Người tiêu dùng miền nào bi quan nhất trong đại dịch?

Minh Nhật - 17:25, 08/05/2021

TheLEADERNgười tiêu dùng Đà Nẵng tương đối bi quan về triển vọng việc làm cũng như giảm kỳ vọng về sự thay đổi trong mức thu nhập do sự ảnh hưởng của Covid-19, theo Deloitte.

Khảo sát từ Deloitte cho biết tâm lý người tiêu dùng dường như thay đổi theo thành phố. Những người tham gia khảo sát ở hai thành phố phía Nam là Cần Thơ và TP.HCM tương đối lạc quan hơn so với những người tham gia khảo sát ở thành phố miền Bắc như Hà Nội và trung tâm Đà Nẵng.

Kết quả này có lẽ không bất ngờ, vì người tiêu dùng miền Bắc được biết đến là những người truyền thống hơn, và do đó, nhìn chung, sẽ thận trọng hơn về chi tiêu của họ.

Tuy nhiên, đáng chú ý là những người tham gia khảo sát ở Đà Nẵng có vẻ kém lạc quan nhất.

Lý do để giải thích cho kết quả này có thể là do thực tế kinh tế Đà Nẵng phụ thuộc nhiều vào du lịch, chỉ riêng trong năm 2019, Đà Nẵng đón gần 8,7 triệu lượt khách du lịch. Do đó, Đà Nẵng bị ảnh hưởng nặng nề hơn vì lệnh cấm đi lại do đại dịch Covid-19.

Dù có nhiều nỗ lực trẻ hóa ngành du lịch với nỗ lực mở cửa đón khách du lịch, làn sóng Covid-19 thứ hai dẫn đến việc giãn cách xã hội trong vòng 30 ngày vào tháng 08/2020 đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp và những người dân hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến du lịch như thực phẩm & đồ uống (F&B), nghỉ ngơi và giải trí, khách sạn & nhà nghỉ.

Vì lý do tương tự, những người tham gia khảo sát từ Đà Nẵng tương đối bi quan về triển vọng việc làm, cũng như giảm kỳ vọng về sự thay đổi trong mức thu nhập của họ.

Đồng thời, những người tham gia khảo sát từ Hà Nội cũng bày tỏ lập trường thận trọng hơn, điều này có thể suy ra từ quan sát rằng họ giữ kỳ vọng thấp hơn về việc tăng thu nhập mặc dù góc nhìn về triển vọng việc quan nhìn chung tích cực.

Người tiêu dùng miền nào lạc quan nhất trong đại dịch?

Bất chấp những biến động kinh tế đang diễn ra, người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung vẫn lạc quan, theo kết quả khảo sát của Deloitte với trên 1.000 hộ gia đình tại bốn thành phố lớn.

Trung bình, những người tham gia khảo sát đánh giá mức độ tin cậy vào tổng quan nền kinh tế Việt Nam ở mức 6,7/10 trong năm sau và 7,2/10 trong vòng 3 – 5 năm tới (thang đo mức độ tin cậy từ 0 – 10, từ mức độ tin cậy thấp nhất đến mức độ tin cậy cao nhất).

Mặc dù kết quả về mức độ tin cậy giảm so với khảo sát vào năm trước, điều đáng chú ý là những con số này đạt chỉ số dương và có xu hướng tăng với những khoảng thời gian sắp tới, cho thấy niềm tin lạc quan vào sự phục hồi kinh tế trong tương lai gần.

Báo cáo đánh giá sự lạc quan này có được nhờ những nỗ lực chống dịch Covid-19 tương đối thành công của Việt Nam thông qua việc triển khai nhanh chóng các biện pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn sự lây lan và sự tuân thủ của người dân.

Trong các nhóm, nhóm người tiêu dùng có mức thu nhập hộ gia đình hàng tháng càng thấp sẽ gánh chịu tác động của đại dịch Covid-19 càng nặng nề.

Cụ thể, nhóm người tham gia khảo sát thuộc nhóm thu nhập thấp nhất (mức thu nhập hộ gia đình hàng tháng trong khoảng 4 – 9 triệu đồng), thường có xu hướng làm những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp hơn hoặc công việc có tính chất tạm thời, cũng có mức độ lạc quan thấp nhất đối với triển vọng kinh tế và công việc.

Kết quả này cũng tương đồng với các báo cáo khác, đánh giá rằng tác động của Covid-19 nặng nề hơn đến những nhóm có thu nhập thấp hơn.

Theo tính toán của Ngân hàng phát triển châu Á, ảnh hưởng của đại dịch sẽ làm giảm thu nhập trên đầu người của hộ gia đình trung bình 9,8%, và nhóm có thu nhập thấp nhất sẽ bị giảm đến 10,2% thu nhập. Cùng với đó, tỉ lệ hộ nghèo trong ngũ phân vị có thu nhập nghèo nhất sẽ tăng 40%.

Do các hộ gia đình ở nông thôn cung cấp lao động di cư nhiều hơn, đối tượng này sẽ bị tổn thất thu nhập từ nguồn người lao động di cư gửi tiền về nhà nhiều hơn so với các hộ gia đình ở đô thị.

Ngân hàng thế giới cũng cho biết tỷ lệ phục hồi thu nhập thấp hơn đối với đối tượng là các hộ gia đình nằm ở cuối đường phân phối thu nhập trước thời điểm xảy ra Covid-19, phụ nữ và dân tộc thiểu số.

Tuy vậy, Deloitte cho biết ngay cả trong nhóm thu nhập thấp nhất cũng ghi nhận mức độ lạc quan nhất định.

Gần 80% người tham gia khảo sát bày tỏ quan điểm lạc quan hoặc trung lập với cả việc làm của họ và tổng quan nền kinh tế. Tâm lý tích cực này tăng lên đáng kể theo mức thu nhập, kết quả này có thể là do Việt Nam tăng trưởng ổn định trong một môi trường kinh doanh ổn định.

Phần lớn những người tham gia khảo sát có mức thu nhập cao hơn, nắm giữ những chức vụ cấp cao tại những công ty lớn có xu hướng đảm bảo an toàn công việc của mình.

Theo đó, các tổ chức này cũng có sự chuẩn bị tốt để ứng phó với những biến động kinh tế hiện nay, và hầu như có thể tiếp tục hoạt động sau khi dỡ bỏ một phần lệnh giãn cách xã hội vào tháng 05/2020.