4 điểm nghẽn chính của ngành nông nghiệp trong năm 2019

Nhật Hạ - 16:35, 24/12/2019

TheLEADERBên cạnh những thành quả đã đạt được trong năm qua, ‘tư lệnh' ngành nông nghiệp thừa nhận còn những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung trong thời gian tới như tốc độ tăng kim ngạch xuất hiệu có dấu hiệu chững lại, tiến độ gỡ ‘thẻ vàng’ còn chậm.

4 điểm nghẽn chính của ngành nông nghiệp trong năm 2019
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản giảm trong năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu gồm kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỉ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, theo Bộ trưởng Cường, chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, ‘tư lệnh’ ngành nông nghiệp cũng thừa nhận còn 4 điểm nghẽn chính cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo…

Thứ hai, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm.

Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả...

Ngoài ra, Bộ trưởng Cường chỉ ra nghị định số 57/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định “Ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm cho ngành nông nghiệp”.

Tuy nhiên, thực tế đến nay ngân sách Trung ương cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ hoặc rất ít để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Thêm nữa, nông nghiệp Việt năm qua còn đối mặt với những khó khăn lớn như dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước, gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi; tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, hạn hán, lũ lụt, cháy rừng, sạt lở, xâm nhập mặn mức độ nghiêm trọng hơn; 

Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn làm cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản chủ lực luôn đứng trước những rủi ro, nhiều quy định mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn...