4 rào cản phục hồi kinh tế Việt Nam 2021

An Chi - 15:46, 05/02/2021

TheLEADERTrong bối cảnh xuất khẩu bị chậm lại do các nước chưa phục hồi kinh tế, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tăng trưởng tiêu dùng trong nước ở mức thấp đang là rào cản lớn nhất cho phục hồi kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn.

4 rào cản phục hồi kinh tế Việt Nam 2021
Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức

Covid-19 là cú sốc y tế lớn trên phạm vi toàn cầu khiến nền kinh tế Việt Nam chịu tác động mạnh mẽ. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế do các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa trong nước và quốc tế đã làm gián đoạn hoạt động thương mại, đầu tư và sản xuất.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, các hoạt động kinh tế suy giảm năm 2020 chủ yếu do nhu cầu trong nước và xuất khẩu chững lại. Nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến thu nhập, việc làm của người dân bị tác động tiêu cực, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước giảm mạnh.

Trước thực trạng trên, TS. Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tất cả các dư địa cho phục hồi tăng trưởng trong ngắn và dài hạn đều đang giảm sút.

Cụ thể, đối với việc tăng đầu tư, các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đều có xu hướng giảm, đầu tư tư nhân trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến tháng 6/2020, FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019, vốn thực hiện đạt 8,65 tỷ USD, giảm 4,9%.

Trong quý I/2020, không có dự án ODA mới được ký kết và tỷ lệ giải ngân ODA đạt thấp. Dòng kiều hối vào Việt Nam dự báo cũng giảm 10 – 15% so với năm 2019. 

Chủ trương tăng giải ngân đầu tư công đang gặp phải nhiều hạn chế về chính sách và cơ chế khiến dư địa về đầu tư trở nên thu hẹp lại. Tính đến hết tháng 6/2020, giải ngân vốn đầu tư công ở mức 154,4 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33,1% kế hoạch năm.

Tương tư, giải ngân vốn của khu vực tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn bao gồm cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, đầu tư tư nhân gắn liền với hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước đã giảm đáng kể so với cùng kỳ 2019 do phần lớn doanh nghiệp rơi vào khó khăn. 

Tốc độ tăng vốn đầu tư của khu vực này trong quý III/2020 chỉ đạt 1,6% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 1/10 mức tăng tương ứng của quý III/2019. Số doanh nghiệp bị đóng cửa và tạm ngừng hoạt động trong quý III/2020 tăng 25% so với cùng kỳ.

Rào cản thứ hai cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 theo ông Thắng là dư địa tăng trưởng từ xuất nhập khẩu đang gặp trở ngại lớn. Theo đó, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam do các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ buộc phải đóng cửa nền kinh tế. 

Trong quý I/2020, xuất nhập khẩu chưa bị tác động nhiều do các đơn hàng đã được đặt trước đó và nguồn nguyên liệu đã được dự trữ một phần. Tuy nhiên, bước sang quý II/2020, xuất khẩu đã đối mặt với nhiều thách thức về cả thị trường và nguồn cung nguyên liệu khiến mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD năm 2020 khó hoàn thành.

Tính đến tháng 6, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 121,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong những quý tới, xuất khẩu được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch chưa được kiểm soát, các biện pháp đóng cửa biên giới của các đối tác vẫn đang được duy trì. 

Yếu tố thứ ba là dư địa tăng trưởng từ tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề do thu nhập của người dân sụt giảm và tâm lý giảm sức mua, tăng tiết kiệm. Quý I/2020, tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng chỉ đạt 3,07%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm trở lại đây. 

Sau khi bãi bỏ việc giãn cách xã hội cuối tháng 4, hoạt động tiêu dùng phục hồi so với tháng trước. Chính phủ đang thực hiện biện pháp kích cầu tiêu dùng thông qua giảm thuế và hỗ trợ trực tiếp các đối tượng dễ tổn thương.

Tuy nhiên, kích cầu tiêu dùng có thể sẽ đem lại hiệu quả thấp do người dân vẫn còn tâm lý e ngại với tình hình kinh tế trong thời gian tới, tâm lý tiết kiệm còn cao. Do đó, doanh thu tiêu dùng có xu hướng phục hồi, song dự kiến, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. 

Tính đến tháng 6, tiêu dùng cuối cùng dự kiến đạt 2.076 nghìn tỷ đồng, tăng 4,45% so với cùng kỳ 2019 - tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Cũng theo ông Thắng, để phục hồi tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, tiêu dùng đóng một vai trò rất quan trọng. Song, số liệu thống kê cũng cho thấy, phục hồi tiêu dùng còn khá thấp. Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng giảm từ 8,2% trong 9 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,86% trong 9 tháng đầu năm 2020. 

Trong trường hợp sản xuất và kỳ vọng tăng trưởng xuống thấp, tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm, thậm chí có thể chậm hơn so với phục hồi thu nhập do hành vi tiêu dùng thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ tiết kiệm, đề phòng rủi ro. Đây sẽ là rào cản lớn nhất trong phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu bị chậm lại do các nước chưa phục hồi kinh tế, ông Thắng nhấn mạnh.

Yếu tố thứ tư là sức ép ngân sách tăng lên trong các năm 2020, 2021 sẽ hạn chế khả năng Chính phủ hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Sức ép này tạo ra từ việc tăng cường thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các gói hỗ trợ kinh tế lớn đối phó dịch.

Trong khi đó, thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới sẽ giảm do chịu tác động bởi 4 nhân tố chính gồm tăng trưởng kinh tế đạt thấp, giá dầu thô giảm sâu, điều chỉnh thu ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm so với kế hoạch.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thực tế thu ngân sách quý I/2020 vẫn đạt tiến độ, kế hoạch, ước đạt 391 nghìn tỷ đồng bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, khi nguồn thu từ năm 2019 chuyển sang đã hết, đồng thời tác động của dịch bệnh mạnh hơn, nhiều khoản thu đã giảm đáng kể so với tháng trước, nhất là thu từ xuất nhập khẩu. Lũy kế đến tháng 6 thu ngân sách ước đạt 663.9 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 43,9% dự toán, giảm 11,1% so với cùng kỳ 2019.

Ngoài ra, khu vực tạo động lực chính cho tăng trưởng là công nghiệp chế biến chế tạo cũng đang cho thấy tốc độ phục hồi chậm. Năm 2020, khu vực này chỉ tăng 3,38% trong quý II và 3,86% trong quý III, thấp xa so với tăng trưởng trong các quý tương ứng của năm 2019 (11,2% và 11,68%). 

Các ngành phụ thuộc vào xuất khẩu như dệt may, da dày tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Asean chưa kiểm soát được dịch. Sản xuất hàng may mặc đã giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 9 tháng đầu năm đã giảm 10,6%, riêng quý III giảm 6,42%, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 15,3%, cải thiện không đáng kể so với mức giảm 16% của quý I.

Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng cũng giảm 56,3% so với cùng kỳ năm trước trong khi 9 tháng đầu năm 2019 tăng 10%. Điều này sẽ gây thách thức không nhỏ cho việc phục hồi kinh tế năm 2021, ông Thắng nhận định.