‘Át chủ bài’ cho tham vọng của KSB

Hứa Phương - 11:02, 30/05/2020

TheLEADERVì sao lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương không chia cổ tức bằng tiền mặt trong hai năm gần đây?

Kể từ khi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thoái hết vốn cách đây hơn bốn năm, hiệu quả kinh doanh của Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) đã cải thiện mạnh mẽ.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của KSB đã tăng trưởng liên tục trong bốn năm qua, từ 206 tỷ đồng vào năm 2016 lên 277 tỷ đồng vào năm 2017. Chỉ một năm sau, lợi nhuận đã vượt lên 327 tỷ đồng và đến năm ngoái cán mốc 336 tỷ đồng.

Mặc dù tình hình thị trường  xây dựng năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động đầu tư xây dựng bị ngưng trệ, nhưng đại hội cổ đông KSB tổ chức hôm qua cũng đã thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 ở mức 320 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với con số thực hiện được của năm ngoái.

Cũng vì thế, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của KSB luôn ở mức cao, đạt 5.450 đồng vào năm 2018 và 5.290 đồng vào năm ngoái. Nhờ đó, tạp chí Forbes đã đưa KSB vào danh sách những công ty có vốn hoá dưới 1 tỷ USD hoạt động hiệu quả nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong ba năm liền.

Tuy nhiên, nếu như ở thời kỳ còn thuộc sở hữu của Nhà nước, KSB thường xuyên trả cổ tức bằng tiền ở mức rất cao (20-30%/năm), thì trong bốn năm gần đây lại hạn chế trả cổ tức bằng tiền mặt.

Năm 2017, KSB trả cổ tức tiền mặt 1.500 đồng trên mỗi cổ phiếu, cộng thêm cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1. Tuy nhiên, KSB quyết định không chia cổ tức năm 2018. Đại hội cổ đông thường niên mới đây cũng thông qua nghị quyết không chia cổ tức bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% cho năm 2019.

Theo đó, cổ đông đã thông qua phương án phát hành thêm 13,2 triệu cổ phiếu, trong đó có 10,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 2,5 triệu cổ phiếu ESOP. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của KSB sẽ tăng lên gần 670 tỷ đồng.

‘Át chủ bài’ cho tham vọng của KSB
Ban điều hành KSB

Theo ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSB, việc giữ lại lợi nhuận là nhằm mục đích dồn vốn cho mục tiêu tăng trưởng đột phá trong thời gian tới, và khi đã đạt được mục tiêu sẽ quay lại chính sách cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao.

Những gì ông Đạt hé lộ tại đại hội cổ đông trong hai năm trở lại đây đã phần nào thể hiện tham vọng của KSB. Từ năm 2018, người đứng đầu công ty tuyên bố nâng thị phần đá xây dựng ở khu vực Đông Nam Bộ từ ước tính trên 50% hiện tại lên 60% trong vòng 5 năm tới.

Nhưng làm thế nào đạt được mục tiêu này, khi mà từ năm nay KSB sẽ không còn được khai thác mỏ Tân Đông Hiệp khi mỏ này hết hạn khai thác? Lưu ý, Tân Đông Hiệp là “con gà đẻ trứng vàng” cho KSB khi mà với lợi thế nằm ở trung tâm thị trường xây dựng phía Nam và chất lượng đá tốt, mỏ Tân Đông Hiệp chiếm tới 1/3 doanh thu và lợi nhuận của KSB.

Để bù đắp cho sản lượng bị thiếu hụt từ Tân Đông Hiệp, KSB đã thực hiện chiến lược “xuống sâu mà mở rộng” bằng cách khai thác xuống độ sâu -150m và -100m đối với mỏ Tân Mỹ và Phước Vĩnh và đẩy nhanh tiến độ xin phép khai thác mỏ Tam Lập ở độ sâu -20m. Bên cạnh đó, KSB cũng đã mua lại cổ phần của một số công ty khai thác đó ở Nghệ An và Thanh Hoá.

