Áp lực kép của ngành gỗ Việt

Kim Yến - 08:28, 10/03/2020

TheLEADERNgành gỗ và nội thất đang cùng lúc chịu sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 và áp lực cạnh tranh từ nhiều thị trường mới được mở ra do hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi.

“Khủng hoảng là điểm mốc của sự thay đổi”

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có chiều hướng lây lan rộng sang nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran... làm trì hoãn hàng loạt các hội chợ nội thất trên toàn thế giới. 

Để đảm bảo an toàn cũng như sự thành công của doanh nghiệp tham gia trưng bày tại hội chợ, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) quyết định dời lịch tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam – VIFA EXPO 2020 sang thời điểm thích hợp. 

Kế hoạch cho một hội chợ ảo đã được vạch ra rất kịp thời, với quyết tâm cao vào tháng 5 này. HAWA cũng tiến hành ký kết với một số đối tác khác trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thực tế ảo (VR), showroom 3D và cộng đồng các giám đốc công nghệ thông tin Việt Nam, để mang lại những giải pháp toàn diện hơn cho doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA cho biết, thời gian tổ chức hội chợ đầu năm là mùa bán hàng quan trọng, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng mẫu mã sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh cho năm 2020. Do đó, HAWA luôn tìm kiếm giải pháp sản xuất kinh doanh thay thế giúp doanh nghiệp ứng phó với mùa dịch Covid. Bán hàng online chính là cánh cửa mới để ngành gỗ thích ứng trong thời dịch. 

Đánh giá về cơ hội của ngành chế biến gỗ trong tình hình dịch Covid đang hoành hành, ông Khanh cho biết, tác động của dịch cúm Covid-19 đã khiến sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Áp lực kép của ngành gỗ Việt
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA

Hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản,… càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc và Đông Nam Á trở thành thị trường thay thế lý tưởng, trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực.

Thêm vào đó các hiệp định như CPTPP và EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, từ đó nhiều thị trường mới được mở ra. 

Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, nguồn lực sản xuất Việt Nam đã sẵn sàng, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt, phải nhanh, năng động để đón lấy cơ hội thị trường. 

Ở chiều ngược lại, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống lại gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động. Một điển hình gần đây là việc đăng ký phá sản của PIER 1 Import – một hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ - buộc họ phải cải tổ để đi tiếp.

"Đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường. Sự chuyển đổi không gian số nhanh hơn bao giờ hết, động thái tiêu dùng thay đổi liên tục, dịch bệnh,… đang tạo ra áp lực và thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, cải tiến các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại trong đó chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi”, Chủ tịch HAWA nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch Công ty SCANSIA PACIFIC, cựu chủ tịch HAWA cũng có cái nhìn khá tích cực. Theo kinh nghiệm từ dịch SARS, thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 này có thể trong 6 tháng đầu năm. Quan hệ giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc hiện gặp khó bởi tác động từ dịch bệnh cũng dẫn đến thách thức cho doanh nghiệp chuyên nhập nguyên phụ liệu như bản lề, khóa, tay nắm, vải (sofa), hóa chất (sơn, dung môi)… từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, công nghiệp ngành gỗ khác với may mặc và da giày, nguồn nguyên liệu không phụ thuộc nhiều bên ngoài. Nhiều nhà máy Việt Nam và FDI có thể tự sản xuất nguyên phụ liệu, hóa chất cho ngành chế biến gỗ, và nhập từ nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc. Việt Nam sử dụng hơn 70% nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước, phần gỗ còn lại nhập từ nhiều thị trường nên cũng không bị động về nguyên liệu.

Nhìn lại quy mô sản xuất của Trung Quốc gấp 5 lần khả năng sản xuất tại Việt Nam. Khi đứt nguồn hàng gấp 5 lần này, nguồn cầu sẽ tràn sang quốc gia khác như Việt Nam để tìm khả năng cung. 

Việt Nam dường như là thị trường có khả năng sản xuất tốt nhất Đông Nam Á để nhận lấy cơ hội này. Năm 2019 ngành gỗ Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, với mức tăng trưởng hơn 18%. 

"Trong nguy có cơ, nếu Việt Nam kiểm soát dịch tốt, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chủ động ứng phó và quyết liệt với thời cơ, sẽ là lời giải cho mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD của ngành vào 2025”, ông Thắng khẳng định. 

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch HAWA, các nhà mua hàng lớn luôn có phương án dự phòng. Khi gặp sự cố họ sẽ tìm nguồn cung sẵn sàng thay thế nguồn hàng từ Trung Quốc. Các hội chợ trong giai đoạn đầu năm 2020 tại Trung Quốc đều bị huỷ bỏ, các nhà mua hàng đang có phương án đa dạng nguồn cung để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. 

"Đó là thời cơ cho những doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đơn hàng, ứng phó, thích ứng nhanh nhu cầu khách hàng, có mẫu mã tốt và tăng cường ứng dụng nền tảng thương mại trực tuyến thì sẽ tận dụng tốt các cơ hội từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh”, ông Hạnh nói. 

Ngành gỗ quyết tâm chuyển đổi số

Công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn, nguồn nhân lực đang có xu hướng khan hiếm dần, dịch chuyển sang nhiều ngành khác từ làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất từ các nước vào Việt Nam. Tuy nhiên lượng lao động đào tạo bài bản chưa đáp ứng đúng kỳ vọng của doanh nghiệp, đa phần phải đào tạo lại, nhất là nhân lực cho các khâu vận hành máy móc công nghệ hiện đại, thiết kế, quản lý sản xuất…

Ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành HAWA cho biết, với con đường phát triển ứng dụng công nghệ hướng đến chuyền hóa, tự động hóa, số hóa… nhu cầu đào tạo lao động chất lượng cao, có kỹ năng tốt cho ngành chế biến gỗ đang và sẽ rất lớn. Áp lực chuyển đổi số buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh từ thiết kế, công nghệ sản xuất và đặc biệt là thương mại số. 

