WTO cải cách để thúc đẩy kinh tế số

Phạm Sơn - 10:52, 02/12/2020

TheLEADERTổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đứng trước yêu cầu phải tiến hành cải cách để thúc đẩy thương mại số cũng như giải quyết căng thẳng thương mại đang gia tăng trong những năm gần đây.

WTO cải cách để thúc đẩy kinh tế số
Ông Yi Xiaozhun, Phó tổng giám đốc WTO. Ảnh: WTO.

Theo báo cáo thương mại 2020 của WTO, nền kinh tế số đang phát triển không ngừng nhờ những chính sách của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoàng tài chính 2008 – 2009.

Nhờ đó, một lượng lớn các công ty kỹ thuật số bắt đầu gia nhập mạnh mẽ vào thị trường, thể hiện năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu cao hơn so với những doanh nghiệp truyền thống.

Các chính sách chủ yếu tập trung vào ưu đãi về thuế quan cho các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi thu hút vốn đầu tư công nghệ cao cùng những khuyến khích để chuyển đổi thị trường sang hướng đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, dữ liệu cũng được xem là trọng tâm để xây dựng nền kinh tế số trong chính sách của nhiều quốc gia, với yêu cầu khuyến khích thu thập, chia sẻ và xử lý thông tin nhưng cũng đảm bảo an toàn thông tin cá nhân.

Ông Yi Xiaozhun, Phó tổng giám đốc WTO nhận xét, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một động lực đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế số tiến xa hơn. Trong bối cảnh vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, nhiều chính phủ đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế thông qua xây dựng năng lực công nghệ thông tin và truyền thông.

WTO và chính sách thương mại số

Ông Yi cho biết, mục tiêu thúc đẩy tự do thương mại một cách công bằng và minh bạch trên góc độ toàn cầu mà WTO đã duy trì trong suốt nhiều thập kỷ qua đã tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, làm động lực cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiến tới thiết lập nền kinh tế số.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trên thế giới vẫn đang gặp phải nhiều thách thức. Cụ thể, theo báo cáo của WTO, chính sách thúc đẩy kinh tế số của các nước vẫn còn mang tính “phòng thủ”, đặc biệt trong các lĩnh vực mà khu vực truyền thống chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thế hệ doanh nghiệp công nghệ.

Cùng với đó, các nước đang phát triển đang vấp phải rào cản về cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu hụt về nhân tài để ứng dụng và phát triển công nghệ mới.

Vai trò của WTO cũng đang bị đe dọa khi phải đối mặt với những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao, cụ thể là “bất đồng về địa chính trị” giữa 4 thành viên lớn nhất, bao gồm EU, Mỹ, Nhật và Trung Quốc, chiếm tới hơn 50% thương mại toàn cầu.

Ông Alan Wolff, Phó tổng giám đốc WTO cho biết, những bất cập trên đặt ra yêu cầu WTO buộc phải tiến hành cải cách để tiếp tục thúc đẩy tích cực tự do thương mại vì hòa bình và thịnh vượng.

Một phần trọng tâm của cải cách WTO liên quan đến việc xúc tiến chương trình đàm phán về một hiệp định thương mại điện tử với cam kết sâu rộng và quy mô toàn thế giới, với những quy tắc điều chỉnh nhằm tạo ra tính minh bạch, công bằng, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, hiệp định về công nghệ thông tin cũng nằm trong nọi dung cải cách, với những mục tiêu mới, hướng đến khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19.

Đồng quan điểm với ông Wolff, ông Yi cho biết thêm, trong nền kinh tế số, các nước thành viên được khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm cũng như cởi mở hơn về chính sách đầu tư để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả.

“Hợp tác quốc tế để tạo ra sự hiểu biết chung sẽ giúp ngăn chặn căng thẳng về thương mại, đặt ra nền tảng vững chắc hơn cho đổi mới, sáng tạo và phát triển”, ông Yi nhấn mạnh.