Tuy nhiên, nguồn cung từ khai thác xuống sâu và từ những mỏ đá mới thâu tóm cũng chưa thể bù đắp được phần thiếu hụt của mỏ Tân Đông Hiệp, chứ chưa nói gì đến việc tăng thị phần như lãnh đạo KSB kỳ vọng. Tuy nhiên, “át chủ bài” cho chiến lược tăng trưởng đột phá, và cũng phần nào lý giải cho chính sách không trả cổ tức bằng tiền mặt của KSB, đã phần nào được hé lộ trong đại hội cổ đông thường niên mới đây cũng như qua khoản uỷ thác đầu tư 1.311 tỷ đồng trên sổ sách.

Trong thời gian qua, không ít cổ đông thắc mắc về khoản đầu tư rất lớn này được uỷ thác cho các cá nhân trong công ty khi không rõ sẽ đầu tư thế nào và vào đâu. Gần đây, KSB đã phần nào làm yên lòng cổ đông khi thành lập công ty chuyên biệt để quản lý phần vốn đầu tư này. Và tại đại hội cổ đông tổ chức hôm qua, điểm đến của nguồn vốn đầu tư này đã phần nào được hé lộ.

Tại đại hội, ông Đạt cho biết KSB đang uỷ thác đầu tư 1.311 tỷ đồng vào một công ty vật liệu xây dựng lớn ở Đồng Nai. Công ty này có trữ lượng còn lại khoảng 250 triệu tấn đá với mức định giá giá trị rất lớn. Mục tiêu của KSB là mua lại công ty này để mở rộng quy mô.

Theo ông Đạt, hiện KSB đang sở hữu gián tiếp khoảng 40% cổ phần tại công ty trên và dự kiến trong năm nay KSB sẽ hoàn thành sở hữu chi phối và hạch toán vào báo cáo tài chính là công ty con. Hiện KSB đã có hai lãnh đạo nằm trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu của TheLEADER.vn, doanh nghiệp này đang sở hữu những mỏ đá lớn nằm ở khu vực Tân Cang, Thạnh Phú và Thiện Tân, với thời hạn khai thác còn rất dài. Trong đó, mỏ Tân Cang có thời hạn khai thác 22 năm, tổng trữ lượng đá xây dựng 53,46 triệu m3; mỏ Thạnh Phú có thời hạn khai thác gần 28 năm, trữ lượng 49,6 triệu m3; mỏ Thiện Tân khai thác trong 24 năm với trữ lượng 94 triệu m3.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, do công ty này có diện tích mỏ lớn và thời gian khai thác còn dài nên đây được đánh giá là doanh nghiệp có quy mô lớn và triển vọng trong khu vực Ðồng Nai hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Đạt cho biết, KSB sẽ đẩy mạnh đầu tư cho trụ cột kinh doanh thứ hai là bất động sản công nghiệp. 

Theo đó, KSB tiếp tục đầu tư hoàn thiện khu công nghiệp Đất Cuốc lên 553ha. Hiện KSB đã hoàn thành việc đầu tư giai đoạn 1 với 320ha và đã cho thuê, nhận đặt cọc khoảng 60% diện tích. Còn hơn 200ha giai đoạn 2 sẽ thực hiện cuốn chiếu theo hình thức vừa xây dựng, vừa cho thuê.

Mảng khu công nghiệp đang được coi là “mỏ vàng mới” của KSB, dự kiến trong năm 2020 sẽ chiếm 30% tổng doanh thu và 32% lợi nhuận.

Đại hội cổ đông KSB đã thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Hoàng Văn Lộc, đồng thời bầu ông Trần Đình Hà, Phó tổng giám đốc vào HĐQT. Được biết, ông Hà là em trai của một chủ tịch HĐQT có thâm niên gắn bó với KSB trước đây.

Việc ông Hà được bầu làm thành viên HĐQT rất có thể là bước đệm, chuẩn bị nhân sự cho việc ông Phan Tấn Đạt không còn kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc sau ngày 1/8 theo Nghị định 71.

Kết thúc năm 2019, KSB ghi nhận doanh thu đạt 1,314 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế 330 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2020, tổng doanh thu đạt 1.476 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng.