5 lý do khiến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đắt đỏ

Nhật Hạ - 08:15, 03/12/2019

TheLEADERVì phải tuân thủ các cam kết quốc tế, nên dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô, không lớn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

5 lý do khiến chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam đắt đỏ
Giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam hiện đang cao so với các nước khác

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước hiện đang than khó về chính sách thuế, phí với ô tô nguyên chiếc, linh kiện sản xuất trong nước, gây khó khăn trong cạnh tranh và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Người tiêu dùng trong nước khó mua được ô tô giá rẻ hay giá phải chăng.

Trước vấn đề trên, tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 2/12, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, giá thành ô tô ở Việt Nam hiện đang cao so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển hay những nước xung quanh.

Để tạo nên giá thành một chiếc ô tô, theo ông Hải, có hai phần hết sức quan trọng: Một là chi phí sản xuất lắp ráp trong nước đang khá cao, thứ hai là thuế phí hiện chiếm phần lớn giá thành.

Trong đó, về phần sản xuất và lắp ráp, ông Hải đưa ra 5 nguyên nhân khiến giá thành sản xuất cao hơn so với các quốc gia, lãnh thổ khác.

Thứ nhất, dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ do ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện để phát triển giống như các quốc gia khác trên thế giới, trong khi xe Việt cũng phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt của các đối thủ khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và kể cả các nước ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam đi sau, phát triển sau so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực, các chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Chính vì vậy, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô không lớn.

Thứ ba, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô. "Chúng ta có thể tính đến Thaco Trường Hải và còn doanh nghiệp nào nữa? Liệu có phải Huyndai Thành Công ở Ninh Bình và Vinfast hay không thì còn phải có thời gian. Như vậy chúng ta không có những đầu tàu nên rất khó để kéo những toa tàu”, ông Hải nói.

Thứ tư, hiện tập quán kinh doanh ở các nước là doanh nghiệp FDI thường sử dụng doanh nghiệp sản xuất linh kiện tại chính quốc gia bản xứ của mình, do đó, thiếu sự gia nhập, kết nối giữa khối FDI và nội địa, điều đó cũng cản trở, gây khó cho việc sản xuất ở trong nước.

Cuối cùng, Việt Nam đang rất thiếu những vật liệu cơ bản trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, kể cả ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như những việc khác. Các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ô tô như thép chế tạo, nhựa, cao su… Việt Nam đều phải nhập khẩu.

Ông Hải nhận định, đã nhập khẩu thì giá thành cao, làm cho chi phí sản xuất ô tô Việt cao. Còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nội địa giá thành vẫn còn cao.

Về giải pháp thời gian tới, ông Hải nhấn mạnh một số vấn đề giúp phát triển thị trường ô tô trong nước. Theo đó, Chính phủ sẽ bảo vệ, tạo dựng và phát triển thị trường ô tô trong nước thông qua hàng rào kỹ thuật phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời có chính sách kích cầu tiêu dùng ô tô thông qua việc quy hoạch hợp lý hệ thống hạ tầng giao thông, khuyến khích tín dụng để tiêu dùng sản phẩm ô tô.

Ông cũng cho rằng phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông: "Nếu không có đường thì không thể phát triển được ngành công nghiệp ô tô".

Đồng thời, Chính phủ sẽ sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu.

Thêm nữa, khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất ô tô, trong đó chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào giá trị toàn cầu của ngành này.

Đặc biệt, có các cơ chế thu hút chính sách đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam nhưng tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia và hướng tới thị trường xuất khẩu trong khu vực.

Về chính sách thuế đối với ô tô, bổ sung phần trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ tài chính cho biết, từ 1/1/2018, thực hiện cam kết trong hiệp định ATIGA trong các nước ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô về 0% và như vậy, việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu là hết sức gay gắt.

Đối với các thị trường khác, với MFM - thuế nhập khẩu ô tô mà không có FTA tùy theo từng chủng loại là từ 10 - 60%, cao nhất là 70%.

Do đó, Chính phủ đã có Nghị định 125/2017 với một số ưu đãi ô tô sản xuất trong nước. Theo đó ưu đãi 5 năm với mức thuế nhập khẩu 0% cho linh kiện phụ tùng mà trong nước không sản xuất được, có hiệu lực từ tháng 11/2017.

Bà Mai cho biết, sau gần 2 năm thực hiện, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ sửa đổi nghị định này để tạo thuận lợi hơn nữa.

"Chúng tôi đề xuất quy định thuế suất 0% đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô. Đây được kỳ vọng là một bước ưu đãi hơn cho doanh nghiệp", bà Mai cho biết, đồng thời sửa đổi các điều kiện để doanh nghiệp đáp ứng tham gia ưu đãi thuế suất một cách thuận lợi hơn.