Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh

Kim Yến - 09:24, 05/05/2018

TheLEADERSức mạnh mềm của người phụ nữ quyền lực bậc nhất ngành kim hoàn Việt Nam chính là nghị lực vượt khó, một niềm tin mãnh liệt vào con người và những giá trị nhân văn.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ

Có lẽ chưa bao giờ, tôi được dự một lễ kỷ niệm ngày thành lập công ty tràn đầy những cung bậc cảm xúc như thế. Câu chuyện 30 năm của PNJ đã được kể bằng chính những chàng trai, cô gái đã coi PNJ là lẽ sống, niềm tự hào, là nơi cống hiến toàn bộ tuổi thanh xuân, mà linh hồn của nó là chị Cao Thị Ngọc Dung, vị thuyền trưởng tài ba đầy bản lĩnh và nhân hậu, đã đưa con thuyền PNJ vượt qua bao sóng dữ, để trở thành niềm tự hào của ngành kim hoàn Việt Nam

Khát vọng đưa ngành kim hoàn Việt Nam vươn ra thế giới

30 năm qua, PNJ đã âm thầm đảo ngược cụm từ “Người Việt dùng hàng Việt” thành “Hàng Việt chinh phục người Việt” và biến nó thành sức mạnh nội lực cả trong tình cảm và hành động của toàn bộ hơn 5.000 con người. Con đường PNJ vì người Việt còn kéo dài 50 năm, thậm chí 100 năm và lâu hơn nữa, để Việt Nam có được một “hàng hiệu” trang sức sánh ngang với các nước trong khu vực, và vươn ra thế giới…

Bước đột phá của PNJ vào năm 1992 khi đất nước còn cấm vận là dám bỏ tiền đầu tư cho nhóm cán bộ chủ chốt sang Singapore, sau đó là Đức, Italy, để học hỏi về công nghệ nữ trang cao cấp và dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ Italy.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh
Bà Cao Thị Ngọc Dung tại Đại hội Đảng bộ công ty năm 1996-1997

Việt Nam không có trường đào tạo kim hoàn, muốn nhân lực giỏi chỉ còn cách đi học nước ngoài, mời các chuyên gia và nhân rộng ra theo hình thức tự đào tạo. Nhiều thợ nữ trang và nghệ nhân được đưa đi đào tạo, người đi học về truyền đạt lại công nghệ hiện đại cho đội ngũ anh em thợ, các nghệ nhân chia sẻ bí kíp trong chế tác thủ công…Sự khao khát học tập ẩn chứa một quyết tâm vượt bậc của toàn thể đội ngũ sáng tạo, để làm nên các dòng sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.

Năm 1995, PNJ cũng tiên phong trong xuất khẩu với gian hàng đầu tiên tại hội chợ nữ trang Hong Kong. Từ mặt hàng vòng chạm và kiềng làm bằng tay, tiến đến nữ trang đúc được khách hàng Mỹ và châu Âu ưa chuộng. Đây cũng là cách để học hỏi về thị hiếu và kinh nghiệm từ những nền kim hoàn tiên tiến, biến thành sức mạnh tự thân. PNJ đang phấn đấu để nâng doanh số xuất khẩu lên 20-30% doanh số của toàn công ty.

Ở giai đoạn phát triển mới, khi PNJ đã khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng khách hàng, Chiến lược sản phẩm + kiểu dáng + giá trị dịch vụ gia tăng là ba điểm khác biệt mà PNJ cho là mũi nhọn để đi sâu hơn vào trái tim khách hàng.

Về thiết kế, ngoài việc luôn cải tiến mẫu mã theo kịp với xu hướng của thời trang quốc tế, đội ngũ thiết kế được trang bị những phần mềm hiện đại, cho phép thiết kế sản phẩm tinh xảo, nhẹ nhàng hơn. Mỗi thiết kế mới đều phải trải qua những quy trình nghiêm ngặt trên 2D, 3D, thiết kế bằng tay, rồi mới đưa vào sản xuất hàng loạt. Mỗi năm, PNJ xuất xưởng gần 3 triệu sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, mà vẫn bảo đảm độ bóng đẹp đồng đều và độ tinh xảo.