Nền tảng số hóa đang thay đổi rất lớn công nghiệp chế biến, quản trị, thiết kế, mua bán hàng. Kinh doanh online cũng là xu thế bắt đầu ăn sâu rộng vào ngành nội thất, làm thay đổi rất lớn trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm.

Trong một sản phẩm gỗ, nguyên vật liệu và sản xuất chỉ chiếm 30% giá trị, 70% còn lại là giá trị thiết kế, sản phẩm có thiết kế đẹp giá bán càng cao. Thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay cạnh tranh về chất lượng và tất yếu trong tương lai là cạnh tranh về thiết kế trong khuynh hướng cá nhân hóa ngày càng cao. Thiết kế và thương mại, thương hiệu đóng vai trò sống còn tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam.

Sự xuất hiện của thương mại điện tử đang mang đến những cơ hội giao thương bình đẳng, nhanh chóng, thuận tiện với mọi đối tác trên thế giới, mang đến cơ hội kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mới đây, nội thất Nhà Xinh và một số thành viên xuất khẩu khác của HAWA đã thử nghiệm mô hình thương mại điện tử, kết hợp với công nghệ thực tế ảo để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Trang điện tử này giống hệt một gian hàng trưng bày tại hội chợ. Người mua nước ngoài chỉ cần ngồi máy tính vẫn có thể xem được tất cả mẫu mã mà doanh nghiệp nội thất trưng bày và tham quan nhà xưởng trên không gian 3D. Trong trường hợp người mua quan tâm tới sản phẩm nào có thể tương tác trực tiếp vào sản phẩm. Mẫu sản phẩm sẽ quay 360 độ để khách hàng có thể thấy được mọi góc cạnh, thông số mặt hàng quan tâm.

Thông qua sàn thương mại điện tử này, hai bên có thể biết được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của nhau. Khách hàng nước ngoài khi không hoặc chưa đến được Việt Nam, có thể khảo sát năng lực sản xuất của nhà máy thông qua một bên kiểm toán độc lập. Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác. Bởi, các doanh nghiệp có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trong tương lai, không chỉ với dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Quốc Khanh cũng nhấn mạnh vai trò của cuộc cách mạng số trong toàn ngành gỗ, và coi đây là vũ khí tối thượng để tạo sự tăng trưởng đột phá.

“Chính phủ đang đặt ra mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm đồ gỗ nội thất thế giới, đó cũng là chủ trương của HAWA. Tuy nhiên, chúng ta đang đối diện với nhiều thách thức khác, thực tế doanh nghiệp Việt tham dự vào chuỗi thế giới chiếm tỷ trọng nhỏ. Muốn đạt tới mục tiêu trên thì giá trị gia tăng phải nhiều hơn nữa, không làm hàng gia công mà làm hàng có thiết kế.

Phải thay đổi nhận thức trước khi bắt tay vào bất kỳ cuộc thay đổi nào. Ngành này có rất nhiều kỹ thuật tiến bộ, chuyển đổi số dễ dàng áp dụng để thay đổi đột phá. Với kỹ thuật số, các doanh nghiệp Việt có thể dễ dàng tham gia cuộc chơi thiết kế và phân phối, dùng thương mại điện tử để tạo ra xu hướng đột phá, giúp tạo giá trị gia tăng và xuất khẩu”, ông Khanh nói. 

Công nghệ đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng ở mọi ngành hàng. Kết quả điều tra ngành bán lẻ của PwC cho thấy, 49% người dùng có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại thông minh. Xu thế này khiến nhiều nhà bán lẻ nội thất đã tích hợp giữa thương mại điện tử, kết nối công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng.

Ngành chế biến gỗ và nội thất với đặc thù cần các không gian có diện tích rộng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, phục vụ thói quen “sờ tận tay, thấy tận mắt” (offline) của người tiêu dùng. Công nghệ VR, 3D giúp khách hàng có thể tham quan showroom, nhà máy một cách trực quan từ xa.

Sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24, xóa đi khoảng cách địa lý, tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian tiến trình đặt hàng. Khoảng cách giữa online và offline ngày càng được rút ngắn, tạo nên sự cộng hưởng nguồn lực. Mô hình O2O hứa hẹn là nền tảng kinh doanh vững chắc giúp doanh nghiệp đồ gỗ duy trì và tăng trưởng một cách bền vững.

Tranh luận về việc liệu bán hàng online có giết chết các cửa hàng nội thất sang trọng, ông Khanh cho rằng:“ Trong yếu tố nội thất, quan trọng nhất là cảm xúc. Chúng ta có thể dùng online để mua những món đồ nhỏ như cái gối, nhưng mua bộ sopha lớn đắt tiền chắc chắn phải offline. Online kích thích offline phải sáng tạo, không ngồi thử sao biết cảm giác thực thế nào? Các thương hiệu nội thất lớn thế giới bên cạnh việc bán hàng online, họ làm cửa hàng rất đẹp, để khách hàng được sống trong trải nghiệm trong đó. Online có thể giúp cho mọi thứ tiện lợi nhanh chóng hơn, nhưng offline lại khiến cho con người gần lại. Online không bao giờ giết chết offline, mà là sự cộng hưởng, online giúp bán hàng hiệu quả nhất, offline giúp bán hàng sáng tạo hơn”.