Vốn đầu tư đổ vào startup Việt bất chấp Covid-19

Việt Hưng - 13:04, 17/01/2022

TheLEADERNguồn vốn chủ yếu đổ vào các lĩnh vực chủ chốt như: fintech, game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử... Trong đó, fintech là lĩnh vực dẫn đầu về tổng giá trị thương vụ, với 2 thương vụ trị giá hơn 100 triệu USD.

Theo báo cáo của quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans Việt Nam, vốn đầu tư đổ vào các công ty khởi nghiệp trong nước đã tăng gấp đôi so với cùng kì 2020, đạt giá trị 1,3 tỷ USD, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 3.800 startup, với 4 kỳ lân (startup có giá trị từ 1 tỷ USD), gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis, và 11 startup có trị giá trên 100 triệu USD, ví dụ như Tiki, Topica Edtech...

Nguồn vốn chủ yếu đổ vào các lĩnh vực chủ chốt như: fintech, game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử... Trong đó, fintech là lĩnh vực dẫn đầu về tổng giá trị thương vụ, với 2 thương vụ trị giá hơn 100 triệu USD.

Cụ thể, VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay - cũng đã công bố huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B hồi tháng 7/2021.

Tới tháng 12/2021, MoMo huy động thành công 200 triệu USD từ các quỹ ngoại gồm Mizuho (Nhật), Ward Ferry (Hồng Kông, Trung Quốc), Goodwater (Mỹ) Capital và Kora Management (Mỹ), với tổng giá trị ước tính lên đến 2 tỷ USD.

Vốn đầu tư đổ vào startup Việt bất chấp Covid-19
Vốn đầu tư đổ vào startup Việt bất chấp Covid-19

Sau fintech, thương mại điện tử là lĩnh vực hấp dẫn vốn thứ hai trong năm 2021. Tiki đóng góp lớn nhất với vòng gọi vốn Series E trị giá 258 triệu USD do AIA dẫn dắt.

Ngoài ra, các thương vụ lớn khác gây ấn tượng mạnh trên thị trường có thể kể đến là: Sky Mavis (152 triệu USD), Equest (100 triệu USD)... Thậm chí, một số startup như MoMo, Loship, Citics, Sky Mavis... còn gọi vốn thành công 2 lần trong năm ngoái.

Báo cáo cho biết, thị trường khởi nghiệp Việt Nam cũng là điểm đến ưa thích của 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư trong nước.

Các tên tuổi lớn và quỹ đang hoạt động trên thị trường bao gồm VSV Capital - Nextrans, Vietnam Silicon Valley (VSV), Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Do Ventures và Genesia Ventures.

Hiện các thương vụ gọi vốn thành công liên tiếp được các startup công bố, phần lớn vẫn là các vòng Pre-seed, Seed, Pre-series A và Series A với số tiền dao động từ 500.000 USD đến 3 triệu USD.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, theo kịp các quốc gia như Indonesia và Singapore, Nextrans Vietnam cho biết.

Với dân số trí thức trẻ, mức độ phủ sóng Internet và sử dụng điện thoại thông minh cao cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn của cả các nhà đầu tư và các công ty công nghệ.

Khi hoạt động đầu tư dần phục hồi, nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á sẽ xuất hiện vào cuối thập kỷ này, với số công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hàng năm trong khu vực dự kiến sẽ vượt qua con số 300, báo cáo cho biết.

Trong số đó, Việt Nam được coi là "ngôi sao" của khu vực và sẽ trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba Đông Nam Á vào năm 2022.