Chắt lọc tinh hoa nữ trang thế giới và thổi vào đó tinh thần, thẩm mỹ riêng có của người Việt Nam, về kim cương, PNJ tập trung phát triển dòng sản phẩm sang trọng. Bên cạnh đó là xu hướng trở lại với nữ trang đá quý, đá màu mới mẻ, tươi sáng, với nhiều kiểu dáng trang nhã, hợp túi tiền. Càng thanh nhã, mềm mại, càng đòi hỏi kỹ thuật cao, sự kỳ công. Đá màu cũng thể hiện cá tính, nét bí ẩn riêng có của người phụ nữ hiện đại.

Sau 30 năm thành lập, PNJ đang sở hữu những nhãn hiệu trang sức uy tín và đẳng cấp, đủ sức để cạnh tranh với các nhãn hiệu uy tín trên thế giới, như: Trang sức Vàng PNJ, trang sức Bạc và phụ kiện PNJSilver, Cao Fine Jewellery, Trang sức Jemma… Thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành với hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng ở khắp 48 tỉnh, thành trong cả nước.

Trang sức PNJ được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. PNJ đã trở thành thương hiệu Quốc gia và được vinh danh tại các giải thưởng, danh hiệu uy tín, như: Doanh nghiệp kim hoàn xuất sắc nhất khu vực ASEAN, Top 3 nhà bán lẻ Châu Á, Doanh nghiệp phát triển bền vững châu Á, Top 100 Môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam…

PNJ được Công ty Định giá thương hiệu Brand Finance (Vương quốc Anh) công bố trong Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2017. Theo báo cáo của Brand Finance, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam đạt khoảng 11,279 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2016. Đây là những doanh nghiệp có phương pháp định giá thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn của ISO (ISO 10668 về tiêu chuẩn định giá).

PNJ là doanh nghiệp kim hoàn duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng và xếp thứ 23 trong top 50 với định giá thương hiệu đạt 98 triệu USD, tăng 21% so với năm ngoái.

Không dừng lại ở việc khẳng định thương hiệu trong nước, PNJ còn đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu ở khu vực và thế giới, góp phần quảng bá thương hiệu ngành Kim hoàn Việt Nam bạn bè quốc tế.

Những giá trị được trao truyền qua nhiều thế hệ

Việc xây dựng thương hiệu luôn được công ty chú trọng. Với PNJ, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu là thân thiện với khách hàng, mang đến cho khách hàng niềm tin về những gì tốt nhất, thật nhất, điều này giúp công ty có được uy tín, vị thế trên thị trường.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 1
Bà Cao Thị Ngọc Dung luôn gắn bó với cán bộ nhân viên. Trong ảnh là một sự kiện team building của công ty.

PNJ hiểu rất rõ xây dựng thương hiệu là sự đầu tư cho tương lai chứ không phải là “chi phí”. Kiên định theo đuổi con đường đã chọn, giấc mơ và khao khát mãnh liệt của PNJ là trở thành thương hiệu lớn nhất về trang sức tại Việt Nam và đưa ngành kim hoàn vươn ra thế giới. Từ những bước chập chững đầu tiên để đến với trái tim khách hàng, từ hiểu và đeo trang sức theo cách của khách hàng, có mặt khắp nơi, sẵn lòng và tận tụy phục vụ, đến chuyện thổi hồn vào sản phẩm, mang đến cho khách hàng những giấc mơ… PNJ luôn đề ra những thử thách mới cho chuẩn mực của mình, để giữ vững vị trí tiên phong.

Không có lửa, làm sao truyền được lửa. Hơn ai hết mỗi thành viên của PNJ phải nuôi giữ được niềm tự hào về thương hiệu của mình, để biến slogan: “Mỗi nhân viên là đại sứ của PNJ” thành “Mỗi nhân viên là đại sứ của hàng Việt”. Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới nếu ai cũng sợ trách nhiệm, không dám mạnh dạn đột phá thì không thể nào có được những bước tiến vượt bậc.

Con người chính là nền móng của ngôi nhà PNJ, với những phẩm chất đã được tôi luyện và thử thách trong suốt bao nhiêu năm qua, đó là sống và làm việc trung thực, thẳng thắn, biết yêu thương nhau và biết đấu tranh cho những gì tốt đẹp.

Nữ trang là một ngành đặc biệt, tự PNJ quản lý trực tiếp, không mở đại lý, nên một nhân viên được giao từ 50 đến 1.000 lượng vàng, chưa kể kim cương và đá quý, điều gì giúp họ giữ được sự trung thực?

Đó chính là nhờ PNJ đã xây dựng văn hóa công ty trên cơ sở Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, với những quy trình, quy chế cụ thể, để mỗi người biết rất rõ trách nhiệm, và không đơn độc, hoặc chịu áp lực quá lớn. Ngoài ra PNJ luôn có quỹ phòng ngừa rủi ro, cập nhật tiền lương sát tình hình lạm phát. Có những người được thưởng 16-17 tháng lương, chưa kể được chia cổ tức.

Nhờ thế, văn hóa PNJ đã được nhân rộng, không chỉ trong sản xuất, dịch vụ, mà còn thấm vào lòng mỗi nhân viên, để chính họ trở thành một hình ảnh sống. Cái được lớn nhất của PNJ là lòng tin. Hơn 30 năm qua, trong cả những giai đoạn khó khăn nhất, những vị trí cán bộ cấp trung và cao cấp từ tổ trưởng trở lên chưa có ai rời bỏ công ty.

Thu hút chất xám chủ yếu nhờ văn hóa doanh nghiệp, PNJ cố gắng cho mỗi người hiểu được tương lai của họ, con đường đào tạo và tiến thân. Nhưng cái chính vẫn là truyền cho họ niềm đam mê. Bao nhiêu năm qua, chị Cao Thị Ngọc Dung luôn gắn bó máu thịt với các hoạt động của các bộ phận chức năng của PNJ, đặc biệt là bộ phận sáng tạo và marketing, là người tích cực đẩy nhân viên của mình đến trước những thách thức mới, khơi gợi, động viên kịp thời, và tạo không khí làm việc lúc nào cũng trẻ trung, vui vẻ, hào hứng.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 2
Nghi thức chuyển giao vị trí tân Tổng giám đốc cho ông Lê Trí Thông, cho thế hệ trẻ PNJ. Đối với bà Cao Thị Ngọc Dung, đây không chỉ đơn thuần là trao nhiệm vụ mà còn là gửi gắm toàn bộ niềm tin và hy vọng vào sự tiếp nối của thế hệ trẻ.

PNJ đang tạo nên sức sống mới của tuổi 30, phát huy mạnh mẽ hơn nữa triết lý phát triển bền vững mà PNJ đã xây dựng từ rất sớm: luôn đặt lợi ích khách hàng, lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp. 

Ra mắt 2 công ty thành viên mới, đó là Công ty TNHH MTV Kỷ nguyên khách hàng và Công ty TNHH MTV Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ, để tiếp lửa cho tuổi 30. Đồng thời, chị Cao Thị Ngọc Dung, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT PNJ cũng chính thức giao vị trí Tổng giám đốc cho người kế nhiệm là ông Lê Trí Thông sau 30 năm đảm nhận vai trò này.

Cao Thị Ngọc Dung- Tình yêu của tôi!

Giây phút cao trào nhất của buổi lễ là khi hơn 1.000 con người PNJ, đại diện cho hơn 5.000 “chiến binh dũng cảm” khắp cả nước cất cao lời bài hát “Cảm ơn tình yêu” và gọi chị Cao Thị Ngọc Dung là “ Tình yêu của tôi”!

Nhìn chị ứa nước mắt vì hạnh phúc, có thể cảm nhận thật rõ tình yêu nồng nàn của biết bao nhiêu con người dành cho chị, tạo nên nguồn năng lượng tích cực đang được truyền đi, và trở thành ngọn lửa rực cháy của niềm tin. Một niềm tin đã được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh.

Làm một người sếp, một vị thuyền trưởng đã khó, nhưng để được nhân viên của mình gọi là “Tình yêu của tôi”, phải mất bao nhiêu thời gian và công sức, kể cả sự trả giá, nỗi đau, những mất mát riêng tư…?

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 3
Đối với hơn 5.000 con người của PNJ, bà Cao Thị Ngọc Dung không chỉ là 1 người lãnh đạo, bà còn là niềm tin, là khát vọng của chính họ

Hãy lắng nghe chị kể lại, những lời chân thành, tự đáy lòng, bật ra như đã chất chứa rất lâu:

“Hạnh phúc là hành trình chứ không phải là đích đến, 30 năm qua PNJ chỉ mới là một chặng đường trên hành trình chinh phục giấc mơ của mình. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là đã tạo được dáng hình của niềm tin, để PNJ hôm nay thật sự đã trở thành cánh chim đầu đàn của ngành kim hoàn Việt Nam, và mang tầm vóc châu Á. Chúng tôi gọi hành trình ấy là 30 năm giữ trọn niềm tin vàng. Bởi chúng tôi tin rằng có niềm tin là có tất cả. Khi niềm tin và khát vọng đủ lớn, chắc chắn sẽ làm nên kỳ tích…

Gần đây trong công ty chúng tôi đang đọc cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi tại sao”. Đúng, câu chuyện của PNJ ngày đó, xuất phát từ câu hỏi tại sao một doanh nghiệp nhà nước, đã phát triển bền vững, tình cảm cho đến ngày hôm nay?

