Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế

Nhật Hạ - 17:07, 13/02/2023

TheLEADERVùng đồng bằng sông Hồng sẽ thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị ngày 12/2 ở Quảng Ninh. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đang thực hiện các công việc như xây dựng, kiện toàn các hội đồng vùng và cơ chế hoạt động, cơ chế, chính sách, quy hoạch… để phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.

Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo. Đây là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Vùng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km.

Hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không và cảng biển) kết nối với 4 tuyến hành lang kinh tế liên vùng và quốc tế, tạo thuận lợi phát triển các loại hình dịch vụ, đặc biệt là logistics, là điểm trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh phía bắc. Trong đó, vùng biển có diện tích lớn có tiềm năng lớn phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và dịch vụ.

Vùng có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 23,22 triệu người (chiếm 23,65% dân số cả nước); là trung tâm hàng đầu cả nước về y tế, giáo dục - đào tạo; đội ngũ trí thức giỏi và lực lượng lao động có chất lượng cao.

Tiềm năng và lợi thế của vùng tuy lớn, nhưng đến nay, kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng. Các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu…

Bên cạnh một số điểm sáng như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng chiến lược và vấn đề liên kết, Thủ tướng lấy ví dụ, trước đây Nam Định có ưu thế phát triển hơn Hà Nam và Ninh Bình, nhưng hiện nay Hà Nam và Ninh Bình phát triển nhanh hơn, nguyên nhân quan trọng là hạ tầng giao thông kết nối của hai tỉnh này tốt hơn. Một ví dụ khác, khi Hải Phòng triển khai các công trình giao thông kết nối với Quảng Ninh và các tỉnh khác thì Hải Phòng phát triển bứt phá.

Bên cạnh đó, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường trong vùng còn bất cập; ô nhiễm môi trường còn nhiều vấn đề cần giải quyết…, Thủ tướng nhận định tại hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (nghị quyết 30) ngày 12/2.

Theo ông, việc phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều hạn chế là do chưa có chính sách đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ; tư duy, thể chế về liên kết chậm đổi mới; năng lực của một bộ phận cán bộ có mặt còn hạn chế, tính năng động, sáng tạo chưa cao…

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: "Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".

Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế
Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Do đó, ông đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Thứ nhất, các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; sớm hoàn thành Quy hoạch Vùng trong năm 2023.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường. Phân bố không gian công nghiệp hợp lý theo các hành lang kinh tế; hành lang công nghiệp, gắn với các cảng biển, các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với các vùng lân cận.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hình thành các cụm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng, trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng, các trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc độc đáo riêng có; gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.

Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics.

Thứ tư, về phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi đô thị dọc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.

Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.

Thứ năm, về phát triển khoa học công nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển khoa học công nghiệp.

Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao. Nghiên cứu xây dựng trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vùng. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng.

Thủ tướng lưu ý Bộ Khoa học và công nghệ khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội, đồng thời bộ phát huy vai trò kiến tạo để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao khác.

Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ đại học. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề. Phát triển thị trường lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động nội vùng, liên vùng.

Thứ bảy, Thủ tướng yêu cầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Đẩy mạnh liên kết trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải gắn với thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Hồng sẽ Trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước.

Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực".

Tầm nhìn đến năm 2045: "Đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững.

Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới".

Trên cơ sở đó, tại hội nghị ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Chương trình hành động của Chính phủ.

Theo đó xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%, đến năm 2030; GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành); GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp vùng phát triển đột phá, gồm: Các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không, đầu tư xây dựng mới cảng biển trong vùng; đồng thời đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.