Nỗi giằng xé trong phục hồi du lịch Hội An mùa đại dịch

Đặng Hoa - 15:49, 08/06/2020

TheLEADERCác chuyên gia cho rằng đây là thời điểm vàng để tái thiết ngành du lịch Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng theo hướng bền vững, nhưng để làm được là điều không dễ.

Nỗi giằng xé trong phục hồi du lịch Hội An mùa đại dịch
Hội An có thể phải đánh đổi nếu chú trọng thu hút khách nội địa mùa dịch

“Chưa bao giờ du lịch Hội An lại lâm vào khủng hoảng nặng nề như giai đoạn này, các hoạt động du lịch hầu như bị đóng băng và quay về con số 0”. Đó là lời chia sẻ của ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam trong toạ đàm “Kích cầu du lịch nhìn từ thực tiễn Hội An” do TheLEADER phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tổ chức.

Theo ông Thanh, từ tháng 5/2020, dù hoạt động du lịch đã bắt đầu trở lại ở Hội An nhưng lượng khách còn khá khiêm tốn, nhất là mảng lưu trú, đa số khách sạn chỉ có khách vào cuối tuần.

Không khí những ngày đầu tháng 6 dọc các con đường rực rỡ hoa giấy và đèn lồng ở Hội An thật ảm đạm vì không có mấy khách du lịch. Hai bên đường, chỉ có một vài quán cà phê hoạt động, còn lại nhà nào nhà nấy đều trong trạng thái đóng cửa. Những gánh hàng rong vốn là “đặc sản” ở Hội An nay cũng khó tìm. Ở những địa điểm vốn dĩ rất nổi tiếng như bánh mỳ Phượng, chùa Cầu hay các hội quán cũng chỉ có một ít nhóm du khách Việt ghé “check-in”.

Dọc bãi biển An Bàng (Hội An) vốn là nơi thu hút du khách quốc tế với những khách sạn, khu nghỉ dưỡng lấp ló sau những rặng cây nay chỉ có lác đác một vài người nước ngoài đang “mắc kẹt” ở Việt Nam từ trước Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mỗi sáng sớm hay chiều muộn, chỉ một vài đoàn khách Việt lại í ới gọi nhau tắm biển.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường nội địa được nhiều chuyên gia và điểm đến xác định là giải pháp “cứu thua” cho ngành du lịch. Rất nhiều giải pháp kích cầu đã được áp dụng để khuyến khích người Việt đi du lịch Việt Nam.

Thế nhưng, đối với riêng Hội An, bài toán này không hề đơn giản vì phải giằng xé giữa câu chuyện duy trì, tồn tại trong ngắn hạn và phát triển dài hạn; giữa sự sinh tồn của các doanh nghiệp, mưu sinh của người dân và việc gìn giữ các giá trị đã làm nên thương hiệu Hội An trong mắt du khách quốc tế bao lâu nay. Không những vậy, đối với du lịch Hội An, mọi quyết định ở thời điểm này đều có thể mang tính đánh đổi.

Vừa tồn tại, vừa bảo vệ thương hiệu

Việc thu hút du khách nội địa là một giải pháp được nhiều người đưa ra. Nhưng theo bà Phạm Thị Hồng Trang (Tập đoàn Thiên Minh), khái niệm khách nội địa với Hội An có vẻ còn khá chung chung. Cần xác định rõ khách nội địa là ai, đến từ đâu, mong muốn gì.

Điểm chung trong quan điểm của cựu Bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự và lãnh đạo Hiệp hội du lịch Quảng Nam là: Hội An không quan trọng khách tây hay khách ta, Hội An cần chú trọng thu hút du khách đàng hoàng, tử tế. Đó là những con người trân trọng các giá trị văn hoá, thiên nhiên và con người Hội An.

Nỗi giẳng xé trong phát triển du lịch Hội An
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam

Ông Thanh nhấn mạnh, trong câu chuyện kích cầu, cần tính toán làm thế nào để giữ giá trị thương hiệu của du lịch Quảng Nam và hướng đến tương lai, đồng quan điểm với ông Trần Thái Do, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Á Đông Silk Villas đã nhận định “kích cầu nhưng phải đảm bảo bền vững”.

Ông Thanh nhìn nhận, khó khăn cũng mở ra những cơ hội vàng cho du lịch Hội An trong việc tái cơ cấu, kiến thiết lại sản phẩm và thị trường khách. Định hướng du lịch Quảng Nam có một diện mạo mới sau dịch, phát triển đàng hoàng hơn, hướng đến bền vững hơn. Giảm giá là điều cần làm nhưng phải đảm bảo chất lượng tốt. 

Bà Vũ Thị Phương, Tổng giám đốc Gami Hospitality chia sẻ, doanh nghiệp này thực hiện các chương trình giảm giá nhưng luôn đảm bảo đem đến giá trị nghệ thuật cao nhất và chất lượng dịch vụ tốt nhất cho cộng đồng.

“Đây là cơ hội vàng để tái thiết ngành du lịch với những kỳ vọng mới. Những năm trước Hội An quá tải, ô nhiễm… rất đau lòng nhưng do khách đông nên không xoay chuyển được. Do đó, không còn lúc nào khác để tái thiết, nếu không làm bây giờ khi sẽ không kịp. Cần chia sẻ, đóng góp để hiệp hội và lãnh đạo thành phố cùng xây dựng kế hoạch lâu dài và bền vững”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết.

