Khuyến nghị của EC để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản sau 10 ngày kiểm tra tại Việt Nam

Hạ Vũ - 19:12, 14/11/2019

TheLEADERBà Voronika Veits, Trưởng đoàn kiểm tra EC nhận định, Việt Nam hiện đã xây dựng được khung khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU.

Đoàn kiểm tra EC kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật đã có. Trong đó cấp tỉnh và trung ương cần tăng cường giám sát và kiểm tra.

Đoàn kiểm tra EC cũng đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam.

Theo đó, cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24m, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị.

"Bên cạnh việc tái cơ cấu đội tàu, Việt Nam cần định hướng lại sản xuất của ngành theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản", theo bà Voronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC, Trưởng đoàn kiểm tra của EC lần này.

Kết thúc cuộc kiểm tra lần 2 kéo dài 10 ngày tại Việt Nam, bà Voronika Veits đánh giá, cá nhân bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC.

Bà Voronika Veits nhận định ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, thì việc thay đổi trong nhận thức của người dân là hết sức quan trọng để đảm bảo triển khai đồng nhất, toàn diện các giải pháp chống khai thác hải sản trái phép (IUU) mà Chính phủ đã đề ra.

 Khuyến nghị của EC để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản sau 10 ngày kiểm tra tại Việt Nam
Tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vẫn còn khai thác hải sản trái phép tại vùng biển phía Nam.

Về phía chính phủ Việt Nam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tại buổi tiếp đoàn kiểm tra EC hôm nay, Việt Nam hiện đã xử lý nghiệm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các quốc gia Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, việc chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU cần nhiều thời gian.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là một số quy định liên quan đến việc kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm IUU trong nước và kiểm soát tàu cá nước ngoài cập cảng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ khai thác.

Tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản và đảm bảo khai thác cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản, giảm dần số lượng tàu khai thác, đảm bảo quy mô đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi hải sản.

Đồng thời tập trung công tác lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài từ 24m trở lên; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật cho người dân.

Trong 10 ngày qua, đoàn kiểm tra EC đã có các cuộc kiểm tra ngẫu nhiên tại một số địa phương ven biển của Việt Nam về việc chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không theo quy định (IUU). 

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã rút “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu từ tháng 10/2017.

Với 'thẻ vàng” này , tất cả hải, thuỷ sản xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% thay vì kiểm soát có xác suất như trước đó. Trong trường hợp những vi phạm, sai phạm không khắc phụ được thì sẽ bị 'thẻ đỏ', tức EU sẽ không nhập khẩu thuỷ sản từ nước vi phạm nữa.

Tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc được EU rút lại 'thẻ vàng' cũng rất khó. 

Sau 2 năm, EU đã công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm khai thác trái phép ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.

"Bản thân xuất khẩu thuỷ, hải sản sang EU không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế, chỉ mấy trăm triệu USD nhưng đây là danh dự của Việt Nam. Nếu gỡ được thẻ thì thuỷ sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.