'Át chủ bài' để mở cửa du lịch, hàng không nội địa

An Chi - 08:00, 12/09/2021

TheLEADERKhông chỉ đợi để đón khách du lịch quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có kế hoạch dùng hộ chiếu vaccine để phục hồi ngay lập tức thị trường hàng không và du lịch nội địa.

'Át chủ bài' để mở cửa du lịch, hàng không nội địa
Phú Quốc là địa phương thí điểm áp dụng hộ chiếu vaccine đầu tiên tại Việt Nam

Ngay từ đầu năm 2021, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại mạnh mẽ ở Việt Nam, TS. Lương Hoài Nam, một chuyên gia tâm huyết với ngành hàng không và du lịch đã có những đề xuất về việc xuất áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa lại ngành hàng không và du lịch. 

Rất may là đề xuất của ông khi đó ngay lập tức được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và chuyển cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu khả năng dùng hộ chiếu vaccine để mở lại hàng không, du lịch quốc tế và trong nước.

Sau đó, rất nhiều những diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine tại Việt Nam như nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có nói đến hộ chiếu vắc xin và thí điểm hộ chiếu vaccine, đề án thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc. 

Không chỉ tại Việt Nam, theo ông Nam, câu chuyện hộ chiếu vaccine đã trở thành xu thế toàn cầu. Đơn cử như tại EU, việc đi lại trong nội bộ phải xuất trình hộ chiếu vaccine. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để thương thuyết giữa EU với các nước khác, cũng như để đi lại giữa các nước đó với EU.

"Có thể nói rằng, trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài. Chúng ta cũng đang phải dịch chuyển theo hướng này. Các đề án hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam đang phát triển mạnh và Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên thực hiện dùng hộ chiếu vaccine để đón khách du lịch quốc tế", ông Nam nhận định.

Tuy nhiên, không chỉ đợi để đón khách du lịch quốc tế, theo vị chuyên gia này, trước mắt, Chính phủ cần có kế hoạch dùng ngay hộ chiếu vaccine để phục hồi và phát triển thị trường hàng không và du lịch nội địa.

Nếu chờ hết dịch mới mở cửa lại thì không biết đến bao giờ. Trong khi đó, Việt Nam hiện đã tiêm chủng hơn 20 triệu liều vaccine, số lượng người tiêm đủ 2 liều đã lên đến hàng triệu người. Tất nhiên, mục tiêu lâu dài vẫn sẽ là hướng đến thị trường quốc tế nhưng thị trường nội địa là là thị phần mà ngay bây giờ Việt Nam có thể khai thác ngay được.

"Tôi đề xuất dùng hộ chiếu vaccine để phục hồi và phát triển thị trường hàng không nội địa ngay và luôn, không nên chờ các giải pháp đối phó vùng dịch bởi vì chúng ta có thể làm được việc đó rất nhanh. Mặt khác, thị trường nội địa là thế mạnh của Việt Nam, Chính phủ không phải thương thuyết với các quốc gia khác như việc mở cửa đón khách quốc tế", ông Nam nhấn mạnh.

Sống chung với dịch bệnh là xu thế tất yếu

Nguyên nhân khiến ông Nam hối hả thôi thúc việc mở cửa hàng không và du lịch nội địa là do tâm thế chống dịch đã thay đổi. Hiện nay, yếu tố quyết định trong phòng chống dịch bệnh là vaccine. Việt Nam không thể mãi đóng cửa nền kinh tế mà phải chấp nhận và sống chung với dịch trong bối cảnh bình thường mới. Đó là chiến lược thay đổi quan trọng nhất trong bối cảnh mới.

Nếu như trước đây, Việt Nam và nhiều quốc gia khác nghĩ rằng chỉ cần tiêm vaccine cho khoảng 70% dân số là coi như đạt miễn dịch cộng đồng, lúc đó sẽ là bình thường mới, thì những diễn biến sau khi xuất hiện biến chủng Delta đã cho thấy rằng vaccine chưa chống được lây nhiễm. 

Ở Mỹ, châu Âu ở thời điểm hiện tại là mức độ lây nhiễm rất kinh khủng. Ở Anh tiêm chủng rất nhiều nhưng lây nhiễm 1 ngày trên dưới 30.000 người. Ở Israel là nơi đạt mức tiêm chủng vaccine rất cao, nằm trong top của thế giới nhưng lây nhiễm cũng trên 10.000 ca/ngày.

Vaccine không chống được lây nhiễm nhưng lại chống tử vong rất tốt. Mức độ chống tử vong của vaccine đạt tới 94 - 99,9%. Có nghĩa, nếu người dân được tiêm vaccine, chỉ cần 1 liều thôi chưa cần phải tiêm đến 2 liều, nếu chẳng may có bị nhiễm Covid-19 thì khả năng rủi ro tử vong là rất thấp. Đây là giá trị lớn nhất của vaccine.

Điều này cho thấy, khi người dân đã được tiêm vaccine, sức khoẻ, an toàn tính mạng của họ đã được đảm bảo và họ có lợi thế sử dụng hộ chiếu vaccine để tham gia vào các hoạt động kinh tế, du lịch... Ngược lại, những người chưa hoặc không tiêm vaccine sẽ phải chấp những thiệt thòi, sự đối xử không được bình đẳng như những người đã tiêm vaccine.

Nhiều nước trên thế giới đã chủ động được vaccine, họ tiêm khá nhanh. Tuy nhiên, Việt Nam so với khu vực ASEAN vẫn còn tương đối chậm. 

Hiện Chính phủ và các địa phương đang đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine, mục tiêu đạt 100% người dân được tiêm vaccine. Tới khi đó, chắc chắn thị trường hàng không nội địa và hộ chiếu vaccine sử dụng cho thị trường hàng không nội địa sẽ mang lại giá trị vô cùng lớn đối với các hãng hàng không. Vaccine không phải chỉ cứu người mà còn cứu nền kinh tế và trong đó có cứu các hãng hàng không và du lịch, ông Nam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Võ Huy Cường cũng cho rằng, từ ngày 1/9, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, không thể mãi mãi phong tỏa xã hội, không thể mãi mãi giãn cách xã hội. Cùng với tiến trình tiêm vaccine, Việt Nam sẽ từng bước quay trở lại khôi phục các chuyến bay nội địa thường lệ.

Tiếp theo đó sẽ là mở lại hoạt động hàng không và du lịch quốc tế. Điều này sẽ hỗ trợ cho ngành hàng không và du lịch từng bước hồi phục, quay trở lại hoạt động. Kéo theo đó, tất cả các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất khác cũng có cơ hội để quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới khi Việt Nam đã có những kết quả kiểm soát dịch bệnh nhất định.

Hy vọng rằng, sau ngày 30/9, Việt Nam có thể tự tin mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động của ngành hàng không, ông Cường nhấn mạnh.