ACV gặp bất lợi tại sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh

Trần Anh - 15:52, 05/11/2018

TheLEADERViệc các tập đoàn tư nhân tham gia đầu tư và trở thành công ty vận hành chính các nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ACV.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa thông báo đạt 11.957 tỷ đồng doanh thu 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao hơn, khoảng 67%, đạt hơn 4.953 tỷ đồng nhờ có thêm lãi từ hoạt động tài chính.

Tăng trưởng doanh thu đến nhờ việc tăng phí dịch vụ hành khách (PSC) được áp dụng từ quý 4/2017 trở đi và tăng trưởng lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không.

Việc tăng phí dịch vụ giúp biên lợi nhuận gộp của ACV cải thiện mạnh mẽ từ 42% trong năm ngoái lên 51% trong năm nay. Với kết quả này, ACV nhiều khả năng sẽ hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh đặt ra vào đầu năm, bất chấp quý 4 là mùa thấp điểm của ngành du lịch.

Doanh thu tài chính trong quý của ACV là 512 tỷ đồng, tăng 36% chủ yếu tăng lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm tổng doanh thu tài chính của ACV là 1.175 tỷ đồng.

Trong các nguồn doanh thu tăng trưởng mạnh thì giá vốn của công ty lại giảm nhẹ. Còn các chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của Tổng công ty gần như không thay đổi.

Quản lý hầu hết các cảng hàng không lớn nhất Việt Nam, ACV là một trong những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ của ngành du lịch và hàng không.

Ước tính, tổng lượng hành khách trong 9 tháng đầu năm của ACV đã tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, trong đó lượng hành khách quốc tế tăng 3% và trong nước tăng 7%. Các công ty chứng khoán dự báo, lợi nhuận sau thuế của ACV có thể đạt tăng trưởng kép hàng năm lên tới 16% trong giai đoạn 2017 – 2022 nhờ lượng hành khách trong nước và quốc tế ngày càng ưa chuộng phương tiện hàng không để đi lại.

Mặc dù vậy, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc không còn là công ty vận hành chính các sân bay quốc tế Đà Nẵng và Cam Ranh đã ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả hoạt động của ACV. 

Nhà ga hành khách quốc tế DAD T2 Đà Nẵng do Taseco Group làm chủ đầu tư đã hoàn thành từ cuối năm ngoái. Còn Nhà ga hành khách quốc tế CXR T2 Cam Ranh do IPP Group đầu tư hoàn thành từ giữa năm nay.

Trong thời gian qua, cả Sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh đều đạt tăng trưởng mạnh về lượng hành khách quốc tế, lần lượt là 60% và 49% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tổng cộng tới 30% lượng hành khách quốc tế của Việt Nam.

Kết quả, dù tổng lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh 23% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số hành khách sử dụng dịch vụ của ACV lại tăng trưởng thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 3%.

Một yếu tố nữa cho thấy ACV không còn nhiều dư địa để phát triển, đó là ngành du lịch Việt Nam cũng có dấu hiệu chững lại sau quãng thời gian bùng nổ, với dấu hiệu rõ nhất là lượng khách Trung Quốc tăng chậm lại.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, khách Trung Quốc đến Việt Nam tính chung tất cả các phương tiện chỉ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 48% trong 9 tháng đầu năm 2017 và 57% trong 9 tháng đầu năm 2016. 

Vì hành khách Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam bằng tất cả các phương tiện nên sự sụt giảm của nhóm hành khách này cũng khiến tăng trưởng lượng hành khách quốc tế đường hàng không so với cùng kỳ năm ngoái chậm lại, chỉ còn 17% sau khi đạt đỉnh khoảng 30% trong 2 năm vừa qua.