AirAsia lần thứ tư thất bại với tham vọng mở liên doanh hàng không tại Việt Nam

Hoàng Hải - 18:26, 18/04/2019

TheLEADERHàng không giá rẻ của Malaysia AirAsia tiếp tục thất bại trong việc hình thành hãng bay tại Việt Nam.

AirAsia mới đây tuyên bố chấm dứt thỏa thuận liên doanh về thành lập hãng hàng không với công ty Gumin và Hải Âu từng được ký kết vào tháng 3/2017 và 12/2018.

"AirAsia cùng với Công ty Gumin và Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu đã đồng ý chấm dứt thỏa thuận và dừng mọi nghĩa vụ theo thỏa thuận giao dịch liên quan đến liên doanh tại Việt Nam", thông báo ghi rõ.

Tuy nhiên, AirAsia vẫn nhấn mạnh sự quan tâm đến việc điều hành một hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam do vị trí địa lý thuận lợi, thị trường hàng không đang mở rộng và tiềm năng tăng trưởng chung của đất nước này.

AirAsia lần thứ tư thâm nhập thị trường hàng không Việt thất bại
Ông Tony Fernandes, nhà sáng lập, CEO của AirAsia

Trên trang Twitter cá nhân, người đứng đầu AirAsia, ông Tony Fernandes khẳng định: “Việt Nam vẫn rất lớn trong kế hoạch. Tôi lạc quan rằng AirAsia sẽ xuất hiện tại Việt Nam trước cuối năm nay”.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên TheLEADER bên lề Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018, vị tỷ phú Tony Fernandes kỳ vọng AirAsia Việt Nam có thể cất cánh vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay. 

“Chúng tôi sẽ mở nhiều đường bay mới. Chúng tôi có dữ liệu và hoạt động marketing mạnh. Tôi cho rằng đây là lợi thế”.

Vị Tổng giám đốc của AirAsia tiết lộ chiến lược của AirAsia khi vào Việt Nam sẽ là đầu tư nhiều tiền, phụ thuộc vào tốc độ phát của của hãng này cũng như đối tác.

Chỉ 4 năm sau khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, AirAsia đã nhắm tới thị trường Việt Nam từ sự kiện Chính phủ muốn tái cơ cấu Pacific Airlines năm 2005. Hãng hàng không của vị tỷ phú người Malaysia đã tham gia cuộc đua trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines nhưng phần thắng lại thuộc về Qantas của Australia.

Hai năm sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại, AirAsia tiếp tục chiến lược kinh doanh với đơn vị nội địa thông qua đối tác là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Theo thỏa thuận chung giữa hai bên, AirAsia sẽ lo về phần bay và góp 30% vốn còn Vinashin chịu trách nhiệm về thủ tục, giấy phép với các cơ quan điều hành để thành lập hãng hàng không.

Tuy nhiên, AirAsia lại thất bại với giấc mơ bay tại Việt Nam khi tại thời điểm đó, Chính phủ không chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.

Cánh cửa tiếp tục được hé mở cho hãng hàng không của Malaysia khi Vietjet Air năm 2010 gặp nhiều khó khăn. AirAsia mong muốn mua lại 30% cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Vietjet.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã vấp phải sự phản đối từ Vietnam Airlines. Cục Hàng không sau đó đã khuyến nghị Vietjet Air phải có thương hiệu, biểu tượng riêng, không được nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài.

Những nỗ lực của AirAsia tiếp tục nhen nhóm hy vọng khi đầu tháng 4/2017, AirAsia góp 30% vốn cổ phần trị giá khoảng 44 triệu USD trong liên doanh với Gumin và Hải Âu.

Đầu tháng 12 năm ngoái, ông Tony Fernandes cùng với ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu đã ký biên bản ghi nhớ để cùng xây dựng hãng hàng không mới tại Việt Nam.

Tuy nhiên, giấc mơ bay tại Việt Nam của vị tỷ phú Malaysia này vẫn chưa thể thành hiện thực.

AirAsia là hãng hàng không giá thấp hàng đầu và lớn nhất ở châu Á, với mạng lưới rộng khắp hơn 120 điểm đến. Bắt đầu hoạt động từ năm 2001, hãng đã chuyên chở hơn 330 triệu hành khách và đội bay lên đến hơn 200 chiếc.

AirAsia có trụ sở hoạt động tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản với dịch vụ bay bao phủ toàn khu vực.