Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế thuế quan tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Khi chính sách thuế đối ứng của Mỹ siết chặt hơn bao giờ hết, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không còn chỉ là thủ tục hành chính mà đã trở thành “chìa khóa vàng” quyết định khả năng hưởng ưu đãi thuế quan, giảm chi phí và bảo vệ uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Bản đồ rủi ro thuế quan – Cập nhật tiêu chuẩn xuất xứ mới
Trong mắt các chuyên gia, rủi ro thuế quan không chỉ dừng lại ở sai sót giấy tờ mà lan tỏa từ khâu tuân thủ thủ tục hải quan, quản lý nguyên vật liệu đến nguy cơ trốn thuế và khai báo không chính xác.
Chia sẻ tại webinar “Đối mặt Thuế đối ứng Mỹ: Giải pháp số hóa thông quan kết hợp ERP giúp doanh nghiệp sản xuất Việt thoát hiểm” do Digiwin Việt Nam phối hợp Waytogo tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Digiwin cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang siết chặt kiểm soát và quản lý gian lận xuất xứ, từ quy trình thông quan, mô tả mã HS và số lượng đến việc đối chiếu tồn kho giữa thực tế và sổ sách...
Động thái này giúp bảo vệ uy tín hàng Việt trên thị trường quốc tế và trong nước cũng như triệt phá các hàng hóa đội lốt “Made in Vietnam” để lẩn tránh thuế và tận dụng ưu đãi thương mại.
Ông Kelvin Lai, Phó tổng giám đốc công ty công nghệ Waytogo bổ sung rằng tiêu chuẩn xuất xứ hiện nay đang được cập nhật liên tục với sự phân biệt rõ ràng giữa quy tắc xuất xứ không ưu đãi và quy tắc ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ hiểu cơ chế xuất xứ ưu đãi (Wholly Obtained, CTC hay LVC/RVC), mà còn nắm vững tỷ lệ giá trị gia tăng tối thiểu từ 30–40% tuỳ hiệp định.
Việc nhận diện và áp dụng đúng quy tắc từng thị trường trở thành bước đệm quyết định để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan mà không vướng rủi ro pháp lý.
C/O chính là đòn bẩy giúp tạo đà cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu cũng như công cụ tạo đột phá về thuế quan.
“Không có C/O hợp lệ, doanh nghiệp sẽ mất quyền lợi hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, kéo theo chi phí thuế nhập khẩu tăng cao và giảm sức cạnh tranh”, ông Kelvin Lai nhận định.
Chính nhờ C/O mà hàng hóa Việt được hưởng mức thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do, từ đó gia tăng biên lợi nhuận và củng cố uy tín với đối tác và cơ quan hải quan.
Đồng thời, C/O còn đóng vai trò then chốt trong công tác phòng vệ thương mại khi có thể được sử dụng để đối phó với các biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, cũng như cung cấp dữ liệu chính xác cho thống kê thương mại và quản lý hạn ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Kelvin Lai lưu ý rằng, không phải mọi C/O đều được hưởng ưu đãi: chỉ những chứng nhận tuân thủ chặt chẽ hai cơ chế xuất xứ - xuất xứ thuần túy hoặc gia công chế biến với thay đổi mã HS (CTC) hoặc tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa (LVC/RVC) - mới phát huy hết giá trị chiến lược, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý và nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Trái ngược với tầm quan trọng chiến lược của C/O, quy trình xin cấp chứng nhận này tại Việt Nam lại đang chịu nhiều ràng buộc khi vẫn dựa hoàn toàn vào phương thức thủ công.
Theo ông Kelvin Lai, dữ liệu về nguyên vật liệu, chi phí sản xuất và hóa đơn vật liệu, thường bị phân tán qua nhiều phòng ban và lưu trữ trên các file Excel hoặc giấy tờ rời rạc, dẫn đến tình trạng tổng hợp kéo dài từ vài ngày đến cả tuần lễ và gia tăng nguy cơ sai sót trong việc phân loại mã HS hoặc tính toán tỷ lệ giá trị gia tăng.
