Xung đột quan điểm về miễn thị thực cho du khách nước ngoài

Thu Phương - 14:29, 02/05/2019

TheLEADERTrong khi doanh nghiệp kêu gọi miễn thị thực cho du khách quốc tế để du lịch cất cánh thì đại diện cơ quan quản lý nhà nước lại khăng khăng cho rằng thị thực không ảnh hưởng đến dòng khách vào Việt Nam.

Phiên hiến kế về du lịch tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay đã nóng lên khi bà Nguyễn Phương Lan, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phản bác lại quan điểm miễn thị thực cho du khách quốc tế.

Theo bà Lan, chính sách miễn thị thực không phải yếu tố quyết định, tác động tới ngành du lịch. Báo cáo từ Tổng Cục Du lịch cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các quốc gia không miễn thị thực đơn phương như Mỹ hay Canada còn cao hơn những nước được miễn thị thực.

Theo bà Lan, thị thực chỉ là một trong các tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh du lịch của một quốc gia. Bà Lan dẫn chứng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho hay Tây Ban Nha, Nhật Bản hay Mỹ có năng lực cạnh tranh về du lịch xếp hạng cao dù chính sách thị thực không quá cởi mở. 

Do đó, việc mở rộng hay áp dụng rộng rãi việc miễn thị thực cần xem xét mối quan hệ giữa hai nước, an ninh, đối ngoại và đảm bảo lợi ích của công dân Việt Nam, bà Lan khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thống, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an cũng cho rằng, miễn thị thực không phải là tiêu chí để người nước ngoài chọn du lịch Việt Nam.

Ông Thống lấy ví dụ, khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% lượng khách nhập cảnh Việt Nam, dù công dân nước này không được miễn thị thực. "Miễn thị thực không phải yếu tố quyết định để thu hút khách quốc tế", đại diện cơ quan xuất nhập cảnh khẳng định.

Xung đột quan điểm về miễn thị thực cho du khách nước ngoài
Du khách vui chơi ở một bãi biển trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Emperor Cruises.

Không đồng tình với những quan điểm trên, là người yêu thích và thường xuyên đi du lịch, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao Việt chia sẻ, bản thân ông muốn được miễn thị thực tại nhiều nước để được đi du lịch nhiều nơi.

Theo ông Nam, đây cũng là mong muốn chung của nhiều người dân Việt Nam. "Số người Việt sang Thái Lan năm 2018 là một triệu lượt. Nếu Thái Lan không miễn thị thực thì liệu số lượng người Việt sang Thái Lan có nhiều như vậy"" ông Nam đặt câu hỏi và cho rằng, thị thực là yếu tố quan trọng với du lịch và là vấn đề nhận được quan tâm hàng đầu trong chính sách phát triển du lịch của các nước. 

Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, nhiều thị trường Việt Nam miễn thị thực nhưng khách không tăng có thể là do sai mục tiêu.

Trong khi đó, nếu muốn phát triển du lịch, Việt Nam cần có chính sách mở hơn về thị thực. Thị thực linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông, vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, Sea Games, Festival Huế, Vesak. Hiện, nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ thị thực cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính sách miễn thị thực của Việt Nam vẫn chưa thực sự thông thoáng. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour, so sánh với các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp sau Malaysia và Thái Lan về số quốc gia được miễn thị thực.

Bà Huyền nhận xét, thủ tục cấp thị thực cho khách quốc tế đến Việt Nam đã mở cửa, song chưa đáp ứng những nhu cầu sát sườn. Về hình thức cấp thị thực tại cửa khẩu, thực chất khách đến Việt Nam nhận thị thực tại cửa khẩu nhưng trước đó họ vẫn phải làm thủ tục trước và cầm công văn đến cửa khẩu. 

Trong khi đó, Thái Lan đang cấp thị thực tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Du khách chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú, khách quốc tế có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu Thái Lan mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó.

Ngoài ra, bà Huyền cho rằng, chính sách thị thực của Việt Nam cần sự thông thoáng mạnh mẽ hơn, thay vì cấp thị thực 15 ngày thì tăng lên 30 ngày và cần thị thực nhập cảnh nhiều lần, cũng như đơn giản hoá thủ tục để thu hút khách du lịch tới Việt Nam.

'Miễn thị thực có thể đem về hàng trăm triệu đô'

Theo ông Phạm Hà, nhà sáng lập Luxury Travel, bốn nút thắt trong ngành du lịch Việt Nam là thị thực, đào tạo nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả.

Trong đó, thị thực là rào cản rất lớn trong phát triển du lịch. Hiện, Việt Nam đang miễn thị thực 15 ngày, nhưng ông Hà kiến nghị cần nâng lên 30 ngày, thậm chí dài hơn; đồng thời cần bỏ thị thực càng nhiều nước càng tốt. "Indonesia bỏ tới 169 nước, trong khi tại sao Việt Nam hoà bình, thân thiện nhưng lại không bỏ thị thực?", ông Hà nói.

Còn theo ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, người đã sinh sống ở Việt Nam từ cuối năm 1980, số lượng khách du lịch đến Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Thái Lan phải mất đến 15 - 20 năm để đạt được lượng khách như Việt Nam. Chính vì vậy, từ nay đến 2030, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được 30 triệu khách du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Kenneth, khách du lịch quay lại Thái Lan rất đáng kể nhưng Việt Nam chưa làm được điều này. Khách du lịch tới Việt Nam một lần và rất ít quay lại lần thứ hai. 

Đưa ra giải pháp cho thực trạng này, ông Kenneth Atkinson cho rằng, mức phí thị thực mà Việt Nam dành cho du khách cần dễ chịu hơn. Nếu miễn thị thực cho các thị trường mà Việt Nam hướng tới để thu hút khách du lịch có thể đem về hàng trăm triệu đô la. 

Ông cũng đồng tình với quan điểm Việt Nam cần tập trung gia tăng miễn thị thực nhiều nước hơn nữa với các nước như Australia, New Zealand, Hà Lan; đồng thời, kéo dài thời gian từ 15 lên 30 ngày để khách ở lâu hơn, chi trả nhiều hơn.

Mặt khác, theo khảo sát, khách quốc tế đang gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm thông tin thị thực, các trang web cung cấp thông tin rất khó để truy cập bởi những người dùng thông thường. Do đó, các thông tin liên quan đến thị thực cũng cần minh bạch, nhất quán để cung cấp cho du khách, tránh những thông tin giả ảnh hướng đến khách du lịch, ông Kenneth nhấn mạnh.