Vượt khủng hoảng ở Sun World và Giấy Phùng Vĩnh Hưng

Quỳnh Chi - 09:25, 10/06/2020

TheLEADERLãnh đạo Sun World nhấn mạnh, nếu không dẫn dắt được thị trường, hãy đi cùng thị trường chứ đừng đi sau thị trường, trong đó, điều tiên quyết là phải nắm bắt xu thế.

Vượt khủng hoảng ở Sun World và Giấy Phùng Vĩnh Hưng
Sun World đã phải chủ động thay đổi rất nhanh trong mùa dịch

“Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, Sun World là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất” là chia sẻ của ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World tại một sự kiện về năng lực thích ứng linh hoạt trong thời đại số hóa do trường doanh nhân Dale Carnegie tổ chức. Theo ông Nam, ngành du lịch hiện biến đổi khá nhanh, đa số khách hàng tự tổ chức và sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ, thay vì liên lạc qua các công ty du lịch.

Do đó, nếu các công ty du lịch hay những doanh nghiệp kinh doanh vui chơi giải trí không dự đoán, thay đổi theo thị trường thì chắc chắn sẽ chậm chân hơn đối thủ, không đủ chủ động và không thích ứng kịp với sự thay đổi này, từ đó dẫn đến không tiếp cận được khách hàng cũng như gây mất kiểm soát. 

Lãnh đạo Sun World nhấn mạnh, nếu không dẫn dắt được thị trường, hãy đi cùng thị trường chứ đừng đi sau thị trường, trong đó, điều tiên quyết là phải nắm bắt xu thế.

Nói về chiến lược này, ông Nam chia sẻ, Sun Wold đã chủ động mở rộng thêm hoạt động tiếp thị trên các kênh mạng xã hội. Một kênh nữa là music marketing cũng có thể đem lại hiệu quả lớn. Đây là những xu thế mà ông Nam cho rằng phải nhìn liên tục, tạo ra định hướng mang tính áp lực cao với nhân viên để theo kịp xu thế.

Thích ứng linh hoạt mùa dịch ở Sun World và Giấy Phùng Vĩnh Hưng
Ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Sun World

Đáng chú ý, doanh nghiệp cần theo kịp xu thế về công nghệ, nếu không, sẽ bỏ qua một cơ hội đúng đắn để quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp phải để nhân viên tiếp xúc nhiều với công nghệ, để họ sẵn sàng, không bị choáng ngợp trong cuộc chiến liên quan đến công nghệ. Chuẩn bị sẵn sàng bao giờ cũng giúp doanh nghiệp có một tâm thế làm chủ hơn trước sự ập đến của mọi thay đổi.

Chiến lược khẩn thiết

Năng lực thích ứng linh hoạt như được thể hiện trong cách thức lãnh đạo Sun World đang làm dần trở nên đặc biệt quan trọng trong một thế giới VUCA đầy biến động, phức tạp, mơ hồ và không chắc chắn như hiện nay.

Ảnh hưởng sâu sắc của dịch Covid-19 là một dẫn chứng rõ nét cho những thay đổi bất ngờ, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang thống trị nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đang gặp phải một số vấn đề lớn như chuyển đổi đột ngột sang hình thức làm việc trực tuyến từ xa; lãnh đạo phải ra những quyết định khó khăn về sự tồn tại, định hướng phát triển và nhân sự; biến động trong cung và cầu; công nghệ và quy trình không đáp ứng yêu cầu của công việc; rủi ro về văn hóa, công ty, thương hiệu.

Về khách quan, hành vi khách hàng thay đổi theo hướng ngày càng “kỳ vọng” cao hơn, dữ liệu lớn cũng làm cho những sự thật ngầm hiểu trở nên rõ ràng hơn. Môi trường kinh doanh đang thay đổi từng ngày do tác động từ những nhân tố gây đột biến trên thị trường, luật lệ thay đổi, mong đợi của nhà đầu tư, cạnh tranh tìm kiếm nhân tài, công nghệ mới, đại dịch và thiên tai.

Trong bối cảnh đó, việc thay đổi thói quen tư duy, làm việc và tiêu dùng của con người và trên hết là năng lực thích ứng linh hoạt (agility) bắt đầu được nhìn nhận lại và trở thành chiến lược khẩn thiết. Khái niệm này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và thường bị nhầm lẫn hoặc đồng hóa với tính linh hoạt (flexibility)- khả năng, kỹ năng ứng biến hay thích nghi (ở thế bị động) trước những sự kiện, sự cố, sự thay đổi sẵn có hoặc đã xảy ra.

Năng lực thích ứng linh hoạt giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt, thậm chí dự đoán tốt hơn các khả năng xảy ra, từ đó có các bước xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp và tiết kiệm thời gian, chi phí nhất trong cả thời điểm hiện tại lẫn tương lai. Nhờ đó, sự phát triển bền vững cũng được đảm bảo, vững chắc hơn.

