Xác định mục tiêu L&D gắn với ưu tiên kinh doanh

Quỳnh Chi - 10:49, 31/03/2023

TheLEADERNếu không gắn kết được việc học với ưu tiên kinh doanh, trong nhiều trường hợp, L&D sẽ bị coi là sản phẩm phụ không được chào đón, đầu tư và ưu tiên đáng kể, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái.

Xác định mục tiêu L&D gắn với ưu tiên kinh doanh
L&D góp phần giúp doanh nghiệp xây dựng quy trình tinh gọn, phương thức làm việc hiệu quả

L&D là viết tắt của "Learning and Development" trong tiếng Anh, có nghĩa là "Đào tạo và Phát triển" trong tiếng Việt. Khái niệm L&D thường được hiểu là hoạt động học tập trong doanh nghiệp, học tập khi doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi, tiếp thu kiến thức mới như xu hướng chuyển đổi số, sự thay đổi luật pháp… hay những những vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn khủng hoảng.

Cũng vì tư duy này mà các hoạt động L&D thường mang tính phụ trợ, hỗ trợ mảng phát triển năng lực của nhân sự trong doanh nghiệp. L&D thường được thực hiện dưới các hình thức như doanh nghiệp tự mở lớp, thuê chuyên gia trình bày về các chuyên đề, chủ đề hoặc học online để doanh nghiệp học bất cứ lúc nào sau giờ làm việc.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu trong nhiều năm của Respect Việt Nam trên nền tảng phát triển những nghiên cứu của thế giới, L&D không chỉ đơn giản là hoạt động đào tạo đơn thuần mà chính là viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng của cả ngôi nhà kinh doanh được thể hiện trong hình ảnh của mô hình kinh doanh Thẻ điểm cân bằng (Balance Score Card – BSC).

Trong mô hình này, L&D là nền móng đầu tiên. Nếu nền móng không vững chắc, doanh nghiệp khó có thể xây dựng quy trình tinh gọn, phương thức làm việc hiệu quả để thuyết phục khách hàng mua hàng và khiến họ hài lòng, không thể tăng doanh thu và đảm bảo lợi nhuận.

Dẫn những báo cáo được cập nhật trong năm 2023, các chuyên gia trong sự kiện “Học tập và phát triển đang ở đâu trên mô hình kinh doanh?” nằm trong chuỗi hội thảo The Know – nỗ lực chuyển hóa, thay đổi tư duy làm việc tinh gọn trong giai đoạn mới” do Respect Việt Nam phối hợp AMCHAM Việt Nam tổ chức cho rằng, nếu không gắn kết được việc học với ưu tiên kinh doanh như được thể hiện trên BSC, trong nhiều trường hợp, L&D sẽ bị coi là sản phẩm phụ không được chào đón, đầu tư, ưu tiên đáng kể trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, suy thoái.

Cụ thể, theo báo cáo của LinkedIn, khó khăn lớn nhất là làm sao thuyết phục lãnh đạo tiếp tục đầu tư thời gian và nguồn lực cho L&D. Điều này cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp chưa đánh giá cao vai trò của L&D trong kinh doanh. Hay trong báo cáo của HBR chỉ ra, các con số cụ thể từ L&D tạo tác động vào năng lực sản xuất, năng suất lao động của nhân viên còn rất khiêm tốn.

Để đánh giá về tính hiệu quả của công tác L&D, LinkedIn từng tổng hợp bộ 15 chỉ số, tuy nhiên có đến hơn một nửa là các chỉ số bề nổi ít giá trị nhưng phổ biến như: Tổng số giờ học, Tổng số người học, Số kỹ năng của người học, đánh giá (cảm tính) của người học …. Các chỉ số này chủ yếu xem xét đến số lượng, không cho thấy chất lượng cụ thể & hiệu quả tác động của L&D đến năng lực làm việc của nhân sự hay hiệu quả kinh doanh.

