Vốn ngoại rút khỏi các thị trường chứng khoán khu vực đổ vào Việt Nam

Trần Anh - 16:17, 28/12/2018

TheLEADERTrong khi thị trường chứng khoán Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia đều ghi nhận hoạt động bán ròng của nhà đầu tư ngoại, thị trường Việt Nam vẫn cho thấy dấu hiệu tích cực

Năm 2018 là một năm khá đặc biệt với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi nhà đầu tư chứng kiến chỉ số VN Index lập đỉnh mới sau 10 năm rồi bất ngờ lao dốc trong thời gian ngắn sau đó.

Sau phiên giao dịch cuối năm, VN Index dừng chân ở mức 892 điểm, thấp hơn so với mốc 958 điểm của năm 2017. Sau giai đoạn tăng trưởng kéo dài từ năm 2016, những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu  và những thông tin không mấy tích cực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED hay căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động tâm lý khác lớn.

Dù phần lớn thời gian trong năm VN Index nằm trong xu hướng giảm điểm, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực, trong đó đáng kể nhất là việc các nhà đầu tư nước ngoài liên tục đổ tiền vào thị trường cổ phiếu.

Điều này diễn ra bất chấp làn sóng rút vốn của các quỹ đầu tư ra khỏi các thị trường mới nổi trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia hay Ấn Độ.

Cụ thể, thống kê các giao dịch khối ngoại tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy, từ đầu năm đến ngày 21/12/2018, khối ngoại đã mua ròng khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương gần 41.000 tỷ đồng. 

Trong khi đó, tại các quốc gia láng giềng của Việt Nam, năm 2018 ghi nhận làn sóng rút vốn rất mạnh của khối ngoại. Tại Thái Lan, khối ngoại đã bán ròng tới 8,8 tỷ USD trong năm qua; tại Philippines, con số này là 1 tỷ USD còn ở Malaysia là 2,8 tỷ USD theo dữ liệu từ Bloomberg.

Vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam dù rút khỏi các thị trường khu vực
Dòng vốn ngoại đồ vào Việt Nam trong khi rút khỏi các thị trường khu vực

Hoạt động mua ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đi cùng với những thương vụ IPO của những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đơn cử như thương vụ tỷ USD lớn nhất trong năm nay của Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes), thuộc tập đoàn Vingroup.

Ngay sau khi cổ phiếu VHM của Vinhomes chào sàn hôm 17/5, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi 1,35 tỷ USD để nắm giữ cổ phiếu VHM, tạo nên phiên giao dịch có trị giá trên 1 tỷ USD đầu tiên trong gần 20 năm phát triển của thị trường chứng khoán.

Kế đến là thương vụ bán hơn 164 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), tương đương 14% vốn điều lệ ngân hàng cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trị giá 922 triệu USD.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những cái tên năng nổ nhất trên TTCK Việt. Trong tháng 10, SK Group của Hàn Quốc đã chi 470 triệu USD mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần biểu quyết của tập đoàn này.

Những thương vụ quy mô lớn của khối ngoại giúp thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng được đánh giá cao hơn. FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 (secondary Emerging). 

Theo các công ty phân tích, việc được nâng hạng thị trường sẽ có những tác động khá mạnh đến TTCK ở một số điểm như ảnh hưởng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng ngắn hạn hoạt động mua đón đầu cơ cấu danh mục của các ETF mua theo chỉ số.