Khi cơ quan chức năng siết chặt khâu kiểm tra xuất xứ, chỉ một nhầm lẫn nhỏ cũng có thể khiến doanh nghiệp bị phạt tiền, đình chỉ xuất khẩu hoặc rơi vào quy trình thanh tra kéo dài, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh và tổn hại uy tín trên thị trường quốc tế.
Nỗi đau khi chứng minh xuất xứ hàng hóa và giải pháp
Đồng quan điểm với ông Kelvin Lai, ông Dũng cũng nhấn mạnh rằng, C/O tiệm cận như một “con dao hai lưỡi”.
C/O vừa có thể mở ra cơ hội tận dụng ưu đãi thuế quan nhưng bên cạnh đó vẫn có thể trở thành gánh nặng nếu doanh nghiệp không chứng minh được nguồn gốc “Made in Việt Nam” với giá trị gia tăng thực chất.
“Giấy chứng nhận xuất xứ có thể là ‘con dao hai lưỡi’, nếu chứng minh không đầy đủ, doanh nghiệp lập tức đứng trước nguy cơ bị ép thuế, kiểm tra đột xuất và thậm chí đình chỉ xuất khẩu.” ông Dũng lưu ý.
Chỉ những lô hàng đáp ứng đầy đủ một trong hai điều kiện xuất xứ - xuất xứ thuần túy hoặc gia công chế biến với thay đổi mã HS (CTC) hoặc tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa tối thiểu 30-40% tùy FTA - mới đủ điều kiện cấp C/O ưu đãi, trong khi các công đoạn gia công đơn giản như đóng gói, dán nhãn không được tính.
Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang “vật lộn” với khối lượng hồ sơ C/O khổng lồ, từ hồ sơ nguyên liệu, chứng từ sản xuất đến báo cáo kiểm tra chất lượng, đặc biệt khi đối mặt với yêu cầu kiểm tra đột xuất từ hải quan.
Việc tổng hợp thông tin không chỉ mất thời gian mà còn dễ bỏ sót những “điểm nhạy cảm” mà cơ quan chức năng thường kiểm tra.
Đối diện với vấn đề này, ông Kevin Lai nhận định: “Quản lý dữ liệu rời rạc trên hàng chục file Excel giữa các phòng ban không chỉ khiến việc tổng hợp trở nên ngốn thời gian mà còn tiềm ẩn sai sót nghiêm trọng, dễ đưa doanh nghiệp vào diện giám sát hoặc bị phạt hành chính.”
Khi mọi thông tin sản xuất, nguyên liệu, công đoạn, tồn kho và luồng xuất nhập khẩu được đồng bộ số hóa trên một nền tảng, doanh nghiệp có thể tự động tính toán tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng và lập hồ sơ C/O chỉ trong vài phút.
Điều này không chỉ giảm tải thủ công mà còn lưu giữ đầy đủ lịch sử biến động chi phí, cho phép phân tích chi tiết từng lô hàng, đảm bảo doanh nghiệp luôn sẵn sàng cung cấp dữ liệu minh bạch khi cơ quan chức năng yêu cầu.
Trước bối cảnh thuế đối ứng toàn cầu ngày càng khắt khe và yêu cầu xuất xứ không ngừng được siết chặt, việc chuyển đổi số trong quản lý C/O không chỉ là một bước cải tiến công nghệ, mà còn là chiến lược sống còn để bảo vệ ưu đãi thuế quan, tối ưu chi phí và củng cố uy tín trên thị trường quốc tế.
Chính sự chủ động này sẽ giúp doanh nghiệp Việt không chỉ vượt qua các đợt thanh tra căng thẳng mà còn vững vàng khẳng định năng lực cạnh tranh trên bản đồ thương mại toàn cầu.