Đâu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021?

An Chi - 14:08, 12/01/2021

TheLEADERTheo báo cáo của Fiin Group, đầu tư công, sự phục hồi tiêu dùng trong nước và đầu tư nước ngoài sẽ là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Năm 2021.

Đâu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021?
Năm 2021, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh

Báo cáo Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Triển vọng kinh tế, chất lượng lợi nhuận doanh nghiệp và thị trường chứng khoán 2021 của Fiin Group dự báo, năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. 

GDP năm 2021 dự kiến tăng 6,5 - 7% cao hơn mức bình quân của 2016 – 2020. GDP/người ước đạt 4.700 - 5.000 USD. Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 32 - 34% GDP. Huy động ngân sách nhà nước dự kiến đạt 15 - 16% GDP, bội chi ngân sách nhà nước đạt 3,7% GDP.

Theo báo cáo của Fiin Group, 7 yếu tố sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2021 gồm thể chế môi trường kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, sự phục hồi từ bên ngoài, đầu tư công, FDI, tài khoá được giữ ổn định và tăng trưởng của thị trường xuất nhập khẩu.

Trong đó, ngoài phục hồi tiêu dùng trong nước thì sự khởi sắc của FDI và đầu tư công sẽ là động lực chính của tăng trưởng năm nay và thậm trí, GDP có thể cao hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%.

Ở kịch bản khả quan, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban dự báo ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, kết quả nhiên cứu của trung tâm này dự báo, tăng trưởng GDP 2021 có thể lên 6,72%.

Một trong những động lực lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 phải để đến đầu tư công. 

Theo báo cáo của Fiin Group, ngân sách cho đầu tư công giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,7 triệu tỷ đồng. 

Trong đó, vốn ngân sách trung ương đạt 1,3 triệu tỷ đồng, bao gồm vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước 1,08 triệu tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương ước đạt 1,37 triệu tỷ đồng. 

Đáng chú ý, trong thời gian tới, nguồn vốn đầu tư công này sẽ tiếp tục cơ cấu lại theo hướng không chỉ tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng; mà các điểm đến mới là các dự án kinh tế số, chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó là nghiên cứu phát triển các dự án tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền.

Nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ tiếp tục cơ cấu giảm tỷ trọng đầu tư công, thay vào đó là tăng cường thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo PPP. Ngân sách sẽ bố trí cho các dự án của trung ương, bảo đảm giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương là 60:40 và 40:60.

Mặt khác, Chính phủ cũng tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư để đạt hiệu quả cao nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Yếu tố quan trọng thứ hai của tăng trưởng kinh tế 2021 là đầu tư nước ngoài. Theo Fiin Group dự báo, với sự tác động của đại dịch Covid-19 và xu hướng dịch chuyển của các nhà đầu tư, Việt Nam sẽ tiếp tục là điêm đến hấp dẫn của nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong năm 2021, FDI vào Việt Nam sẽ khó có thể bùng nổ, song vẫn sẽ tăng trưởng ổn định. Đặc biệt nhất là số vốn giải ngân trở lại nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại của Việt Nam sẽ rất có ý nghĩa với sự tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo báo cáo của tổ chức này, sang năm 2021, tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi mạnh mẽ. Kéo theo đó, ngành sản xuất một số sản phẩm công nghiệp sẽ hồi phục trong năm 2021 nhờ cầu tiêu dùng cải thiện như bia, đường,... Kinh tế trong nước nhờ đó sẽ từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Cùng với những dự báo khả quan về tăng trưởng kinh tế 2021, Fiin Group cũng cho rằng, lợi nhuận doanh nghiệp cũng đang trên đà hồi phục, tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng chưa hồi phục tương ứng.

Một số ngành có chất lượng tăng trưởng kém nhưng định giá đã tăng quá nhanh bao gồm cảng hàng không, bất động sản khu công nghiệp, máy công nghiệp. 

Trong khi đó, nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi Covid có cơ hội hồi phục mạnh trong năm 2021 bao gồm bán lẻ, hàng cá nhân, điện..

Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ thách thức hơn trong năm 2021. Nguyên nhân của thực trạng này không chỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh đến chất lượng tín dụng mà còn do nguồn thu liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và mặt bằng lãi suất thấp liên quan đến trái phiếu Chính phủ. 

FiinGroup dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chỉ ở mức một con số và sẽ có sự phân hóa trong năm 2021. Cơ hội đầu tư sẽ đến từ cổ phiếu của những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng không nhờ trái phiếu doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, chất lượng tín dụng của trái phiếu doanh nghiệp nhìn chung đang bị suy yếu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản. Hiện kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp bình quân là 3 năm nhưng hệ số nợ ròng/EBITDA đã tăng lên 6,6 năm nếu dựa theo số liệu của các nhà phát hành năm 2020. 

Do đó, nếu thị trường bất động sản không hồi phục mạnh hơn thì rủi ro thanh khoản đến với các nhà phát hành trái phiếu cũng như nhà đầu tư trái phiếu sẽ rất lớn, Fiin Group cảnh báo.