Giải pháp nào cho tham nhũng vặt?

Phạm Sơn - 11:27, 25/07/2022

TheLEADERTăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên là cần thiết để hạn chế hiện tượng tham nhũng vặt. Tuy nhiên, điều này là không đơn giản với bộ máy hành chính cồng kềnh của Việt Nam.

Giải pháp nào cho tham nhũng vặt?
Hiện tượng tham nhũng vặt vẫn còn phổ biến.

Chiến dịch chống tham nhũng đang đạt được những kết quả đáng được ghi nhận. Nhiều đại án tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng, nhiều quan chức tưởng chừng đã “hạ cánh an toàn”, nay bị đưa ra xét xử.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận định, đây là điều rất đáng được hoan nghênh, góp phần tích cực xây dựng môi trường chính sách, môi trường kinh doanh lành mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những đại án tham nhũng, còn tồn tại không ít hiện tượng tham nhũng vặt. Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2021, tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, tỷ lệ người làm thủ tục chứng nhận quyền sử dụng đất phải “lót tay” cho cán bộ dao động từ 40 – 90%; tỷ lệ chi trả thêm chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn ở các cơ sở bệnh viện công tuyến huyện khoảng 40 – 80%.

Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng là nạn nhân của tham nhũng vặt. Từng có một doanh nhân đến kể cho ông Doanh câu chuyện về việc thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Thủ tục này bao gồm 8 bước, trong đó 6 bước đầu được làm trực tuyến, rất dễ dàng và nhanh chóng. Với 2 bước cuối, doanh nghiệp này phải dùng xe bán tải để chở tài liệu, hồ sơ lên cho cơ quan chịu trách nhiệm.

Đến khâu cuối cùng, vị cán bộ tiếp nhận hồ sơ hỏi doanh nghiệp: “Còn gì nữa không”? Nếu “còn gì”, khoảng 2 – 3 ngày sau là thủ tục được thông qua. Còn trong trường hợp “không còn gì”, vị cán bộ hẹn doanh nghiệp “khoảng 1 tháng nữa hãy đến”.

Từ bộ máy cồng kềnh đến tham nhũng vặt

Để chống tham nhũng vặt, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trước tiên cần phải đảm bảo được mức thu nhập tương xứng cho đội ngũ cán bộ, làm sao để họ sống được với nghề, từ đó tận tâm cống hiến một cách trong sáng, minh bạch.

Giải pháp nào cho tham nhũng vặt?
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM.

Thực tế, mức lương và đãi ngộ đối với cán bộ, công nhân viên chức trong khu vực công đang ở mức tương đối thấp, có thể thấy qua câu chuyện gần 10 nghìn lượt y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế công tác tại các bệnh viện và cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, chuyển sang làm cho những đơn vị tư nhân tính từ đầu năm 2021 đến nay.

Trong báo cáo gửi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam lý giải, một bác sĩ, sau 6 năm học tập và 18 tháng thực hành, nếu làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương tính cả phụ cấp là chưa đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, ở các đơn vị tư nhân, mức lương ban đầu trả cho bác sĩ cao gấp nhiều lần con số này.

Lương thấp, nhiều y bác sĩ vẫn nỗ lực trụ lại với nghề, dù công tác trong ngành đặc thù, yêu cầu trách nhiệm đặc biệt cao. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đại dịch Covid-19, áp lực công việc đè nặng lên đôi vai của lực lượng “tuyến đầu chống dịch”, như một “giọt nước tràn ly”.

Trong ngành giáo dục, một dịch vụ thiết yếu khác, tình hình cũng không khả quan hơn. Chị Phương, một giáo viên cấp 2 có kinh nghiệm giảng dạy gần 10 năm, cho biết đang phải vật lộn với những chi tiêu cuộc sống khi mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng.

Những đồng nghiệp của chị, cống hiến nhiều năm trong ngành giáo dục, cũng chỉ có mức thu nhập từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Nhiều người phải đi dạy thêm hoặc làm thêm nghề tay trái để trang trải cuộc sống.

Tình trạng lương thấp xảy ra không chỉ trong y tế, giáo dục mà còn với nhiều ngành nghề trong khu vực công. Với mức lương này, nhiều cán bộ, viên chức nhà nước trở nên tha hóa, biến chất, sẵn sàng hạch sách, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt nhằm gia tăng thu nhập.

Tuy nhiên, việc tăng lương cho cán bộ nhà nước không phải là điều đơn giản. Theo ông Doanh, dù mức lương của cán bộ thấp nhưng tỷ lệ chi ngân sách cho trả lương của Việt Nam lại ở mức rất cao, xếp thứ 2 thế giới, chỉ sau nước Mỹ.

Thực tế, điều tưởng chừng là nghịch lý này lại rất “hợp lý” khi nhìn vào bộ máy hành chính công tương đối cồng kềnh, đồ sộ tại Việt Nam, với hàng loạt những đơn vị, cơ quan, hàng loạt cán bộ, công nhân viên chức đang nhập nhằng về chức năng, nhiệm vụ và vai trò.

Tiêu tốn nhiều chi phí để vận hành một bộ máy hành chính cồng kềnh, rắc rối nhưng hiệu quả đem lại không cao. “Có những viện nghiên cứu được thành lập, công bố rất “hoành tráng” nhưng tôi không hiểu sản phẩm nghiên cứu của họ đem lại lợi ích gì cho đất nước, cho xã hội”, ông Doanh nhận định.

Chi ngân sách quá nhiều cho việc trả lương đã là một điều không nên xảy ra trong cân đối. Đồng loạt tăng lương cho cả một bộ máy cồng kềnh lại càng là điều không thể. Ông Doanh khẳng định, đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận bất cập đến từ sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, từ đó có phương án cắt giảm thích hợp.

Chỉ khi tinh gọn được bộ máy hành chính, việc tăng lương mới có thể được thực hiện, qua đó ổn định đời sống của cán bộ, công nhân viên chức. Song song với đó, theo nguyên Viện trưởng CIEM, triển khai chuyển đổi số thủ tục hành chính, làm sao để thủ tục xử lý hồ sơ, giấy tờ được công khai, người dân và doanh nghiệp được giám sát một cách minh bạch cũng là điều cần thiết để chống tham nhũng vặt.