Việt Nam chưa có công trình xây dựng ‘net zero’

Phạm Sơn - 09:36, 17/10/2022

TheLEADERTính đến hiện nay, Việt Nam chưa có công trình xây dựng nào được thiết kế, xây dựng và vận hành đạt tiêu chuẩn phát thải ròng bằng không.

Việt Nam chưa có công trình xây dựng ‘net zero’
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam

Đây là một trong những thiếu sót lớn, bởi theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, để thực hiện cam kết tại COP26 của Chính phủ là đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050, cần xuất phát từ những “tế bào nhỏ nhất”, đó là từng viên gạch, từng tòa nhà, từng nhà máy, từng doanh nghiệp.

Trong phạm vi các lĩnh vực chịu trách nhiệm của Bộ Xây dựng, có đến 74,3 triệu tấn khí thải carbon cần được cắt giảm để hướng đến cam kết phát thải ròng bằng không. Thứ trưởng cho biết, giải pháp trọng tâm cho nhiệm vụ này là thúc đẩy phát triển các công trình xanh. Tuy nhiên, với thực trạng nói trên, áp lực chuyển đổi cho ngành xây dựng là rất lớn.

Trao đổi với lãnh đạo Bộ Xây dựng, tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam, các chuyên gia cho biết, áp lực về suất đầu tư ban đầu là nỗi lo lắng chính của các nhà đầu tư trước lựa chọn xu hướng công trình xanh.

Nói về nỗi lo này này, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Quản lý Chương trình công trình xanh Việt Nam của IFC, cho biết, trên thực tế, các suất đầu tư cho công trình xanh thường không vượt quá 3% tổng mức đầu tư thông thường. Điều đó có nghĩa là chỉ sau một thời gian ngắn, chừng 2 – 3 năm vận hành là nhà đầu tư có thể thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, với xu thế phát triển bền vững như hiện nay, nhà đầu tư nếu có ý định xây dựng công trình xanh, có thể tiếp cận với các nguồn vốn phát triển nước ngoài. Một số tổ chức tài chính, tổ chức phát triển hiện tại đã cung cấp vốn vay xanh ưu đãi tại Việt Nam, ví dụ như ngân hàng HSBC, IFC…

Mặt khác, để giải tỏa nỗi lo cho nhà đầu tư, Nhà nước cũng có thể vào cuộc trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xanh. Theo bà Diệp, một số quốc gia trên thế giới đã có những chính sách rất hiệu quả, đơn cử như miễn thuế VAT, ưu đãi lãi suất…

Tuy nhiên, nguồn vốn không phải là yếu tố duy nhất để phát triển công trình xanh. Theo ông Đào Xuân Lai, Chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), để thúc đẩy xây dựng những công trình xanh, ít phát thải, khu vực công cần phải đóng vai trò dẫn dắt.

Vai trò này trong thời gian qua chưa thực sự được phát huy. Thông tin do ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, cung cấp, Việt Nam có khoảng 233 công trình xanh được chứng nhận, trong đó chỉ có 5 công trình thuộc nhóm đầu tư công. Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đến năm 2022 cũng mới chỉ có 1 công trình được chứng nhận “tạm thời” đạt tiêu chuẩn công trình xanh.

Một giải pháp khác để phát triển công trình xanh được các chuyên gia đưa ra là hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm không chỉ những chính sách khuyến khích mà còn cả những quy định mang tính ràng buộc trách nhiệm đối với chủ đầu tư của các dự án.