Quà biếu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi tiêu mùa Tết cho FMCG

Minh Nhật - 13:09, 29/04/2021

TheLEADERQuà biếu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi tiêu mùa Tết cho FMCG, đặc biệt là ở nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang suy giảm ở bốn thành phố trong những năm gần đây, theo dữ liệu mới công bố từ Kantar.

Dữ liệu từ Kantar cho biết chi tiêu ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) cho tiêu dùng tại nhà tăng trưởng tốt trong dịp Tết. Mức chi tiêu đã gia tăng gấp 2 và 3 lần so với ngày thường lần lượt tại khu vực thành thị bốn thành phố (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và nông thôn.

Trong giai đoạn ba năm qua, tăng trưởng FMCG cho tiêu dùng tại nhà duy trì ổn định tại bốn thành phố và cho thấy sự phục hồi tại nông thôn. Cụ thể, khu vực thành thị giữ mức tăng trưởng 3% trong Tết 2021 so với 2020 trong khi khu vực nông thôn đạt mức tăng tới 6%, nhảy vọt từ con số -1% của Tết 2020.

a
Nguồn: Kantar.

Theo Kantar, sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng tại nhà đã thúc đẩy tăng trưởng của mùa Tết 2021 ở thành thị bốn thành phố. Trong khi đó, giá trị quà biếu đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng ở nông thôn.

Quà biếu vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong chi tiêu mùa Tết cho FMCG, đặc biệt là ở nông thôn. Tuy nhiên, tỷ lệ này đang suy giảm ở bốn thành phố trong những năm gần đây.

Ở cả hai khu vực, đối tượng dự định tặng quà đều giảm dần, một phần ảnh hưởng bởi lối sống độc lập hơn.

Tại thành thị bốn thành phố chính, số dịp tặng quà Tết giảm ở hầu hết các ngành hàng, đặt biệt là các mặt hàng Tết tiêu biểu. Tuy nhiên, một số ngành hàng vẫn ghi nhận phong độ tốt trong giỏ quà Tết như sữa nước (tăng 31% về số dịp tặng), trà hòa tan (tăng 29%), trà pha sẵn uống liền (tăng 24%) hay rượu/sâm-panh (tăng 11%).

Trái ngược với thành thị, FMCG cho quà biếu tăng trưởng tốt ở nông thôn nhờ các mặt hàng thực phẩm và thức uống tiêu biểu dịp Tết.

Một số mặt hàng tiêu biểu cho quà biếu mùa Tết khu vực này dựa trên số dịp tặng quà là phụ gia nấu ăn (tăng 9%), bánh quy và bánh mềm (+13%), bia (+10%), nước ngọt có ga (+20%). Có thể thấy, các sản phẩm tiệc tùng và tiện lợi là lựa chọn ưa chuộng làm quà tặng dịp Tết ở nông thôn.

Những thay đổi trong mua sắm Tết

Chi tiêu nhiều hơn cho giỏ hàng mỗi dịp mua là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng mùa Tết 2021.

a 1
Nguồn: Kantar.

Giảm tần suất nhưng gia tăng chi tiêu mỗi dịp mua là xu hướng mua sắm từ trước dịch Covid-19 được thể hiện rõ trong mùa Tết năm nay. Số lượng các chuyến mua sắm giảm đồng nghĩa với việc các nhãn hàng phải cạnh tranh khốc liệt hơn để có thể tiếp cận người dùng.

Xét về sản phẩm, thực phẩm đóng gói và các sản phẩm chăm sóc cá nhân lần lượt là hai ngành hàng FMCG dẫn đầu tăng trưởng mùa Tết ở thành thị bốn thành phố và nông thôn Việt Nam.

Theo Kantar, có sự khác biệt về thời gian giữa mua sắm Tết để tiêu dùng tại nhà và mua quà biết. Do vậy, việc đảm bảo sản phẩm sẵn có và luôn trong tầm ngắm vào đúng thời điểm cho từng mục đích mua sắm khác nhau giúp tối đa tăng trưởng.

Chuyển động bán lẻ mùa Tết

Tương tự những xu hướng bán lẻ trong mùa dịch, các kênh mua sắm gần/ tiện lợi cũng được ưu chuộng trong mùa mua sắm Tết 2021, đặc biệt là siêu thị mini và kênh trực tuyến.

Kênh mua sắm trực tuyến ghi nhận mức tăng trưởng tới 61% về lượng giao dịch và 57% về giá trị mua sắm trong mùa Tết vừa qua so với cùng kỳ năm 2020 tại khu vực thành thị bốn thành phố. Tuy vậy, đây lại là kênh duy nhất suy yếu về chi tiêu mỗi dịp mua với mức giảm 3%.

a 2
Nguồn: Kantar.

Xu hướng bán lẻ tương tự cũng diễn ra ở nông thôn khi ngày càng nhiều người tiêu dùng mua sắm tết ở các kênh hiện đại và tiện lợi hơn. Kênh trực tuyến và siêu thị mini ngày càng giành được nhiều chỗ đứng trong thị trường bán lẻ ở nông thôn, thậm chí trong mùa mua sắm cao điểm Tết.

Kantar nhận định sự thành công của siêu thị mini trong việc thu hút thêm người mua sắm Tết là nhờ tính tiện lợi và hiện đại, giao dịch có khuyến mãi gia tăng. Gần 1 trong 5 giao dịch mua sắm FMCG đến từ khuyến mãi trong dịp Tết vừa qua, tăng 18% so với Tết 2020.