Việt Nam tăng trưởng GDP cao nhất Đông Nam Á dù Covid-19

Hoài An - 15:40, 03/04/2020

TheLEADERDo cú sốc về cung và cầu gây ra bởi Covid-19, Ngân hàng phát triển châu Á nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% trong năm nay và 6,8% trong năm 2021.

Việt Nam tăng trưởng GDP cao nhất Đông Nam Á dù Covid-19
ADB nhận định Việt Nam vẫn duy trì các nền tảng kinh tế ổn định. Ảnh: ILO

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020) mới nhất đánh giá kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do Covid-19, về cả phía cung và cầu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại vào năm 2020, xuống mức 4,8%. Nếu đại dịch được khống chế trong nửa đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi ở mức 6,8% vào năm sau. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020.

Lạm phát bình quân 2020 dự kiến ở mức 3,3% và tăng lên 3,5% vào năm sau. Nếu dịch Covid-19 diễn ra tệ hơn so với dự báo và đặc biệt, nếu giá thịt lợn tăng cao, áp lực lạm phát sẽ gia tăng.

Ngân hàng thế giới (World Bank) trong ấn phẩm cập nhật mới đây cho rằng Việt Nam tăng trưởng mức 4,9% trong năm nay, giảm 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Theo kịch bản tình huống thấp hơn với giả sử dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn mức 1,5%, thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Trong trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ quay lại lên đến 7,5% trong năm 2021 và hội tụ quanh mức khoảng 6,5% năm 2022 nhờ sức cầu bên ngoài được cải thiện, ngành dịch vụ được củng cố và sản xuất nông nghiệp dần được khôi phục.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết: “Dù các hoạt động kinh tế giảm sút và những rủi ro do đại dịch vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á”.

Với dự báo tăng trưởng 4,8%, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á năm 2020, theo sau là Myanmar, Lào. Thái Lan thậm chí còn tăng trưởng âm ở mức 4,8%.

ADB nhận định Việt Nam vẫn duy trì các nền tảng kinh tế ổn định với động lực thúc đẩy tăng trưởng là tầng lớp trung lưu gia tăng và khu vực tư nhân năng động vẫn còn mạnh mẽ.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chi tiêu công đã tăng mạnh trong hai tháng đầu năm nhằm xoa dịu các ảnh hưởng của dịch bệnh. Số lượng lớn hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia cùng sự trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy hồi phục kinh tế.

Tuy nhiên, ADB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chính sách nhằm hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. “Hành lang pháp lý thuận lợi cho phép ươm tạo, nuôi dưỡng và áp dụng fintech sẽ giúp Việt Nam phát triển các dịch vụ tài chính theo cả chiều sâu và chiều rộng”, báo cáo nhận định.