Đó là câu chuyện của niềm tin. Niềm tin đầu tiên xuất phát từ những người lãnh đạo quận Phú Nhuận.

Hồi đó, mô hình thí điểm của nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc, để chính thức đưa ngành vàng bạc thành một sản phẩm hàng hóa, không còn bị cấm đoán như trước.

Lúc đó tôi là một cô gái còn rất trẻ, 31 tuổi, là cán bộ làm công tác thương nghiệp, đang được cử đi học. Chị Cúc, Phó chủ tịch quận Phú Nhuận phụ trách về kinh tế, chỉ định tôi tiếp nhận việc thành lập công ty này, tôi rất lo lắng: “Dù là cửa hàng trưởng cũng là trưởng đơn vị, em còn quá nhỏ, lại không biết gì về nghề vàng, không thể nào làm được”. Chị nói “Chị biết em làm được”

Nhiều năm sau đó, chị Cúc mới nói với tôi lý do vì sao chị ấy chọn tôi lúc đó “chị nhìn vào đôi mắt em, và biết là em làm được”

Đó là niềm tin đầu tiên. Cùng với niềm tin của anh Mai Quốc Bình, chủ tịch quận Phú Nhuận và những lãnh đạo Phú Nhuận thời đó, đã gieo vào tôi niềm tin.

Thời điểm đó, hầu hết các công ty vàng bạc thành phố và quận huyện cùng ra đời và đi theo mô hình hợp tác với tư nhân. Tôi nhớ rất rõ chú Trần Thiện Tứ lúc đó là đại biểu quốc hội cũng cho rằng phải đi bằng con đường hợp tác tư nhân để phát triển doanh nghiệp.

Nhưng tôi thì ngược lại. Tôi nói với chú “nếu chú tin cháu, thì phải cho cháu đưa ra cách làm. Cháu không chấp nhận cách hợp tác”. Tôi tin rằng đâu đó doanh nghiệp ngành vàng muốn hợp tác để lấy vị thế nhà nước, khi được rồi thì chưa chắc họ sẽ đi cùng với nhà nước. Trong khi còn rất nhiều người thợ chế tác kim hoàn phải hoạt động ẩn dấu trong gia đình, tại sao không mời họ để cùng nhau xây dựng ngành kim hoàn Việt Nam.

Tôi cương quyết nói với chú Tứ : “Cháu sẽ hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, nhưng quản lý theo kiểu nhà nước”. Tôi còn nhớ chú đã cốc lên đầu tôi một cái “con nhỏ này cứng đầu”.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 4
Góc làm việc của bà Cao Thị Ngọc Dung

Xuất phát chỉ có 14 triệu đồng, với 20 con người, chúng tôi đã mời những người thợ chế tác kim hoàn Phú Nhuận và Bà Chiểu ngồi lại với nhau tại một căn phòng ở ủy ban, để tạo dựng PNJ.

Làm nghề này không tin nhau thì không làm được, vì vàng đưa qua đưa lại, giấy tờ, chứng từ nếu chờ đợi đầy đủ mất quá nhiều thời gian. Phải hoạt động theo mô hình gia đình của tư nhân, nhưng có kiểm soát chặt chẽ theo kiểu Nhà nước. Từ mô hình đó, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ thợ từ 20 người đến 50 người, rồi lớn hơn nữa…

Thời đó đi mua chiếc nhẫn cưới cũng phải đến Cửa hàng vàng bạc của Ngân hàng nhà nước để xin phép mới được mua, tôi nghĩ tại sao không làm nữ trang phục vụ cho chị em phụ nữ. Kể từ ngày ra đời đó cho đến hôm nay, sản phẩm nữ trang PNJ luôn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các chị em.