Do đó, trong sự kiện The Know 2, bà Đặng Thị Hải Hà, nhà sáng lập Respect Việt Nam & Weatwork.co đã đưa ra gợi ý về bộ chỉ số mới bao gồm 12 chỉ số sắp xếp theo hướng ưu tiên của 4 khía cạnh quan trọng nhất trên mô hình kinh doanh BSC, bao gồm: L&D tác động trực tiếp lên năng lực và kỹ năng của nguồn nhân lực và công cụ công nghệ; L&D tác động lên quy trình làm việc; L&D tác động lên mối quan hệ với khách hàng; L&D tác động lên mục tiêu tài chính.

Bộ 12 chỉ số gắn kết L&D trên BSC được nghiên cứu và xây dựng trên thực tiễn làm việc tại 50 doanh nghiệp trong 2 năm vừa qua, trong đó Respect Việt Nam đã phối hợp với WEATWORK.CO và OPC sử dụng công cụ mới “Made in Việt Nam” nhằm gắn kết hai mô hình Quản trị theo mục tiêu và kết quả Then chốt (Objective Key Results - OKR) và mô hình kinh doanh Canvas (Business Model Canvas - BMC). Mô hình được xây dựng nhằm giúp doanh nghiệp gặp khó khăn trước và sau covid xác định được ưu tiên kinh doanh trong thời gian ngắn nhất, tinh gọn hóa quy trình rườm rà, gắn kết các tầng nhân sự bằng quyết định cụ thể trên một trang giấy.

Xác định mục tiêu L&D gắn với ưu tiên kinh doanh
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp trong sự kiện The Know 2

Chia sẻ về việc áp dụng bộ chỉ số này để thúc đẩy tính hiệu quả của L&D trong việc kinh doanh của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Hồng Yến, Giám đốc Pháp chế lao động việc làm & quan hệ lao động chiến lược của Intel cho biết, thông qua sáng kiến cập nhật, xu hướng khi áp dụng OKR ưu tiên L&D cho từng cá nhân trong doanh nghiệp. Theo đó, Intel xác định một bộ OKR trong công việc, bắt buộc có một OKR liên quan đến L&D. Người lao động qua đó sẽ hiểu bản thân và quyết tâm thực hiện mục tiêu công việc, tác động lên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc nhân sự quốc gia Manpower thì cho biết, doanh nghiệp này đã đưa ra chỉ số Learning Quotient (LQ) và cho rằng bên cạnh IQ, EQ thì LQ - chỉ số khả năng học hỏi, cũng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể, LQ là khả năng học hỏi, năng lực nhận biết, khả năng học hỏi các vấn đề mới, biến thành nhận thức và hành động cũng chính là yếu tố tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đánh giá cao tầm quan trọng của L&D, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, việc quan tâm L&D sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng trong khó khăn, phát triển bền vững. 

Chia sẻ về cách làm của Deloitte, ông Hoàng nhấn mạnh mô hình 4E giúp Deloitte đứng hàng đầu thế giới về dịch vụ tài chính thông qua học tập nội bộ. Theo mô hình này, nhân viên có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng thông qua: giáo dục (Education); trải nghiệm (Experience); tiếp xúc (Exposure); và môi trường (Environment)

Trong khi đó, mô hình của PwC’s Academy đảm bảo đưa ra được sáng kiến gần gũi với bộ 12 tiêu chí. Bà Trần Thu Hương, trưởng phòng cấp cao của PwC’s Academy cho biết, các chương trình đào tạo nội bộ của PwC’s Academy được xây dựng dựa trên mục tiêu và chiến lược kinh doanh của công ty. 

Trong đó, đội ngũ nhân viên sẽ được khuyến khích, động viên để tham gia học những kỹ năng mới, đặc biệt là những kỹ năng về chuyển đổi số (Digital skills), có môi trường để thực hành và phát triển sự sáng tạo, mang lại những giải pháp giúp giải quyết được những vấn đề trong kinh doanh mà công ty hay khách hàng đang phải đối mặt. 

L&D không chỉ là những khóa học đơn thuần mang tính chất “dự án” nữa mà L&D sẽ là những “sản phẩm” được phát triển liên tục để đáp ứng được chiến lược kinh doanh của công ty cũng như tạo ta một môi trường giúp nhân viên có thể phát triển tư duy sáng tạo và phát triển bản thân.