Theo ông Thanh, Hội An là đơn vị đầu tiên làm du lịch của cả nước. Khi ngành du lịch mới “phôi thai” thì Hội An đã đón khách châu Âu và luôn giữ truyền thống này từ trước đến nay. Vì vậy, nếu hướng đến khách nội địa trong giai đoạn này thì sẽ phải thay đổi rất nhiều, từ quy trình phục vụ, thực đơn… Các dòng sản phẩm, dịch vụ dành cho khách tây vốn dĩ khác biệt so với khách Việt. Vì vậy, muốn thay đổi, buộc phải thực hiện khảo sát để tìm hiểu nhu cầu, đặc điểm và xu hướng của khách Việt để từ đó đưa vào các sản phẩm, dịch vụ.

Khách quốc tế lựa chọn Hội An để nghỉ dưỡng vì muốn nghỉ dưỡng đơn thuần và đặc biệt là khám phá cuộc sống văn hoá của người bản địa. Họ cũng không quá cầu kỳ trong việc ăn uống, không bắt buộc phải có quá nhiều hàng quán “trông có vẻ ngon vì đông khách”. Vậy mới thấy trước mùa dịch, Hội An luôn rất đông khách quốc tế lưu trú dài ngày trong khi không có mấy hoạt động vui chơi, giải trí, ngoại trừ Công viên Ấn tượng Hội An mới nổi lên trong khoảng hai năm trở lại đây.

Trong khi đó, với du khách người Việt, Hội An từ lâu vẫn đang chỉ là “Đà Nẵng +1”, một điểm đến nhất định phải ghé thăm khi đến Đà thành. Không có nhiều hoạt động, sự kiện là yếu tố khiến du khách Việt chỉ đến thăm Hội An trong ngày thay vì lưu trú qua đêm.

Nếu thay đổi để hướng đến thu hút du khách Việt trong mùa dịch, Hội An sẽ lại phải thay đổi khi dịch bệnh đã được kiểm soát trên thế giới để có thể quay trở lại thu hút khách quốc tế. Muốn cân bằng cả hai quả thực rất khó.

Có thực sự đáng để thay đổi?

Một khảo sát trên 2.000 người do Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) phối hợp với VnExpress thực hiện mới đây cho thấy, nhu cầu du lịch nội địa bắt đầu phục hồi từ cuối tháng 4/2020 sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Hơn 53% người trả lời khảo sát cho biết đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này.

Du lịch cả nước dường như đang thực hiện các giải pháp kích cầu nhằm xâu xé miếng bánh bé nhỏ này vào những ngày “đói” khi dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến du khách quốc tế chưa thể quay lại Việt Nam. 

Hội An vốn dĩ có rất nhiều thế mạnh nhưng lại chưa đủ mạnh để du khách Việt coi Hội An là một lựa chọn điểm đến thay vì Đà Nẵng, Nha Trang hay Đà Lạt. Các sản phẩm hiện đang phù hợp với đặc tính của khách Tây nếu muốn cạnh tranh hút khách, Hội An sẽ phải làm rất nhanh, rất khẩn trương và thay đổi rất lớn dựa trên những lợi thế sẵn có.

Thế nhưng, mùa du lịch ở Việt Nam dường như chỉ còn mấy tháng ngắn ngủi. Nhu cầu đi du lịch của người Việt hiện nay đang khá cao sau một thời gian dài dịch bệnh u ám, cuồng chân do phải ở nhà thực hiện cách ly xã hội. Đại dịch Covid-19 đã tác động đến ngân sách chi tiêu, khiến gần một nửa người tham gia khảo sát của TAB lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày) thay vì cả tuần như trước đây, một phần do thời gian nghỉ hè của trẻ em rất ngắn.

Khó khăn về mặt kinh tế cũng khiến cho bài toán cân đối chi tiêu của nhiều người đang gặp khó, chưa nói gì đến việc thoả mãn nhu cầu đi du lịch.

Một trong số đối tượng khách du lịch nội địa có thể hướng đến lúc này là những người làm việc trong các ngành nghề ít ảnh hưởng hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hàng tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm… nhưng số lượng này không nhiều. Và chỉ có những người có thu nhập ở mức khá mới có thể tính toán đến việc đi du lịch vào giai đoạn này. Đặc biệt, những doanh nghiệp vẫn may mắn giữ được ngân sách tổ chức cho nhân viên đi du lịch chắc chắn sẽ chọn các điểm đến có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, nhiều sự kiện để tăng kết nối nội bộ.

Đối tượng thứ hai có thể đi du lịch vào thời gian này là những người có tiền tích lũy . Họ sẽ dành một phần nhỏ số tiền đó để đi du lịch một lần sau dịch. Với những người này, trước dịch thì đó là khoản tiền tiết kiệm nhưng sau dịch lại là khoản đề phòng cho những rủi ro có thể xảy đến bất ngờ trong tương lai. Chẳng ai dùng khoản tiền đề phòng rủi ro để đi du lịch cả!

Như vậy, sự hồi phục nhờ vào thị trường nội địa mà ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Hội An đang mong đợi liệu có được lâu dài hay chỉ là “cú nảy mèo chết”, hồi phục một cách tạm thời trong một vài tháng và sau đó lại lao dốc?

Hơn nữa, sự hồi phục của ngành du lịch và bất cứ ngành nào cũng vậy, không thể chỉ trông chờ vào mỗi ngành đó mà cần sự hồi phục chung của cả nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang gặp khó, ngành du lịch có thể mong chờ được gì khi thu nhập của người dân còn bấp bênh!