Đến 1992 đã chứng minh điều dự đoán của tôi là đúng, khi nhà nước cho tư nhân kinh doanh vàng, các nhà buôn đã rời nhà nước ra ngoài làm hết, không còn hợp tác nữa. Lúc đó PNJ nổi lên như một ngôi sao, vì chỉ duy nhất PNJ không phụ thuộc vào tư nhân, chỉ có PNJ mới có được đội ngũ chế tác, có xí nghiệp kim hoàn, nhờ đó có được niềm tin của nhà nước, các ngân hàng…

Ngay từ những ngày đầu, một vị ân nhân mà chúng tôi không bao giờ quên, đó là anh Nguyễn Duy Lộ, người phụ trách một tổ chức tín dụng, người thầy đã truyền cho tôi bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Chính anh đã tin PNJ vì ngành kim hoàn Việt Nam, và đã giúp cho tôi vốn để vực dậy một công ty khác của Phú Nhuận đang bên bờ phá sản. Anh đã nói với chủ tịch quận Phú Nhuận: “Tôi cho PNJ vay vì tôi tin vào Cao Ngọc Dung”.

Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình “mất tiền có thể chấp nhận, nhưng mất niềm tin thì không bao giờ chấp nhận”. Và chúng tôi đã cùng nhau cam kết cho đến hôm nay. Với niềm tin đó, chúng tôi đã xây dựng được một đội ngũ như hôm nay.

Lần thử thách thứ hai, khi thành phố có giới thiệu cho PNJ một đối tác của Úc để thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo công nghiệp hóa. Tôi và anh Mai Quốc Bình đã đàm phán một năm rưỡi, chuẩn bị mặt bằng cho liên doanh này. Nhưng với tính cẩn trọng, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, tôi đề nghị quận cùng tôi qua Singapore xem họ kinh doanh vàng thế nào rồi hãy ký.

Sau chuyến tham quan, tìm hiểu kỹ càng, tôi thấy các kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp cận với công nghệ này. Không quá khó để chúng ta phải trả cho người ta số tiền 120 ngàn USD chuyển giao công nghệ, một số tiền lúc đó là quá lớn. Ngay tại Úc, tôi đã nói với anh Mai Quốc Bình “Anh ơi, khoan hãy ký. Mình về Việt Nam sẽ xem xét kỹ việc này”.

Về Việt Nam, tôi đã hứa với anh Bình: “Những gì nước ngoài làm được chúng ta sẽ làm được”. Đó là câu nói thứ hai quan trọng trong đời tôi.

Chúng tôi từ chối liên doanh đó, bên Úc cũng rất bực bội vì mất rất nhiều thời gian cho đàm phán. Khi qua đó, tôi thấy máy móc người ta trùm mền, họ đòi thị trường Việt Nam 70%, thị trường xuất khẩu 30%, rõ ràng họ cần thị trường của mình. Tôi chỉ lấy một lý do để từ chối: “Anh phải đưa vào điều khoản thị trường xuất khẩu 70%, thị trường Việt Nam 30%”, thế là liên doanh không thành, đó là năm 1992.

Bắt đầu năm 1993, chúng tôi nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam, một chặng đường gian truân đầy mồ hôi và nước mắt… Tôi nhiều lần rơi nước mắt, vì đâu đó một số cán bộ cho rằng tôi làm điều này có tiêu cực phía sau hay không? Tại sao lỗ mà đầu tư hoài? Tôi đã có kế hoạch xây dựng lỗ cho PNJ, tuy nhiên tôi phải đi kiếm tiền bằng cách khác để bù cho lỗ đó và chúng tôi đã thành công.

Một vị ân nhân nữa của tôi là Chủ tịch Hội đồng vàng thế giới khu vực Châu Á, ông Alber Chang. Lúc tôi vô cùng nản chí, sau ba năm trời xây dựng, khó khăn về thông tin, phải tự mày mò, ý kiến nội bộ lại không đồng lòng… Trên một chiếc cầu vượt ở Hong Kong, ông ấy đã nói với tôi “ bà đã đi đúng hướng rồi, những nơi tôi dẫn bà tham quan như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã đi trước Việt Nam 20 năm rồi, bà mới bước đi thôi, đừng có nản”.