Thích ứng linh hoạt mùa dịch ở Sun World và Giấy Phùng Vĩnh Hưng 1
Bà Tô Mỹ Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng

Một số doanh nghiệp trước đây không có mô hình kinh doanh rõ ràng nhưng những vấn đề xảy ra xuất phát từ những ảnh hưởng của dịch bệnh đã thúc đẩy họ bước ra khỏi vùng an toàn về năng lực cốt lõi trước đây, xây dựng một năng lực mới hứa hẹn tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 

Hoặc một số công ty khác có nhiều cơ hội và điều kiện hơn, lại được những mối quan hệ xung quanh khơi gợi, định hướng và mở ra cho chính mình một năng lực cốt lõi mới.

Sau 20 năm kinh nghiệm dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại giấy, gần đây, Công ty CP giấy Phùng Vĩnh Hưng đã chủ động nắm bắt cơ hội để mở rộng mô hình kinh doanh sang cung ứng các sản phẩm thân thiện môi trường, an toàn thực phẩm và các sản phẩm liên quan đến đồ uống, thực phẩm.

"Trong giai đoạn Covid-19, mọi người thường xuyên đặt hàng những sản phẩm ăn uống, mua sắm trực tuyến. Điều đó làm cho đội ngũ công ty thấy mình nên ra khỏi vùng an toàn, cố gắng hơn nữa cho định hướng sắp tới", bà Tô Mỹ Châu, Tổng giám đốc Công ty CP Giấy Phùng Vĩnh Hưng chia sẻ.

Theo bà Châu, thách thức lớn nhất nằm ở chính bản thân bà và đội ngũ. Những ngày đầu khi chuyển sang mô hình giấy ứng dụng cho F&B (ly giấy, hộp giấy đựng thức ăn…), đội ngũ còn khá bỡ ngỡ, chưa tiến lên đã muốn thụt lùi. Vì vậy, bà đã xác định mình cần nhìn nhận đúng đắn về xu hướng sắp tới, đặt mình vào vị trí đó để ngày một đi lên.

Nhìn nhận trường hợp của Phùng Vĩnh Hưng, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam cho rằng, vấn đề nội tại mà lãnh đạo phải giải quyết được trước khi mong muốn khả năng thích ứng linh hoạt diễn ra trên toàn tổ chức là truyền sự tự tin và niềm tin cho đội ngũ.

Thích ứng linh hoạt mùa dịch ở Sun World và Giấy Phùng Vĩnh Hưng 2
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh, Chủ tịch Dale Carnegie Việt Nam

Còn với Dale Carnegie, bà Linh cho biết, thích ứng linh hoạt là năng lực giúp tổ chức, công ty tập hợp và hành động dựa trên thông tin, ra quyết định nhanh chóng, triển khai các thay đổi cần thiết để thích ứng với những yêu cầu phát sinh chóng mặt của khách hàng và môi trường kinh doanh. 

Ngay cả khi những công ty rất mong muốn thích ứng linh hoạt vì cơ hội đến từ khách hàng và môi trường kinh doanh rất nhiều, nhưng cũng gặp những rào cản từ phía nội bộ, từ phía hệ thống.

Bên cạnh tính chất “thức thời", năng lực thích ứng linh hoạt còn được xem là công cụ, phương pháp hữu ích giúp các doanh nghiệp theo sát được định hướng phát triển đã đề ra mà không phải thay đổi quá nhiều dù có gặp phải biến động.

Cụ thể, nhờ việc phân tích và dự đoán về tương lai, năng lực thích ứng linh hoạt giúp giúp các nhà lãnh đạo có khả năng định vị mục tiêu cuối cùng thay vì những mục tiêu ngắn hạn mang tính tương đối trước đây.

Mặt khác vì yêu cầu sự “cùng tiến", “đồng thuận" trong tập thể, năng lực thích ứng linh hoạt cũng đồng thời giúp doanh nghiệp trao quyền cho đội ngũ trở thành đại diện thúc đẩy trao đổi khi bản thân họ chính là những người có quyền đề xuất, góp ý điều chỉnh theo đúng phạm vi chuyên môn và ban ngành mình chịu trách nhiệm. Hoạt động này cũng đồng thời cho phép từng người nhìn nhận được giá trị trong những việc họ làm.

“Điều này sẽ giúp kiến tạo sự đồng nhất giữa các cấu trúc tổ chức và tính đặc thù của từng bộ phận”, bà Linh cho biết.

Cuối cùng, thay đổi sẽ đồng nghĩa với những cân nhắc hy sinh và loại bỏ, năng lực thích ứng - với khả năng đánh giá và dự đoán các kết quả sắp diễn ra, sẽ cung cấp, gợi ý các mô hình tốt nhất, sẵn sàng cho mọi sự đánh đổi cần thiết của tổ chức.