Xóa bỏ nỗi sợ bị trả thù vì tố giác trong doanh nghiệp

Tùng Anh - 11:56, 19/08/2023

TheLEADERKhông chỉ dừng lại ở việc phát hiện hành vi gian lận và sai trái theo cách truyền thống, mà còn trở thành động lực thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn và xây dựng môi trường làm việc tích cực hơn.

Xóa bỏ nỗi sợ bị trả thù vì tố giác trong doanh nghiệp
Nhiều người không dám tố giác vì sợ bị trả thù. Ảnh: Unsplash

Thiết lập quy trình và gắn trách nhiệm 

Nỗi lo bị trả thù là một trong những vấn đề khiến cho việc thực hiện các chương trình tố giác khó có thể đạt được hiệu quả như mong đợi mặc dù có tới 58% số người tại hơn 500 doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương tham gia khảo sát Conduct Watch của Deloitte mới đây cho biết tố giác là chiến lược được ưu tiên cao trong tổ chức.

Theo Deloitte, tư duy và nhận thức của nhân viên tạo nên thách thức lớn trong việc thực hiện các chương trình tố giác. Bên cạnh nỗi lo về việc bản thân bị trả thù chiếm tỷ lệ phản hồi 42%, có tới 60% số nhân viên bày tỏ sự quan ngại về tính độc lập của quy trình tố giác, 58% chưa hiểu rõ về các chương trình tố giác.

Bên cạnh đó, chưa đến một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng trách nhiệm chính của việc tố giác nằm ở hội đồng quản trị (HĐQT). Có thể thấy, có khoảng cách giữa việc nhận định tầm quan trọng và mức độ trách nhiệm gắn với việc tố giác.

Deloitte cho rằng, trước vai trò ngày một quan trọng của việc tố giác, các doanh nghiệp cần thống nhất các vấn đề ưu tiên phù hợp với các bên liên quan, giải quyết mối bận tâm của nhân viên, đồng thời áp dụng các chỉ số phù hợp để đo lường thành công của các chiến lược tố giác và đảm bảo hiệu quả của các khuôn khổ tố giác.

Theo đó, trách nhiệm chính của tố giác nên được gắn với HĐQT vốn có vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy văn hóa liêm chính, minh bạch và trách nhiệm. Đồng thời, HĐQT cũng có trách nhiệm thiết lập tiêu chuẩn cho hành vi đạo đức và xây dựng các giá trị và kỳ vọng của doanh nghiệp.

Do đó, việc thiết lập một quy trình tố giác độc lập với các chính sách và quy trình được truyền thông rõ ràng có vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin trong tập thể nhân viên và là chìa khóa cho một chương trình tố giác hiệu quả.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần áp dụng chỉ số phù hợp để đo lường mức độ hiệu quả của chương trình tố giác. Một phần ba số người tham gia khảo sát nói rằng không được đo lường tính hiệu quả của các chương trình tố giác trong công ty, mặc dù gần 40% trong số họ rất ưu tiên việc tố giác. 

Khoảng 30% trong 70% số người đo lường được tính hiệu quả các chương trình tố giác chỉ dựa vào số lượng báo cáo nhận được để đánh giá.

Số lượng vụ việc tố giác trong báo cáo thường được dùng để đánh giá mức độ sẵn sàng của nhân viên trong việc thực hiện tố giác hành vi sai trái. Tuy nhiên, số lượng báo cáo sẽ không thể cung cấp bức tranh chính xác về tính hiệu quả của các chương trình tố giác do con số này không nêu ra được nguyên do gây ra các hành vi sai trái ấy.

Vì vậy, việc lựa chọn chỉ số thích hợp để đo lường thành công của chương trình tố giác là rất quan trọng. Các chỉ số ấy có thể bao gồm mức độ nhận thức về các chính sách tố giác, khả năng tiếp cận các kênh tố giác, hay niềm tin của những bên liên quan về việc họ sẽ được bảo vệ, và tính kịp thời của việc điều tra các thông tin liên quan.

Theo quan sát của Deloitte, tầm quan trọng và mức độ ưu tiên của việc tố giác tại châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng. Với việc ghi nhận vai trò ngày càng thiết yếu của người tố giác trong việc phơi bày hành vi sai trái và thúc đẩy quản trị tốt, các doanh nghiệp trong khu vực cũng đang nhận thức được tầm quan trọng của việc thiết lập hệ thống tố giác hiệu quả.

Tố giác thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp

Trong bối cảnh môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, làm việc từ xa trở thành xu hướng, áp lực tài chính tăng dần và kỳ vọng từ cơ quan quản lý và toàn xã hội ngày càng cao, việc tố giác đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Theo Deloitte, những người tố giác đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện thông tin, tiết lộ các hành vi tham nhũng và làm sáng tỏ các vấn đề có thể không được chú ý hoặc không được giải quyết.

Bên cạnh đó, tố giác giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phát hiện hành vi gian lận và sai trái theo cách truyền thống mà còn trở thành động lực thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp theo hướng tốt hơn và xây dựng môi trường làm việc tích cực hơn.

Ngay cả khi các vụ việc liên quan đến gian lận và xung đột lợi ích vẫn chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng số vụ tiết lộ, các kênh tố giác đang dần được sử dụng nhiều hơn cho các vấn đề liên quan đến nhân sự và con người. Thực tế này cho thấy, tố giác đang đóng vai trò ngày càng quan trong trong nỗ lực giải quyết các vấn đề có tác động lớn hơn tại nơi làm việc.

Phạm vi tố giác tiếp tục phát triển và mở rộng, phản ánh những động lực đang thay đổi trong bức tranh doanh nghiệp. Sự thay đổi trong cách thức làm việc và chuẩn mực văn hóa tác động đến mục đích và phạm vi ứng dụng của việc tố giác.

Khoảng 70% số người trả lời khảo sát coi tố giác là một phương tiện để nâng cao tiêu chuẩn đạo đức, chính trực của văn hóa doanh nghiệp, 66% coi đây là một cách để phát hiện các gian lận và hành vi sai trái khác, và gần 60% coi đây là một chiến lược để tạo nên môi trường làm việc tích cực và trong sạch.

Ông Oo Yang Ping, lãnh đạo của Conduct Watch, Deloitte châu Á - Thái Bình Dương nhận định, những doanh nghiệp sẵn sàng đi đầu trong việc thực hiện các khuôn khổ tố giác sẽ xây dựng được niềm tin đối với các bên liên quan, đồng thời họ có thể phát hiện và giải quyết các rủi ro tiềm ẩn và hành vi sai trái có khả năng ảnh hưởng đến danh tiếng của họ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không ưu tiên tố giác sẽ ngày một khó khăn hơn trong việc định vị doanh nghiệp mình khác biệt trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh. 

Đặc biệt, các tổ chức phải ban hành những chính sách tố giác thiết thực để đảm bảo khả năng quản trị doanh nghiệp cũng như thúc đẩy trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và các hành vi đạo đức.