Vietcombank ‘đi trước một bước’ trong cuộc chiến với Covid-19

Trần Anh - 14:16, 22/04/2020

TheLEADERTrước tác động của dịch Covid-19, Vietcombank đã có những động thái phòng thủ sớm, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh trong quý 1, nhưng tạo ra nhiều dư địa phát triển của ngân hàng trong các quý tiếp theo.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 5.333 tỷ đồng, giảm 661 tỷ đồng (tương đương 11,24%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Vietcombank giảm chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh trong khi thu từ lãi, thu từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng thấp hơn.

Cụ thể, trong quý 1/2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ tăng 6,29% so với cùng kỳ, đạt 9.034 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,43%, đạt 1.127 tỷ, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh hơn (tăng 19%), đạt 1.107 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh khác cũng giảm 11%, chỉ có lãi 1.039 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro trong quý 1 đã tăng 647 tỷ đồng, tương ứng tăng tới 43% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 2.135 tỷ đồng.

Vietcombank cho biết, dự phòng rủi ro tín dụng tăng một phần do dư nợ tín dụng tăng, nhưng chủ yếu là do ngân hàng tăng trích lập dự phòng để đảm bảo khả năng phòng thủ trước những rủi ro biến động thị trường thời gian qua và trong thời gian sắp tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nợ xấu của Vietcombank cuối tháng 3 ở mức 6.191 tỷ đồng, tăng 387 tỷ so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 0,79% lên 0,82%, vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn tới kinh tế, Vietcombank đưa ra nhiều bước đi mang tính phòng thủ sớm. Đặc biệt, ngân hàng cũng nâng mức dự phòng rủi ro cho vay khách hàng lên hơn 14.548 tỷ đồng, tương ứng nâng tỷ lệ phủ nợ xấu lên 235%, cao hơn rất nhiều so với mức 180% cùng kỳ năm 2019.

Để tiết kiệm chi phí, ngân hàng đã giảm thu nhập bình quân của nhân viên khoảng 9% so với cùng kỳ và giảm trích khen thưởng phúc lợi xấp xỉ 40%. Mặc dù vậy, chi phí quản lý công vụ của ngân hàng cũng tăng mạnh 26%, lên 2.028 tỷ đồng quý vừa qua.

Thu nhập góp vốn cổ phần của Vietcombank cũng chỉ đứng ở mức 31 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 1/2019 do khoản thu đột biến từ hoạt động thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm nhân thọ cho FWD chưa được ghi nhận trong quý 1 như dự tính. Ngân hàng cũng chưa ghi nhận thu nhập từ thương vụ hợp tác với FWD trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 1,14 triệu tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm, chủ yếu do ngân hàng giảm mạnh gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác từ 190 nghìn tỷ xuống còn hơn 124 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank chỉ tăng 0,6% lên 934.048 tỷ đồng. CASA của ngân hàng sụt giảm nhẹ từ mức 30,7% xuống khoảng 29,4%.