Yêu cầu tất yếu phát triển bền vững của doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Quy Quy - 10:04, 06/12/2017

TheLEADERTheo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã không còn là sự cam kết tự nguyện mà chính là một yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay".

Yêu cầu tất yếu phát triển bền vững của doanh nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được một chiến lược phát triển bền vững.

Tại diễn đàn ‘Nhìn từ APEC 2017: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp’ diễn ra sáng nay 6/12, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Đức và Việt Nam đã cam kết cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, sử dụng có trách nhiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh – Giám đốc quốc gia của Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WFF) tại Việt Nam cho biết: “Trên thế giới, nhu cầu sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển ngày càng cao và Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Ngay thời điểm hiện tại, chúng ta đang phải gánh chịu hệ lụy của những quyết định phát triển không bền vững, những thảm họa môi trường như nước biển dâng, mất rừng, lũ lụt và biến đổi khí hậu… Chúng ta cũng đang phải phối mặt với những mất mát to lớn về đa dạng sinh học với nguy cơ cuộc đại chủng lần thứ sáu và lấy đi vĩnh viễn 75% số loài và để lại hậu quả nghiêm trọng chưa từng có đối với loài người, khiến thế giới thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn tài nguyên thiên nhiên cho sự phát triển”.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp khi nguồn vốn các doanh nghiệp đầu tư cho cuộc cách mạng này, đặc biệt là công nghệ sinh học và y dược học chủ yếu đến từ chính các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy thuộc Bộ Khoa học Công nghệ thì đánh giá rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại những cơ hội chưa từng thấy cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng được một chiến lược phát triển bền vững cũng như xác định các bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng mới này.

Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan, Thành viên Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao Năng lực Cạnh tranh cho biết, "quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường hội nhập khi đối tác quốc tế và các nhà nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về lao động và bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và bền vững. Như vậy, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã không còn là sự cam kết tự nguyện mà chính là một yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay".

Nhắc đến vấn đề tất yếu của sự phát triển bền vững của doanh nghiệp hiện nay, tháng 10 vừa qua, EU đã chính thức rút "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam, do chưa đáp ứng được các yêu cầu về vấn đề kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU). Nếu sau 6 tháng, Việt Nam không khắc phục những vấn đề khai thác trái phép, EU sẽ tiếp tục “rút thẻ đỏ” điều này có thể khiến thuỷ sản nước ta không thể vào được thị trường EU. Điều này đã cho thấy nhu cầu cấp thiết hiện nay trong việc cải thiển môi trường phát triển bền vững của các doanh nghiệp sắp tới nhằm đáp ứng các điều kiện khi xuất khẩu lâu dài sang các nước đối tác.