, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn", báo cáo của SSI Research nêu.

Đồng tình, giới phân tích cho rằng, ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro như: lượng tiền gửi giảm mạnh, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, bị cạnh tranh dịch vụ bởi các công ty Fintech… Đặc biệt, rủi ro liên quan đến TPDN bất động sản cũng đang hiện hữu.

"Sự thu hẹp vai trò của các ngân hàng ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng",  SSI Reseach nhận định tích cực về xu hướng này của thị trường trái phiếu.

Ngoài thông tư 16, sắp tới, thị trường TPDN sẽ được điều chỉnh bởi hàng loạt sự thay đổi trong quy định pháp lý.

Cụ thể, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi, hủy bỏ giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán… để phát triển thị trường thứ cấp; dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.

Các yêu cầu được bổ sung bao gồm: doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

Cùng với đó, yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh thanh toán, doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh của năm liên trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.

"Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp. Ngoài ra việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3-5 năm) cũng có thể khiến doanh nghiệp phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này", chuyên gia phân tích của SSI nêu góc nhìn.