Với câu nói đó, ông ta tin là tôi làm được. Và ông đã giúp tôi về tinh thần lẫn những kiến thức, kỹ năng, thậm chí có tài trợ ban đầu về marketing để chúng tôi tự tin đưa những sản phẩm kim hoàn Việt Nam ra thị trường Việt Nam và thế giới

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 5
Sức mạnh mềm của vị nữ Chủ tịch PNJ chính là xây dựng niềm tin

Tôi có niềm tin vào giấc mơ lớn của chính mình, vào đội ngũ, vào những người thân, bạn bè… nhưng không phải chỉ có niềm tin là đủ. Chúng tôi phải học, phải xây dựng đội ngũ xem PNJ là mái nhà chung, những con người tin nhau, sống với nhau bằng trái tim và khối óc, chia sẻ với nhau những khó khăn. Chúng tôi học từng ngày, học lóm người ta về kỹ thuật, học và đọc miệt mài…

Tôi tự hào vì đã xây dựng được mái nhà chung mà ở đó mọi người yêu thương và đùm bọc lẫn nhau, tuy nhiên đó là tình thương yêu có kỷ luật, học hỏi không ngừng để vượt qua giông bão.

Một lần nữa, chúng tôi lại đứng trước thách thức của niềm tin. Đó là ngày 15/8/2015, sự cố ngân hàng Đông Á xảy ra. Tưởng chừng như chúng tôi phải gục ngã, cũng đã không loại trừ khỏi kịch bản bị thôn tính. Nếu chúng tôi không tự tin vào bản thân mình, nếu những con người PNJ không có niềm tin vào sự chính trực của chính mình thì không có PNJ với vóc dáng hôm nay.

Nhiều người trong xã hội nghĩ rằng khi ở vị trí lãnh đạo cao nhất của ngân hàng chắc chắn đằng sau là một loạt công ty sân sau được hưởng lợi, chắc chắn PNJ và gia đình tôi là những người hưởng lợi…

Đó là suy nghĩ rất bình thường trong xã hội, chúng ta không trách được. Chỉ có Đông Á là khác, chỉ có PNJ là khác. Và ngày hôm nay cái khác đó được trả lời , bằng sự vượt qua khó khăn của chúng tôi để phát triển vượt bậc trong ba năm qua.

Và chúng tôi đã vượt qua cơn sóng lớn nhất. Trong vòng 3 năm, PNJ đã phát triển gấp 3 lần, cổ phiều PNJ tăng gần 10 lần, và hiện nay, đội ngũ PNJ là 5.500 con người, lợi nhuận năm 2017 gần 1.000 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng trên 30%. Khi ngồi lại với nhau, có bạn đề xuất thôi giảm bớt tốc độ tăng trưởng. Tôi nói “không!”. Ba năm vừa rồi, tôi phải làm gấp ba lần sức lực của mình để chứng minh cho xã hội thấy rằng có niềm tin là có tất cả. Với niềm tin lớn, chúng tôi sẽ trường tồn.

Bà Cao Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Một phẩm chất vàng được trui rèn qua lửa đỏ và nước lạnh 6
Bà Cao Thị Ngọc Dung tham gia trong một sự kiện xã hội

Chúng tôi tự hào là ngọn cờ đầu, xây dựng nên vóc dáng của ngành kim hoàn Việt Nam, là bà đỡ, đi cùng với anh em nghệ nhân cả nước. PNJ cũng đóng góp ngân sách không nhỏ, mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, năm qua gần 500 tỷ đồng. Những ai đã đến với PNJ đều có sự phát triển…

Tôi thật sự tri ân những anh chị ngày ấy đã thực sự tin tôi. Nhất là anh Lộ, người đã cho tôi vay một lượng vốn lớn mà không cần thế chấp, một việc làm vượt ra ngoài nguyên tắc của Ngân hàng thời ấy và ngay cả bây giờ, để tôi không chỉ xây dựng thành công Cty PNJ mà còn vực dậy được các công ty bên bờ vực phá sản của Quận Phú Nhuận ngày ấy.

Và đặc biệt là tri ân mẹ tôi, vì vào những ngày đầu thành lập cửa hàng, nếu mẹ không có niềm tin nơi tôi, không cho Cửa hàng Vàng bạc Phú Nhuậndo tôi được phân công sáng lập vay 60 lượng vàng thì chúng tôi cũng không có vốn để hoạt động, có thể sẽ không có một PNJ như hôm nay.

Một người nữa tôi muốn tri ân là anh Trần Phương Bình, người đã giúp tôi rất nhiều để xây dựng nền tảng vững chắc cho PNJ… cùng những người bạn đã sống, đã thở cùng với PNJ”.